Hé lộ về kế hoạch đại tu hệ thống nhập cư, luật quốc tịch của Đức

Hé lộ về kế hoạch đại tu hệ thống nhập cư, luật quốc tịch của Đức

Đức đang có hơn 800.000 vị trí cần tuyển dụng. Nền kinh tế lớn nhất châu Âu muốn tìm kiếm lao động tay nghề cao từ nước ngoài để lấp đầy khoảng trống đó.

1 He Lo Ve Ke Hoach Dai Tu He Thong Nhap Cu Luat Quoc Tich Cua Duc

Trong một nỗ lực mới nhằm thu hút những người lao động nước ngoài tài năng đến đất nước, Thủ tướng Olaf Scholz đã công bố kế hoạch cải cách hệ thống nhập cư và luật quốc tịch Đức.

Ông Scholz hôm 28/11 đã nhắc lại sự ủng hộ của ông đối với các kế hoạch của Bộ trưởng Nội vụ Đức Nancy Faeser nhằm sửa đổi các quy tắc để giúp việc nhập tịch dễ dàng hơn cho người nhập cư, những người mà ông ca ngợi là đóng vai trò không thể thiếu trong việc tái thiết và củng cố nước Đức.

Số liệu nhập tịch ở Đức đang trì trệ, với 1,3 trường hợp nhập quốc tịch trên 1.000 người; theo Eurostat, tỉ lệ đó là thấp hơn mức trung bình của EU (1,6 trường hợp trên 1.000 người).

Với số lượng vị trí tuyển dụng đang ở mức cao nhất mọi thời đại — 853.315 vị trí tuyển dụng được báo cáo trong 10 tháng đầu năm 2022, theo công ty phân tích dữ liệu Statista — nền kinh tế lớn nhất châu Âu đang tìm kiếm lao động tay nghề cao từ nước ngoài để lấp đầy khoảng trống đó.

2 He Lo Ve Ke Hoach Dai Tu He Thong Nhap Cu Luat Quoc Tich Cua Duc

Thủ tướng Đức Olaf Scholz. Ảnh: Rappler

Thủ tướng Scholz đã thông báo tại một sự kiện ở Berlin rằng Nội các của ông sẽ quyết định “những điểm chính” cho cải cách nhập cư lao động có tay nghề vào ngày 30/11.

Một hệ thống dựa trên các điểm “minh bạch, không quan liêu” sẽ được giới thiệu, như thông lệ tiêu chuẩn từ lâu đã trở thành tiêu chuẩn ở các quốc gia khác, Thủ tướng Đức cho biết. Việc học tập hoặc đào tạo nghề của người nước ngoài cũng sẽ trở nên dễ dàng hơn.

Theo kế hoạch cải cách luật công dân của Bộ trưởng Faeser, người nhập cư sẽ được phép có song tịch. Đáng chú ý, họ sẽ có thể nhập quốc tịch Đức sau 5 năm thay vì 8 năm, theo bản dự thảo dài 39 trang mà giới truyền thông được tiếp cận trước vào hôm 25/11 vừa qua.

Trong trường hợp có “thành tựu hội nhập đặc biệt”, chẳng hạn như người làm công tác tình nguyện hoặc có kỹ năng ngôn ngữ đặc biệt có thể nhập quốc tịch Đức sau 3 năm. Và trẻ em sinh ra ở Đức với cha mẹ là người nước ngoài có thể sẽ tự động được cấp quốc tịch nếu cha hoặc mẹ đã “thường trú hợp pháp” ở Đức trong 5 năm, thay vì 8 năm.

“Những người sống và làm việc lâu dài ở đây cũng có thể bỏ phiếu và được bầu… với tất cả các quyền và nghĩa vụ đi kèm”, Thủ tướng Scholz cho biết hôm 28/11. Tuy nhiên, ông cảnh báo rằng có những giới hạn đối với khả năng tiếp nhận người nhập cư của đất nước.

Ông Boris Pistorius, người đứng đầu ngành Nội vụ bang Lower Saxony cho rằng Đức nên quan tâm đến việc “biến những người này trở thành một phần của xã hội chúng ta, để họ không phải sống như một nhóm ngoài lề, với ít quyền hơn nhưng cùng nghĩa vụ như mọi người khác”.

Tiếng nói phản đối

Tuy nhiên, kế hoạch trên đã vấp phải sự phản đối của phe đối lập trong chính phủ và cả đối tác trong liên minh cầm quyền của Thủ tướng Đức.

3 He Lo Ve Ke Hoach Dai Tu He Thong Nhap Cu Luat Quoc Tich Cua Duc

Sigudur, người gốc Iceland, đang kiểm tra bộ phận hạ cánh của một chiếc Boeing 747 tại xưởng sản xuất máy bay Haitec ở Hahn. Đức đang muốn thu hút những người lao động nước ngoài tài năng đến đất nước. Ảnh: The Local

Ông Friedrich Merz, chủ tịch đảng CDU, đã bác bỏ đề xuất này. Ông nói: “Quốc tịch Đức là một thứ rất có giá trị và nó phải được xử lý cẩn thận. Quốc tịch kép không nên là quy tắc mà là ngoại lệ. Trong những năm gần đây, chúng ta đã mở rộng toàn diện việc nhập cư vào thị trường lao động Đức. Nhưng nếu mục tiêu của liên minh là mở rộng nhập cư vào các hệ thống xã hội, thì tất nhiên chúng tôi sẽ không đồng ý với điều đó”.

Chính trị gia đối lập Alexander Dobrindt của CSU trung hữu nói: “Bán quyền công dân Đức không thúc đẩy hội nhập”.

Trong khi đó, ông Bijan Djir-Sarai, tổng thư ký của Đảng Dân chủ Tự do (FDP) trong liên minh cầm quyền, cho biết còn quá sớm cho một cuộc cải cách sâu rộng như vậy, đồng thời nói thêm rằng trước tiên, việc hồi hương người tị nạn phải được thực thi nhanh hơn.

Trong năm 2021, gần 132.000 người đã được cấp quốc tịch Đức, nhiều hơn khoảng 1/5 so với năm trước đó. Hầu hết trong số họ là người gốc Syria, tiếp theo là người Thổ Nhĩ Kỳ và người Romania.

Theo Politico.eu, Euronews


© 2024 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC



 

Bài liên quan