Một số giải pháp cấp bách hạn chế tai nạn trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn

Một số giải pháp cấp bách hạn chế tai nạn trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn

Là người đã từng nhiều lần lái xe đi qua cao tốc này, tôi xin đề xuất một số giải pháp cấp bách có thể thực hiện được ngay, đơn giản mà không tốn kém.

1 Mot So Giai Phap Cap Bach Han Che Tai Nan Tren Cao Toc Cam Lo   La Son

Hiện trường vụ tông xe liên hoàn làm ba mẹ con tử nạn trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn sáng 18/2. Ảnh: Võ Thạnh

Có thể nói, vụ tai nạn thảm khốc cướp sinh mạng 3 người trong một gia đình trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn nguyên nhân chính là do tài xế vượt ẩu. Tuy nhiên, nếu nhìn nhận khách quan thì còn có nhiều nguyên nhân khác như việc thiết kế, thi công, quản lý, phân luồng đường cao tốc này còn nhiều bất cập.

Bởi theo Quy chuẩn đường bộ cao tốc số 5729:2012: Đường cao tốc là đường có dải phân cách chia đường cho xe chạy 2 chiều riêng biệt và số làn xe cần thiết cho mỗi chiều xe chạy của đường cao tốc là một số nguyên không nhỏ hơn 2. Tuy vậy, cao tốc Cam Lộ - La Sơn hiện nay chỉ có 1 làn đường, 1 làn dừng khẩn cấp mà không có dải phân cách ở giữa.

Lâu lâu lại có một đoạn cho phép xe vượt, có đoạn khoảng cách cho phép vượt xe có phân cách cứng chỉ... khoảng 500m, còn ký hiệu vạch đứt cho phép vượt xe thông thường có khi chỉ vài chục mét!.

2 Mot So Giai Phap Cap Bach Han Che Tai Nan Tren Cao Toc Cam Lo   La Son

Điểm xảy ra tai nạn có hiện trạng nút thắt cổ chai, từ 4 làn chuyển thành 2 làn xe (Ảnh: Vi Thảo).

Bởi chính vì phạm vi cho phép vượt xe quá ngắn, quá gấp trong khi có đoạn đường dài khoảng 7 - 8km mới có điểm cho phép vượt nên nhiều trường hợp gặp xe container hoặc xe tải chở nặng là cả đoàn xe phải nối đuôi nhau thành hàng dài với tốc độ có khi chỉ 20 - 30km/h. Và chờ đến điểm cho phép vượt xe là... thi nhau vượt.

Nguy hiểm nhất là do chờ quá lâu nhiều tài xe nóng ruột, bức bối nên đến điểm cho phép vượt là cả 2 bên ngược chiều đều đổ xô... tranh thủ, đua nhau vượt. Và như vậy khi gặp phải "nút chắt cổ chai" ở cuối điểm hết phạm vi vượt xe để nhập làn là rất dễ va chạm, đụng nhau gây tai nạn.

Các cơ quan chức năng và nhiều chuyên gia giao thông đã đưa ra các giải pháp chủ yếu là khẩn trường mở rộng thêm làn đường, tăng điểm vượt xe an toàn, cải thiện hệ thống biển báo, lắp camera giám sát phạt nguội để răn đe... Tuy nhiên, việc này có thể mất rất nhiều thời gian, kinh phí để thực hiện.

Là người đã từng nhiều lần lái xe đi qua cao tốc này, tôi xin đề xuất một số giải pháp cấp bách có thể thực hiện được ngay, đơn giản mà không tốn kém, cụ thể:

Thứ nhất, cơ quan chức năng nên lắp thêm biển đèn vàng cảnh báo nguy hiểm cách 100m so với điểm hết phạm vi vượt xe để tài xế có thể căn khoảng cách nhằm chủ động giảm tốc độ. Bởi vì, nhiều đoạn phạm vi vượt quá ngắn nên rất khó dự đoán khi nào hết vượt. Trong khi đường nhỏ, xe chạy tốc độ khá cao nên nhiều tài xế vì tập trung lái xe mà không kịp đọc biển báo sắp hết vượt xe được đặt bên lề đường như hiện nay.

Thứ hai, tại một số đoạn đường quá hẹp, nhiều điểm 'thắt cổ chai' trên cao tốc này nên cần xem xét bỏ chắn hộ lan can bao quanh đường mà thay bằng cọc tiêu. Trong trường hợp khẩn cấp lái xe không kịp giảm tốc độ khi đến điểm 'thắt nút cổ chai' mà gặp vật cản hoặc đối mặt với xe ngược chiều nếu không còn lối thoát nào khác thì lái xe vẫn có thể chọn giải pháp 50/50 là lấn ra khỏi lề đường, thậm chí chủ động lao xuống ruộng, xuống vực thì thiệt hại có thể nhẹ hơn, ít hơn là đối đấu với xe tải, xe ngược chiều.

