Dù khó, nhưng nên, cần và phải bỏ tục đốt vàng mã!

Dù khó, nhưng nên, cần và phải bỏ tục đốt vàng mã!

Cuối năm, trong số những người bận rộn nhất có những người làm nghề vàng mã. Thực ra họ bận rộn quanh năm vì người Việt đốt vàng mã quanh năm, nhưng gần cuối năm thì tất bật hơn vì nhu cầu tăng đột biến. Trần sao âm vậy. Đồ vàng mã giờ có đủ thứ, từ xe máy, ô tô, nhà cửa đến Iphone, máy tính…

Không biết tục đốt vàng mã có từ bao giờ. Tôi tìm hiểu thì sách "Việt Nam phong tục" của cụ Phan Kế Bính chỉ nói đến tục thắp hương, không thấy viết gì về đốt vàng mã. Trong sách vở nói rằng đốt vàng mã có nguồn gốc từ xa xưa ở Trung Quốc, sau đó lan đến các nước, nhất là các nước Đông Á và Đông Nam Á. Ở Việt Nam thì đốt vàng mã đã thành một tục khá phổ biến và đang có xu hướng phát triển.

1 Du Kho Nhung Nen Can Va Phai Bo Tuc Dot Vang Ma

Thói quen đốt vàng mã của người Việt đã trở thành tục lệ (Tranh minh họa: Ngọc Diệp).

Cuộc đốt vàng mã được cho là lớn nhất Việt Nam vào đầu thế kỷ XX là trong đám tang của Vua Khải Định, băng hà vào ngày 25 tháng 11, năm 1925. Triều đình Huế đã làm nguyên cả ngôi điện Kiến Trung bằng giấy thật lớn và nhiều loại đồ dùng của vua như ngự liễn, long xa, tàn kiệu, v.v... để đốt.

Thế nhưng, cũng dưới triều Nguyễn, năm 1933, vua Bảo Đại đã có chỉ dụ về việc cúng tế, trong đó nhấn mạnh một ý là không đốt vàng mã.

Ngày nay, nhà nước không cấm đốt vàng mã, tuy nhiên trong những năm qua, các cơ quan quản lý đã có nhiều văn bản về việc hạn chế đốt vàng mã, rải tiền vàng trong đám tang.

Mới nhất ngày 30/1, Thủ tướng Chính phủ ban hành Công điện về việc bảo đảm nếp sống văn minh, an toàn, tiết kiệm trong các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn và Lễ hội xuân 2024, trong đó nêu rõ "không đốt đồ mã, vàng mã tràn lan, gây tốn kém, lãng phí, bảo đảm an toàn, tiết kiệm bảo vệ môi trường".

Gần đây dư luận cũng đã lên tiếng nhiều về việc đốt vàng mã. Giáo hội Phật Giáo Việt Nam từ nhiều năm nay khuyến cáo không đốt vàng mã tại các cơ sở thờ tự Phật giáo. Nhưng xem ra tục đốt vàng mã thật khó bỏ, thậm chí xu hướng là ngày càng đốt nhiều hơn.

Ngay gia đình tôi, mặc dù đã rất cố gắng, nhưng cũng chỉ hạn chế, chứ chưa thể bỏ được việc đốt vàng mã. Trong nhà, ngoài tôi ra, tất cả thành viên khác đều coi đây là một phong tục.

Chẳng lẽ một xã hội hiện đại lại duy trì và phát triển phong tục không phù hợp với nếp sống văn minh? Chúng ta cần suy xét lại phong tục này ít nhất với hai vấn đề sau:

Thứ nhất, như đã nêu ở trên, đây vốn không phải là một phong tục có nguồn gốc ở Việt Nam. Từ xa xưa cha ông chúng ta không đốt vàng mã và cũng đã từng nhìn nhận không nên đốt vàng mã.

Thứ hai, đốt vàng mã tràn lan gây lãng phí và ô nhiễm môi trường. Ở các đô thị lớn, khi cuộc sống chung cư ngày càng phổ biến thì đốt vàng mã trở thành vấn nạn vào mỗi dịp đầu tháng, ngày rằm, lễ Tết… Ngoài ra đốt vàng mã là một tục lệ tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ rất lớn.

Một vấn đề khó như đốt pháo chúng ta còn bỏ được thì không thể… bó tay với đốt vàng mã. Hiện nay Chính phủ yêu cầu "không đốt đồ mã, vàng mã tràn lan", nhưng theo tôi mỗi người, mỗi gia đình nên bỏ hẳn phong tục này. Nghĩa là đương nhiên không đốt tràn lan, và cũng không đốt ở mức hạn chế.

Dù khó, nhưng nên, cần và phải bỏ tục đốt vàng mã!

Phạm Xuân Cần

Tác giả: Ông Phạm Xuân Cần, nguyên Phó Bí thư Thành ủy Vinh, nguyên Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Nghệ An. Ông hiện là nhà nghiên cứu lịch sử, người sáng lập nhóm "Vinh Xưa".


© 2024 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC



 

Bài liên quan