Khoa học chứng minh giận không… mất khôn

Khoa học chứng minh giận không… mất khôn

Nghiên cứu mới đây của các nhà khoa học Mỹ cho thấy cơn giận có thể là chất xúc tác để giải quyết các vấn đề hóc búa.

1 Khoa Hoc Chung Minh Gian Khong Mat Khon

Cơn giận có thể là "chất xúc tác" để giải quyết các vấn đề hóc búa - Ảnh: ALAMY

Nghiên cứu do các nhà khoa học tại Đại học Texas A&M (Mỹ) thực hiện. Họ tiến hành các thí nghiệm trên hơn 1.000 người. Đồng thời phân tích dữ liệu khảo sát từ hơn 1.400 tình nguyện viên để khám phá tác động của sự tức giận đến chất lượng giải quyết vấn đề của mỗi người.

Trong thí nghiệm đầu tiên, các tình nguyện viên được cho xem những hình ảnh, video có thể gợi lên các cảm giác tức giận, ham muốn, thích thú, buồn bã hoặc trung tính (không cảm xúc).

Ngay sau đó, họ được yêu cầu tham gia trò giải đố chữ - sắp xếp các ký tự thành một từ có nghĩa.

Kết quả, nhóm nghiên cứu nhận thấy trong trạng thái tức giận, các tình nguyện viên giải được nhiều phép đảo chữ hơn 39%. Đặc biệt, họ vượt trội với các bộ chữ hóc búa, bỏ xa những nhóm ở các trạng thái cảm xúc khác.

Theo các nhà nghiên cứu, những tình nguyện viên thuộc nhóm tức giận dành nhiều thời gian hơn hẳn để giải quyết các bộ chữ khó. Dường như sự tức giận đã làm họ kiên trì hơn rất nhiều so với các nhóm tình nguyện viên khác.

Một thí nghiệm khác: các tình nguyện viên xem hình ảnh và video gợi cảm xúc, sau đó chơi game người tuyết vượt chướng ngại vật.

Kết quả, nhóm tức giận đạt kết quả cao hơn gấp nhiều lần so với những người trung lập hoặc buồn bã. Trong khảo sát này, nhóm tức giận và nhóm người cảm thấy thích thú, ham muốn cho kết quả ngang bằng nhau.

Tiến sĩ Heather Lench - giảng viên Đại học Texas A&M, tác giả chính nghiên cứu - cho biết những phát hiện này chứng minh rằng sự tức giận hoàn toàn có thể giúp tăng nỗ lực đạt được mục tiêu mong muốn, góp phần cho một số thành công.

"Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy việc sử dụng cảm xúc tiêu cực làm công cụ có thể đặc biệt hiệu quả trong một số tình huống. Chúng tôi cũng bổ sung bằng chứng rằng sự kết hợp giữa cảm xúc tích cực và tiêu cực sẽ thúc đẩy hạnh phúc", tiến sĩ Heather Lench nói.

Kết quả nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nhân cách và Tâm lý xã hội.

Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online


© 2024 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC



 

Bài liên quan