Bởi như hiện nay nhiều điểm do hộ lan can rất cứng "bóp chặt" các phương tiện dẫn đến va chạm gây tai nạn không thể thoát ra được. Mặt khác, nếu cắm cọc tiêu thì đường sẽ rộng thêm đôi chút, vì đôi khi tránh xe chỉ cần vài cm cũng đã là có đường sống, có thể tránh được tai nạn thảm khốc rồi.

Thứ ba, các cơ quan có liên quan tiến hành rà soát và tăng cường tổ chức giao thông, phân luồng hợp lý trên tuyến cao tốc này. Theo đó, trước mắt nên cấm xe container, xe tải có trọng tải lớn lưu thông trên tuyến đường này, nhất là vào dịp cao điểm lễ tết, mùa lễ hội. Bởi đây là đường đèo dốc, ngoằn nghòeo nguy hiểm nên các xe trọng tải lớn lưu thông sẽ rất chậm làm hạn chế tốc độ của các phương tiện giao thông khác dẫn đến nhiều trường hợp liều lĩnh vượt xe gây tai nạn như vừa qua.

Đây cũng là nguyên nhân gây ùn tắc giao thông cục bộ liên tục tại các điểm giao cắt vào dịp lễ tết.

Thiết nghĩ, những hạn chế của tuyến đường cao tốc Cam Lộ - La Sơn - Túy Loan là khá rõ, đã được nhận diện bước đầu nhưng giải pháp lâu dài lại mất nhiều thời gian, kinh phí. Do đó, cơ quan chức năng cần sớm quan tâm triển khai các biện pháp cấp bách đơn giản nhưng khá hợp lý, hiệu quả trên nhằm góp phần hạn chế những bất cập và tránh được những vụ tai nạn thảm khốc, thương tâm như vừa qua.

Giao thông đường bộ đóng vai trò quan trọng trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta, nhưng không phải lúc nào cũng được thiết kế và quản lý một cách hiệu quả. Trên một số tuyến đường, việc đặt biển báo, kẻ vạch và phân làn giao thông đôi khi gặp phải nhiều vấn đề và bất cập, góp phần làm gia tăng nguy cơ mất an toàn cho người tham gia giao thông.

3 Mot So Giai Phap Cap Bach Han Che Tai Nan Tren Cao Toc Cam Lo   La Son

Hiện trường tai nạn làm 3 người tử vong trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn ngày 18/2. Ảnh: Võ Thạnh

Với mục tiêu xây dựng môi trường giao thông an toàn và thuận lợi hơn, báo Dân trí mở diễn đàn: "Độc giả Dân trí cùng chung tay vì giao thông an toàn", mong muốn kêu gọi sự đóng góp và phản ánh thông tin từ độc giả.

Độc giả có thể gửi bài viết, bình luận, chia sẻ thông tin, ý kiến của mình về các vấn đề giao thông như xe khách chở quá số người quy định, tăng giá vé quá quy định, nhồi nhét và chèn ép hành khách, đón trả khách sai quy định, ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông… Hoặc hình ảnh những điểm đen, bất cập trong việc đặt biển báo, kẻ vạch, phân làn giao thông mà các bạn đã trải qua.

Báo sẽ tổng hợp các ý kiến, phản ánh của độc giả và gửi đến các cơ quan chức năng liên quan.

Mỗi phản ánh của độc giả đều quan trọng và có ý nghĩa, góp phần xây dựng một môi trường giao thông an toàn và tiện lợi hơn cho cộng đồng. Hãy cùng nhau hành động, để giao thông của chúng ta trở nên tốt đẹp hơn!

Độc giả có thể gửi phản ánh của mình thông qua email: [email protected], qua số điện thoại đường dây nóng: 0973-567-567. Thông tin gửi về sẽ được tiếp nhận và xử lý một cách nhanh chóng.

Khi phản ánh tới đường dây nóng cần có đầy đủ thông tin về thời gian, địa điểm, biển kiểm soát phương tiện, hành vi vi phạm hoặc vấn đề gây mất trật tự an toàn giao thông.

Luật gia Phạm Văn Chung

Nguồn: Báo điện tử Dân trí


© 2024 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC



 

Bài liên quan