Giới trẻ 'lười biếng' vì cuộc sống khác xa 30 năm trước

Giới trẻ 'lười biếng' vì cuộc sống khác xa 30 năm trước

Nhiệm vụ của thế hệ trước với người trẻ là gì, khi kinh tế, xã hội toàn cầu biến động liên tục khiến họ mệt mỏi, mất phương hướng?

1 Gioi Tre Luoi Bieng Vi Cuoc Song Khac Xa 30 Nam Truoc

Sau khi đọc bài Người trẻ mệt mỏi và những bình luận khác, tôi thắc mắc rằng tại sao người trẻ lại không được chán nản? Tuổi của hoài bão lại chưa hình thành nền tảng, hệ thống giá trị, chưa tìm được ý nghĩa, mục đích sống thì rất dễ chán nản, mất phương hướng.

Một thế giới phẳng cho phép người ta nắm bắt thông tin toàn cầu đồng nghĩa với vô số những luồng tư tưởng xung đột khiến họ mất phương hướng. Nhưng điều đó có thực sự đáng ngại, có gây hại cho nền kinh tế không? Nền kinh tế giống như động cơ đốt trong khổng lồ, những nhóm xilanh khác nhau ở những thì hoạt động khác nhau (nạp - nén - nổ - xả).

Người đang miệt mài học tập, phấn đấu là đang trong chu kì nạp, người đang cắn răng kiên nhẫn chịu đựng những khó khăn, áp lực là đang trong chu kỳ nén, người đang gặt hái thành công là trong chu kỳ (bùng) nổ thì phải chấp nhận có những người đang mệt mỏi, cần nằm im để chữa lành, họ đang trong chu kỳ xả.

Chính sự lệch pha đó mới tạo ra sự cân bằng và ổn định về lâu dài. Có người làm, có người nghỉ ngơi hơn là tất cả cùng làm hùng hục rồi cùng gục ngã ở một thời điểm. Thay vì tập trung vào nền kinh tế, hãy đặt con người vào trọng tâm của mọi chính sách.

Hãy khoan chỉ trích giới trẻ lười biếng, ham hưởng thụ, chịu áp lực kém. Cuộc sống hiện tại khác rất nhiều so với 30-50 năm trước, kinh tế xã hội biến động liên tục khiến nhiều người trẻ dễ rơi vào trạng thái khủng hoảng hiện sinh sớm hơn thế hệ trước.

Không phải xã hội không hợp với tư duy của người trẻ mà chính cái tư duy (có đúng có sai) ấy qua những lần vấp ngã sẽ được điều chỉnh dần dần để thấu hiểu được bản chất khách quan của cuộc sống. Khi thấu hiểu được bản thân và cuộc sống thì người trẻ sẽ vững vàng hơn, có mục tiêu, có động lực hơn.

Thế hệ trước và thế hệ sau vẫn có thể hoà hợp được miễn thế hệ trước hiểu được bối cảnh hiện tại và những khó khăn của thế hệ sau. Những người đi trước cần nhận thức được vai trò nâng đỡ, trách nhiệm phải để lại di sản đẹp chứ không phải một thế giới "bầy hầy" đủ mọi vấn nạn cho thế hệ sau giải quyết.

Thế hệ trước thay vì chỉ trích, nghi hoặc lớp trẻ thì hãy tập trung thực hiện vai trò dẫn dắt, định hướng, làm gương cho tốt.

Và nếu được hãy tự vấn xem di sản chúng ta để lại cho thế hệ sau là những gì?

Nguồn: VNEXPRESS.NET


© 2024 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC



 

Bài liên quan