Nga triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Belarus có thể là sai lầm lớn

Nga triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Belarus có thể là sai lầm lớn

Quyết định triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật (TNW) ở Belarus của Điện Kremlin đang vấp phải những tranh luận gay gắt. Điều gì sẽ xảy ra nếu Belarus cố giữ những vũ khí đó cho riêng mình? Báo Nga Pravda đã có bài bình luận về những rủi ro có thể dẫn đến những sai lầm trả giá đắt.

1 Nga Trien Khai Vu Khi Hat Nhan Chien Thuat O Belarus Co The La Sai Lam Lon

Quyết định triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật của Nga ở Belarus có thể là sai lầm lớn. Ảnh Pravda

Belarus có hạt nhân

Nhà khoa học chính trị Andrey Suzdaltsev tin rằng, việc triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật của Nga ở Belarus là một quyết định khó khăn đối với Moscow. Quyết định này phần lớn được đưa ra do hậu cần quân sự, nhưng nó cũng mang lại những hậu quả tiêu cực về mặt chiến lược. Minsk có thể cố gắng giữ vũ khí hạt nhân của Nga cho riêng mình, nhà khoa học chính trị giả định.

Thật vậy, những e ngại như vậy không phải là không có cơ sở. Grigory Azarenok, người dẫn chương trình truyền hình Belarus, cho biết trong chương trình của mình rằng Belarus đang trở thành một cường quốc hạt nhân.

"Belarus là một cường quốc hạt nhân. Một quốc gia có khả năng đáp trả bằng vũ khí hạt nhân chiến thuật nếu bị tấn công. Warsaw sẽ tan chảy và Vilnius sẽ bị ngập lụt. Chúng ta sẽ thấy hoàng hôn mờ đục và sự phát triển của nấm hạt nhân trên đầm lầy Ba Lan...", người dẫn chương trình truyền hình nói.

Minsk vẫn "ngồi giữa hai chiếc ghế"

Ông Putin nói rằng Nga không chuyển giao vũ khí hạt nhân chiến thuật cho Belarus, mặc dù Minsk đã yêu cầu từ lâu. Thay vào đó, Nga sẽ kiểm soát vũ khí của mình trên lãnh thổ Belarus. Đây là những gì Mỹ làm ở châu Âu. Nga trước đó đã triển khai các hệ thống Iskander ở Belarus, ông Putin cho biết thêm rằng các tổ hợp Iskander có thể được sử dụng làm phương tiện mang vũ khí hạt nhân chiến thuật.

Thật vậy, Mỹ triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Đức và Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng họ không coi mình là quốc gia hạt nhân. Thật khó để tưởng tượng rằng bất kỳ chính phủ nào trong số này có thể chiếm đoạt những vũ khí đó hoặc tống tiền Mỹ.

Tuy nhiên, đây dường như là mối quan tâm thực sự đối với bất kỳ quốc gia hậu Xô Viết nào bởi vì tất cả họ, kể cả Belarus, đều mắc kẹt trong thói quen "ngồi giữa hai chiếc ghế". Đây là thời điểm nguy hiểm thứ hai.

Tổng thống Alexander Lukashenko từ chối công nhận các lãnh thổ mới sáp nhập vào Nga. Moscow và Minks không có hệ thống thuế chung, cũng không có quốc hội chung. Ngay từ đầu, chỉ có các khoản trợ cấp của Nga cho nền kinh tế Belarus - từ giá thấp đối với các nguồn năng lượng cho đến các khoản vay - mới là vấn đề quan trọng đối với Lukashenko.

Nếu tình hình ở Nga thay đổi dù chỉ một chút (ví dụ như Moscow có thể cắt hỗ trợ tài chính cho Belarus), ông Lukashenko sẽ thay đổi quyết định ngay lập tức. Ông có thể nói rằng ông sẽ không trả lại vũ khí hạt nhân chiến thuật cho Moscow và sẽ yêu cầu Moscow phải làm điều gì đó để trao đổi. Liệu Moscow có làm được gì khi lính Belarus chỉ huy hệ thống Iskander?

Điều gì sẽ xảy ra nếu Belarus trở thành một Ukraine khác?

Điều gì xảy ra sau này nếu Belarus có một thế hệ lãnh đạo mới, những người mới nắm quyền sẽ từ chối trả lại các đầu đạn hạt nhân cho Nga? Điện Kremlin có thể coi Belarus như một Ukraine khác, mặc dù có vũ khí hạt nhân chiến thuật.

 Dường như không có gì đáng ngạc nhiên trong bối cảnh này khi Lầu Năm Góc không nhận thấy mối đe dọa nào trong động thái của Nga chuyển giao vũ khí hạt nhân chiến thuật cho Belarus. Ngược lại, Lầu Năm Góc có thể coi đó là một lợi thế trong dài hạn.

Nếu quyết định triển khai TNW của Nga ở Belarus được đưa ra khi Moscow phản ứng với ý định cung cấp đạn uranium nghèo cho Kiev của Vương quốc Anh, việc Phần Lan gia nhập NATO và việc xây dựng lực lượng ở Ba Lan và các nước vùng Baltic, thì một phản ứng như vậy được coi là hợp lý về mặt chiến thuật. Tuy nhiên, đồng thời, người ta muốn tin rằng những rủi ro trên đã được tính toán kỹ lưỡng.

Sau nhiều lần dọa sử dụng vũ khí hạt nhân, ngày 25-3, Tổng thống Nga Vladimir Putin nói nước này sẽ đưa vũ khí hạt nhân tới Belarus.

"Chúng tôi đã giao tới Belarus hệ thống cực kỳ hiệu quả và nổi tiếng Iskander, có thể mang vũ khí hạt nhân. Ngày 3/4, chúng tôi sẽ bắt đầu huấn luyện và ngày 1/7 sẽ hoàn tất việc xây dựng một kho chứa vũ khí hạt nhân chiến thuật trên lãnh thổ Belarus", ông Putin nói rất cụ thể trên kênh truyền hình Rossiya-24.

Việc triển khai sẽ đánh dấu lần đầu tiên vũ khí hạt nhân của Nga được triển khai bên ngoài biên giới kể từ sau sự sụp đổ của Liên Xô.

Nguồn: Báo điện tử DÂN VIỆT


© 2024 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC



 

Bài liên quan