'Hành động đáng trân quý' của ông Philipp Rösler

'Hành động đáng trân quý' của ông Philipp Rösler

Ngày 4-6, phóng viên Tuổi Trẻ tìm gặp sơ Anna Lucia Ri (tên thật là Võ Thị Ri, 89 tuổi) - người chính tay chăm sóc cựu phó thủ tướng Đức gốc Việt Philipp Rösler.

1 Hanh Dong Dang Tran Quy Cua Ong Philipp Rosler

Sơ Anna Lucia Ri, người từng tận tay chăm sóc ông Philipp Rösler - Ảnh: TỐNG KHOA

Bà Ri chia sẻ vào năm 18 tuổi, bà gia nhập tu viện ở Sóc Trăng vì thấy đời sống trong tu viện rất hay.

"Thời đó, người dân còn nghèo lắm, không có điều kiện nuôi con và trẻ bị bỏ rơi nhiều. Có đứa trẻ họ mang vào trao tận tay cho cô nhi viện, có đứa thì người ta bỏ ở thùng rác phía trước. Đứa nào chúng tôi cũng nhận cưu mang hết vì chúng đều là con người. 

Những đứa trẻ được nuôi dưỡng từ sự giúp đỡ của người dân đóng góp", sơ Ri tâm sự.

Theo bà, những năm tháng xưa không phải đứa trẻ nào cũng được may mắn, cũng được mang vào tu viện. 

2 Hanh Dong Dang Tran Quy Cua Ong Philipp Rosler

Chuyên gia kinh tế Philipp Rösler dự talkshow "Cảm hứng khởi nghiệp" ngày 26-4-2023 tại TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH

"Ông Rösler cũng như bao đứa trẻ khác. Một ngày nọ, người ta phát hiện ông bị bỏ rơi khi mới lọt lòng ở thùng rác, được người dân mang vào tu viện trao và được nhận vào nuôi", bà kể tiếp.

Khi ông Rösler được 9 tháng tuổi, có hai vợ chồng người Đức sang thăm và làm thủ tục nhận làm con nuôi. 

Sau năm 1975, cô nhi viện ở Sóc Trăng không còn nữa. Sơ Ri cũng về tu viện ở TP Cần Thơ kể từ dạo đó.

Một quãng thời gian dài đằng đẵng sau đó tin tức về ông, sơ Ri cũng không được rõ lắm. Trong một lần ông Rösler về thăm cô nhi viện ở Sóc Trăng thì sơ Ri có đến. Nhưng giữa hai người không tâm sự được nhiều vì rào cản ngôn ngữ.

Sơ Ri tâm sự thêm: "Tôi nghĩ hai vợ chồng người Đức không nhận ai khác trong số trẻ ở cô nhi viện ngày xưa mà nhận ông Rösler về nuôi là số trời cho, là lương duyên của ông ấy. Vài năm sau khi sang Đức, hai vợ chồng nhận nuôi cũng có gửi hình ông Rösler qua cho tôi xem.

Tôi biết được thông tin ông Rösler làm phó thủ tướng Đức cũng nhờ xem báo chí. Tôi rất mừng cho số phận ông ấy. 

Việc ông ấy thông qua sinh nhật kêu gọi đóng góp hỗ trợ trẻ em Việt Nam ở các cô nhi viện là một điều trân quý. Vì nơi đó đã từng cưu mang ông".

Vài nét về tu viện ở Sóc Trăng nơi ông Philipp Rösler từng được cưu mang

Ông Philipp Rösler được nuôi dưỡng 9 tháng đầu đời tại cô nhi viện thuộc Tu viện Công giáo của Dòng Chúa Quan Phòng (Dòng Providence của Pháp) nằm ở đường Tôn Đức Thắng, phường 8, TP Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng, trước khi được một cặp vợ chồng người Đức nhận làm con nuôi vào tháng 11-1973.

3 Hanh Dong Dang Tran Quy Cua Ong Philipp Rosler

Tu viện ở Sóc Trăng, nơi ông Philipp Rösler từng được cưu mang trước khi được một đôi vợ chồng người Đức nhận nuôi - Ảnh: KHẮC TÂM

Tu viện này là một tòa nhà màu vàng nhạt với những ô cửa sổ màu trắng muốt, trang trí tuy đơn sơ nhưng sạch sẽ. Khuôn viên của Tu viện được các sơ trồng nhiều hoa, cây kiểng, trông rất bắt mắt.

Ngày 1-3-1888, các nữ tu Chúa Quan Phòng đã đến phục vụ tại đây, trong đó có chị Eusèbe LAMOTTE và chị phụ tá Edouard DIETSCHY. Đầu tiên các chị ở trong ngôi nhà bằng tre. Tại đây các chị cũng nhận nuôi các trẻ mồ côi như những nơi khác có sự hiện diện của nữ tu Chúa Quan Phòng.

4 Hanh Dong Dang Tran Quy Cua Ong Philipp Rosler

Bên trong tu viện nơi ông Philip Rösler từng được cưu mang - Ảnh: KHẮC TÂM

Năm 1925 có tất cả 511 em cô nhi, trong số đó có 86 em nữ. Ở đây các chị cũng xây dựng bệnh viện để chăm sóc bệnh nhân. Năm 1889, chị Eusèbe cho cất thêm một dãy nhà nữa để làm bệnh viện cho nam, dãy cũ dành cho nữ. Năm 1900 chị qua đời.

Tiếp nối là chị Félicienne POIROT, chị rất hăng hái cho công trình này. Tuy nhiên, tháng 11-1904, một cơn bão đi qua Sóc Trăng, làm ngôi nhà của nữ tu bị sập, đồ đạc hư hết. Vì thế mà các chị phải xây dựng lại nhà và chị Félicienne đã mua lại một lò gạch và tự làm gạch xây nhà.

Chị cho xây thêm một dãy nhà nữa nối liền với dãy nhà thứ nhất để cho các em cô nhi ở. Sau đó thì bệnh viện được mở rộng hơn, có khu dành riêng cho nam. Nhà bảo sanh và nhà thuốc ngăn cách hai khu vực nam và nữ.

Sau đó các chị xây thêm dãy nhà dành cho những người bệnh nan y và những người già cả. Ngoài ra, các chị cũng có khu ký túc xá dành cho các em gái được gửi vào đây ở trọ để đi học, không phân biệt tôn giáo hay quốc tịch. Các em được học giáo lý và học cách cầu nguyện chung. Tháng 8-1925 ký túc xá có 101 em.

Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online


© 2024 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC



 

Bài liên quan