Đi du học, đừng khóc nơi xứ người

Đi du học, đừng khóc nơi xứ người

Loay hoay ngay từ khi đặt chân xuống sân bay, lúng túng khi “va chạm” với nền văn hóa mới, không biết xoay sở thế nào khi bố mẹ chưa kịp gửi tiền chi tiêu sang… rất nhiều vấn đề mà du học sinh không được trang bị trước. Nhiều người tủi thân, bất lực đến bật khóc.

Du học đâu chỉ học

Trong mắt mọi người, Thu Hà  luôn được gọi là “con nhà người ta”: học giỏi, tham gia một số hoạt động của các tổ chức phi chính phủ, có trong tay nhiều chứng chỉ và hồ sơ du học khá “đẹp”.

Thế nhưng đến khi đặt chân sang xứ sở chuột túi, Thu Hà mới gặp phải nhiều vấn đề mà trước đây bạn chưa hề bận tâm:

“Hồi cấp 3, em chỉ tập trung cho việc học, đến bữa chỉ việc ăn, đến giờ là đi học, mọi công việc nhà mẹ em đều làm hết. Khi đi du học, em ở tập thể với một số bạn bè quốc tế, chỉ riêng việc nấu ăn, dọn dẹp khiến em khá mất thời gian. Chưa kể phải san sẻ nhà bếp, khu vệ sinh, máy giặt với các bạn khác khiến em không quen. Đã có lần em bị một bạn cùng nhà kêu vì để nhà bếp ám mùi nước mắm. Những lần như thế em cũng tủi thân thân lắm, nhưng đúng là mình sai thật”.

132 1 Di Du Hoc Dung Khoc Noi Xu Nguoi

Vốn được cưng chiều, sống vô tư, nên khi đột ngột tách ra khỏi bố mẹ, nhiều du học sinh bộc lộ những yếu điểm trong sinh hoạt tập thể, chưa biết sắp xếp công việc cá nhân, dung hòa giữa cái tôi bản thân và các bạn khác. Những lúc như vậy, du học sinh có thể xảy ra mâu thuẫn hoặc rơi vào thu mình.

Còn với Lê Hoàng Nhật Minh, hóa ra xởi lởi, dễ tính quá cũng không tốt: “Hồi đầu sang Mỹ, trong nhà trọ của mình có một số cậu bạn đến từ Mỹ Latin  rất “chịu chơi”, ham mê tiệc tùng. Họ thường rủ mình tham gia, lúc đó mình cũng ham vui, lại nghĩ bạn bè mới nên kết giao, thân thiện một chút do vậy không từ chối”. Bạn bè tuy có nhiều hơn nhưng những buổi tiệc tùng làm ảnh hưởng đến sức khỏe, việc học tập của Minh. Sau vài tháng, Minh đã phải tìm cách từ chối khéo.

Riêng Phạm Mỹ Anh, vốn là cô gái sành điệu, ngay trong tháng đầu tiên đặt chân đến Pháp du học đúng mùa sales, cô nàng đã tiêu tốn một khoản tiền lớn vào mua sắm và sau đó gần như vô sản, lại phải xin cứu viện từ bố mẹ.

Cần học cách tự lập trước khi du học

Tự lập là kỹ năng cần thiết cho bất cứ học sinh nào, đặc biệt là ở lứa tuổi 18 tuổi, giai đoạn bắt đầu trường thành, cuộc sống có nhiều bước ngoặt như học đại học, đi du học. Có thế hiểu đơn giản tự lập là có thể tự lo cho bản thân, lên kế hoạch và giúp cuộc sống đi vào ổn định, giải quyết được những vấn đề mình gặp phải và đạt được những mục tiêu trong cuộc sống.

132 2 Di Du Hoc Dung Khoc Noi Xu Nguoi

Tự lập là kết quả của một quá trình và là tập hợp của nhiều kỹ năng khác nhau: kỹ năng quản lý tài chính, sắp xếp thời gian, biết cách nói “không”, nói lời nhờ vả, làm việc nhóm, giải quyết mâu thuẫn với bạn bè, bảo vệ tài sản…

Sau lần “vô sản”, đến nay Mỹ Anh vẫn chưa bỏ được thói mua đồ giảm giá nhưng đã biết chi tiêu chừng mực hơn: “Những khi còn “rủng rỉnh”, hoặc làm thêm được em đều để tiền trong một tài khoản riêng, khoản này dành để mua đồ hoặc nếu bố mẹ có chậm gửi tiền một chút, em vẫn có thể tồn tại được”.

Thu Hà cho biết cô bạn đang tập lên kế hoạch cho từng công việc nhỏ nhất, từ việc học tập đến sinh hoạt, học vài món ăn qua mạng, tìm một số bạn bè Việt Nam để được giúp đỡ. “Giá mà trước đây em có thể trang bị cho mình nhiều kỹ năng sống hơn thì bây giờ không vất vả và tốn thời gian như thế này”.

Tiếng Anh, tài chính, kiến thức, sự chăm chỉ là chưa đủ để đi du học. Sự tự lập mới là nền tảng cơ bản, là chìa khóa để du học sinh mở ra cánh cửa hòa nhập ở môi trường mới, phát huy những năng lực của bản thân.

Gia đình, nhà trường nên trang bị cho học sinh những kỹ năng sống từ sớm, đừng để những du học sinh phải bật khóc, loay hoay chốn trời Tây chỉ vì một bữa ăn, mấy chiếc quần áo, những chuyện vụn vặt hằng ngày.

Theo VnExpress


© 2024 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC



 

Bài liên quan