TikTok bị cáo buộc gửi dữ liệu cá nhân tại Mỹ về Trung Quốc

TikTok bị cáo buộc gửi dữ liệu cá nhân tại Mỹ về Trung Quốc

App chia sẻ video TikTok của Trung Quốc là đối tượng của một vụ kiện tập thể ở Mỹ, cáo buộc app chuyển “số lượng lớn” dữ liệu người dùng về Trung Quốc.

132 1 Tiktok Bi Cao Buoc Gui Du Lieu Ca Nhan Tai My Ve Trung Quoc

Những người tham gia vào vụ kiện tập thể này nói rằng Tiktok đã “lén lút” thu thập nội dung mà không có sự đồng ý của người dùng.

Thuộc sở hữu của ByteDance có trụ sở tại Bắc Kinh, TikTok có một lượng khá lớn người dùng tại Hoa Kỳ.

Trên phạm vi toàn thế giới, TikTok được cho là có khoảng nửa tỉ người dùng. Hãng này trước đây đã nói rằng, họ không lưu trữ dữ liệu người dùng tại Hoa Kỳ vào các máy chủ Trung Quốc.

Tuy nhiên, nền tảng truyền thông xã hội đang thu hút rất nhiều người dùng trẻ này đang phải đối mặt với áp lực tại Mỹ về vấn đề thu thập và kiểm duyệt dữ liệu.

Vụ kiện này được đệ trình lên tòa án California hồi tuần trước, tuyên bố TikTok “trắng trợn … thu thập và chuyển đến các máy chủ ở Trung Quốc một lượng lớn dữ liệu người dùng và nhận dạng cá nhân.”

Những người đệ đơn cáo buộc rằng, dữ liệu này có thể được sử dụng để xác định, tạo lập hồ sơ và theo dõi người dùng ở Mỹ cả trong “hiện tại và tương lai”.

Nguyên đơn có tên là Misty Hong, một sinh viên đại học ở California, nói rằng trong năm nay, cô đã tải ứng dụng này xuống nhưng không tạo tài khoản.

Vài tháng sau, cô cáo buộc TikTok đã tự tạo tài khoản cho cô và “lén lút” lấy các video dạng thô mà cô đã tạo ra nhưng chưa bao giờ có ý định đăng tải lển mạng.

Dữ liệu này được gửi đến hai máy chủ tại Trung Quốc, được hỗ trợ bởi Tencent và Alibaba.

Vụ kiện cũng lập luận, TikTok đã kiếm lợi bất chính từ việc “bí mật thu thập” dữ liệu riêng tư bằng cách dùng dữ liệu đó để đạt mục tiêu kiếm “doanh thu và lợi nhuận quảng cáo lớn hơn.”

TikTok chưa trả lời các đề nghị phản hồi cáo buộc trên.

TikTok là gì?

Số lượng người dùng TikTok bùng nổ trong những năm gần đây, chủ yếu là những người dưới 20 tuổi.

Người dùng sử dụng ứng dụng này để chia sẻ các video dài 15 giây thường liên quan đến hát nhép các bài hát, các câu chuyện gây cười hoặc định dạng lặp lại.

Tuy nhiên, các mối lo ngại cũng gia tăng liên quan đến việc bảo vệ quyền riêng tư của người dùng.

Các nhà lập pháp Hoa Kỳ đã gây áp lực, muốn TikTok làm sáng tỏ cáo buộc là công ty này thuộc sở hữu nhà nước Trung Quốc.

TikTok đã phản ứng lại các cáo buộc về sự can thiệp của chính phủ, nói rằng công ty “không xóa những nội dung” mà chính quyền Trung Quốc xem là nhạy cảm.

Hồi tháng 10 năm nay, công ty này cho biết họ chưa bao giờ nhận được yêu cầu nào từ chính phủ Trung Quốc để xóa bất kỳ nội dung nào và công ty này cũng “sẽ không làm như vậy giả như có được yêu cầu.”

Công ty này nói rằng, tất cả dữ liệu người dùng ở Mỹ được lưu trữ ngay tại Mỹ, cùng với một bản sao lưu ở Singapore.

Tuy nhiên, công ty đã bị chỉ trích nặng nề hồi tuần trước trong vụ một cô gái người Mỹ đã bị chặn dịch vụ sau khi cô đăng một clip chỉ trích cách Trung Quốc đối xử với người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ.

Công ty này sau đó đã phải bỏ việc chặn và xin lỗi.

Còn tại Trung Quốc, TikTok vận hành một phiên bản tương tự nhưng riêng biệt, được gọi là Douyin.

Hồi tháng 7/2019, Mark Zuckerberg, người đứng đầu Facebook, trong một cuộc họp, đã thừa nhận TikTok là sản phẩm Internet đầu tiên từ Trung Quốc hoạt động tốt ở cấp độ toàn cầu.

Facebook có kế hoạch cạnh tranh với TikTok bằng ứng dụng Lasso, đã phát hành vào tháng 11/2018 nhưng đến nay mới chỉ có ở Mỹ.

TikTok ở Việt Nam

Việt Nam hiện là một trong các quốc gia có tốc độ người dùng TikTok tăng cao nhất trong khu vực Đông Nam Á.

Tính đến tháng 3 năm 2019, mỗi tháng, TikTok có hơn 12 triệu người dùng tại Việt Nam và hơn 1.000 nhà sáng tạo nội dung, theo số liệu của VnExpress dẫn từ TikTok Việt Nam.

Từ cuối năm 2018, TikTok đã chính thức giới thiệu Trung tâm An toàn kết hợp với việc thành lập Hội đồng Đối tác An toàn của TikTok dành riêng cho thị trường Việt Nam.

Ông Nguyễn Lâm Thanh – Giám đốc Chính sách công TikTok Việt Nam, khi đó nói: “TikTok khuyến khích người dùng tôn trọng cũng như tuân theo các hướng dẫn an toàn để chung tay tạo nên một môi trường ứng dụng lành mạnh và thân thiện cho tất cả người dùng.”

TikTok cũng bày tỏ mong muốn hợp tác với Tổng cục Du lịch trong các chiến dịch quảng bá du lịch thông qua ứng dụng TikTok.

Tại một tọa đàm hôm 21/3 ở Hà Nội, TikTok được hỏi có cung cấp thông tin người dùng nếu cơ quan điều tra Việt Nam yêu cầu.

Ông Nguyễn Lâm Thanh được trích lời nói nếu có yêu cầu chính thống từ một cơ quan nhà nước có thẩm quyền, Tik Tok sẽ cung cấp thông tin theo yêu cầu, theo trang ICTNews tường thuật.

ICTNews

 


© 2024 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC



 

Bài liên quan