NHỮNG ĐIỂM ĐẶC BIỆT CỦA HỆ THỐNG GIÁO DỤC TẠI ĐỨC
Cùng với y tế, giáo dục là một trong những trọng điểm hướng đến của CHLB Đức. Nền giáo dục ở quốc gia này được nhận định là mang tính cách thực tiễn, phong phú và rất cởi mở.
Hệ thống đào tạo ở Đức chú trọng giúp học sinh phát huy được tư duy sáng tạo, khả năng thực thi áp dụng vào trong mọi tình huống thực tế. Nhờ vậy, nguồn lực lao động tại Đức có trình độ chuyên môn cao, khả năng đáp ứng tốt trong nhiều lĩnh vực. Đặc biệt, hệ thống giáo dục vượt bậc của Đức đã thu hút đông đảo sự quan tâm, yêu thích của giới trẻ trên khắp châu lục. Hiện nay, Đức là một trong những đích đến hàng đầu của nhiều nước khi lựa chọn du học hoặc du học nghề.
Điểm qua hệ thống giáo dục tại Đức, chúng tôi muốn gửi đến bạn những điểm nổi bật, đặc biệt nhất của hệ thống này.
Đức có hệ thống giáo dục vượt bậc
1. Tại Đức có đến 5 mô hình trường trung học
Mục tiêu của Đức chính là giáo dục, định hướng tương lai phù hợp với năng lực của mỗi người. Thế nên, bước vào giai đoạn trung học các em học sinh sẽ được phân cấp giáo dục rõ rệt.
Cấp trung học của Đức có 5 mô hình khác nhau, dựa trên học lực, năng khiếu mỗi em. Hình thức này sẽ tránh được việc “mệt mỏi” khi ngồi nhầm lớp, lựa chọn sai cho tương lai. Ở mỗi cấp học, học sinh được định hướng nghề nghiệp rất rõ ràng, nhanh chóng tìm ra điểm mạnh của mình để tập trung vào đó.
5 mô hình học tập bậc trung học trong hệ thống giáo dục tại Đức như sau:
Realschule
Realschule là mô hình đào tạo phù hợp cho học sinh có học lực khá trở lên. Mô hình này đào tạo từ lớp 5 đến lớp 10. Realschule tập trung trang bị kiến thức Toán, Văn, Ngoại ngữ và các kỹ năng mềm như thuyết trình, tin học,…
Đây là mô hình chuyên về kiến thức học thuật căn bản giống như các quốc gia tiên tiến khác trên thế giới. Trong quá trình học tập, nếu học sinh có thành tích vượt trội thì có thể xin chuyển sang trường Gymnasium để vào đại học. Mô hình này, sau khi tốt nghiệp học sinh cũng có thể đăng ký học nghề như nguyện vọng.
Hauptschule
Mô hình này dành cho học sinh trung bình trở xuống, học trong 4 năm, từ lớp 5 đến lớp 9. Chương trình đào tạo của Hauptschule cũng tương tự như các mô hình khác nhưng tốc độ châm hơn, kiến thức ít hơn để đảm bảo học sinh tiếp thu kịp thời.
Sau khi tốt nghiệp Hauptschule, học sinh đa phần sẽ chọn học nghề, vừa học vừa làm để phát triển bản thân. Trong quá trình học tập nếu thấy chương trình thấp hơn năng lực bản thân thì có thể xin chuyển sang mô hình học tập cao hơn.
Mittelschule
Mô hình Mittelschule là sự kết hợp giữa lý thuyết và thực hành (giữa Realschule và Hauptschule).
Các mô hình đào tạo tại Đức
Gymnasium
Là mô hình đào tạo dành chuyên cho học sinh mong muốn vào đại học, dạy từ lớp 5 đến lớp 12. Theo đánh giá, Gymnasium nặng về lý thuyết, nhiều môn khoa học tự nhiên và khoa học xã hội.
Gesamtschule
Gesamtschule kết hợp các đặc điểm của Gymnasium, Hauptschule và Realschule. Với mô hình đào tạo này, học sinh sẽ học từ 8-9 năm.
Nhìn chung, mỗi mô hình sẽ tập trung vào những mục tiêu nhất định. Trong số này, Gymnasium hướng đến giấc mơ đại học, Hauptschule xây dựng kỹ năng thương mại và công nghiệp, còn Realschule thiên về đào tạo nghề nhiều hơn.
Việc lựa chọn nhóm trường trung học sẽ được quyết định vào năm học sinh 10 tuổi. Ở giai đoạn này, phụ huynh và giáo viên sẽ kết hợp để tư vấn, đưa ra hướng phù hợp nhất.
2. Đức sử dụng thang điểm 6
Thang điểm ở Đức sẽ là 6, và nếu không đủ điểm yêu cầu, học sinh sẽ bị lưu ban. Cách thức tính điểm và đánh giá như sau:
1-1.5: Rất tốt (Sehr Gut)
1.51-2.5: Tốt (Gut)
2.51-3.5: Hài lòng (Befriedigend)
3.51-4.0: Đạt yêu cầu (Ausreichend)
4.01-6.0: Không đạt yêu cầu (Nicht Ausreichend)
3. Đức miễn phí học đại học
Hệ thống giáo dục ở Đức còn gây ấn tượng mạnh mẽ khi chương trình đại học ở đây đào tạo hoàn toàn miễn phí. Sinh viên chỉ cần lo chi phí ăn uống và nhà ở, còn lại nhà trường sẽ hỗ trợ hết.
Đặc biệt, đối với du học sinh nước ngoài vẫn áp dụng chính sách miễn giảm học phí như trên. Và nếu trường học có thu phí thì lại cực thấp, tạo điều kiện cho mọi người từ mọi nơi trên thế giới đến học tập tại Đức.
4. Mô hình giáo dục linh hoạt
Như đã nói ở trên, hệ thống giáo dục tại Đức là một hệ thống mở và linh hoạt. Khởi đầu, học sinh được lựa chọn chương trình đào tạo theo năng lực, theo sở thích và nguyện vọng của mình. Trong quá trình học, nếu nhận thấy cần phải thay đổi thì học sinh có thể chủ động xin chuyển sang mô hình phù hợp với hiện tại.
Ở cấp trung học, khi tham gia các trường học nghề, học sinh vẫn có thể đăng ký học bổ túc để lấy bằng tốt nghiệp phổ thông và nộp đơn vào đại học. Ngoài ra, ở Đức bạn được phép tham gia chương trình đào tạo kép, vừa học kiến thức và thực hành tại các doanh nghiệp. Sau khi ra trường, cả chuyên môn và kỹ năng đều được tôi luyện nhuần nhuyễn, có thể tham gia làm việc được ngay và cơ hội phát triển nghề nghiệp rất tốt.
Trên đây là những điểm độc đáo của hệ thống giáo dục tại Đức mà có thể bạn chưa biết. Hy vọng bài viết đã cung cấp thêm nhiều thông tin hữu ích cho bạn.
© 2024 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC