Du học sinh Đức và những nỗi nhớ

Xa quê hương mỗi du học sinh sẽ có những nỗi nhớ rất riêng. Sau quãng thời gian gần 2 năm ở Đức và tham khảo ý kiến của nhiều bạn thì mình mới đúc kết ra một số nỗi nhớ da diết cồn cào của du học sinh Đức.

1. Những món ăn quen thuộc

Đúng  là ” Có thực mới vực được đạo”. Khi xa quê hương thì nỗi nhớ gia đình là một phần nhưng hàng ngày các bạn du học sinh Đức phải đối mặt với nỗi nhớ các món ăn quen thuộc. Sau một thời gian xa nhà, ăn uống các món tây mãi thì mới hiểu ra giá trị của phở, bún và các món quà vặt quen thuộc. Các quán ăn châu Á hay Việt Nam thì đồ ăn hay bị biến tấu cho hợp khẩu vị của người Đức nên sẽ không thể làm vừa lòng trọn vẹn du học sinh Đức.

Du học sinh Đức và những nỗi nhớ - 0

Ở nhà thì nhiều đồ ăn quá có khi chả thèm ăn hết mà sang Đức có mấy khi  được ăn bát phở bò hay bún riêu cua chính hiệu đâu vì thiếu nguyên liệu(như  nấu bún riêu phải mua hộp cua rồi mua thịt băm về nấu giả riêu cua). Chuyện đi mua đồ ăn ở các cửa hàng châu Á thường xuyên cũng không hợp với túi tiền của du học sinh. Ví dụ như giá của một mớ rau mùi nhỏ lên tới 2 Euro  hay một mớ rau muống nhỏ  có giá 2,5-4 Euro tùy thời điểm. Người Việt có câu : “Anh đi anh nhớ quê nhà, nhớ canh rau muống nhớ cà dầm tương ” thực chẳng sai chút nào. Qua Đức mà có bữa ăn rau muống xào tỏi hay rau muống luộc thì nhất nhé ! Đâu phải lúc nào cũng dám chi tới 4 Euro để mua mớ rau muống nhỏ đem về xào đâu. Khi mình ra ở riêng có ban công rộng mới tranh thủ trồng được vài chậu rau muống xanh mơn mởn thế là mọi người tới nhà ai cũng thích, nên việc tặng  người bạn thân mớ rau muống tươi, cây rau dăm thì đúng là tặng “đặc sản” rồi.

Du học sinh Đức và những nỗi nhớ - 1                                     

   Ảnh : Thu hoạch rau muống vụ đầu tiên trồng tại ban công.

 

Những ngày nắng chói chang trong khi dân Tây cuồng ăn kem thì sinh viên Việt mình lại thèm ăn chè hay uống trà sữa chân trâu. Nhớ hồi mình ở Köln đang đi cùng cô bạn Việt hai đứa cùng bảo nhau ôi thèm ăn chè quá, ôi thèm uống trà sữa quá. Tiếc là một dịp các quán trà sữa nổi lên như gió đâu đâu cũng bán thì giờ lại lũ lượt đóng cửa ở Đức rồi. Lúc này thì chỉ có cách là”thích ăn thì lăn vào bếp thôi”.

Nếu bạn nào là một tín đồ của hải sản tươi sống thì sẽ rất buồn khi biết rằng đa số đồ hải sản ở Đức là đồ đông lạnh. Bạn sẽ phải tới các khu chợ tươi xa trung tâm và giá cả đắt hơn nhiều nếu muốn mua cá tươi. Cho nên khi mình có dịp du lịch sang Hà Lan được ăn đẫy hải sản tươi ngon  thì mừng như bắt được vàng.

Du học sinh Đức và những nỗi nhớ - 2 Du học sinh Đức và những nỗi nhớ - 3

Bạn nào ở Berlin thì  tất nhiên đây là thiên đường đồ ăn Việt vừa ngon vừa rẻ, đặc biệt ở khu chợ Đồng Xuân có nhiều các món ăn thuần Việt. Cho nên du học sinh Đức mà có dịp lên Berlin là phải ghé chợ Đồng Xuân ăn cho no căng rốn thì thôi rồi mới……….chịu lăn về hihi.

2. “Chém gió tiếng Việt”

Bạn du học sinh nào còn ở cùng nhà người thân thì vẫn còn được gặp gỡ các cô các bác hoặc họ hàng để có người nói chuyện. Tuy nhiên khi đã chuyển vào ký túc xá, đặc biệt ở các thành phố nhỏ ít sinh viên Việt Nam thì việc gặp gỡ người Việt để trò chuyện, để vơi đi nỗi nhớ nhà là rất khó. Việc gặp bạn bè người Việt cũng khó khăn vì đa số mọi người bận học và có lịch làm thêm khác nhau. May mắn lắm tới dịp nghỉ hết học kỳ, nghỉ lễ giáng sinh, dịp Tết truyền thống hay lễ phục sinh mới có dịp tụ tập. Mình từng sống ở nhiều thành phố lớn nhỏ khác nhau nhưng có rất ít dịp gặp được sinh viên Việt Nam. Nhiều khi sống cùng một tòa nhà ký túc, người tầng trên tầng dưới mà có khi cả một học kỳ 6 tháng chỉ gặp vẻn vẹn 3 lần hoặc có người chưa gặp lần nào. Những dịp nào được cùng sinh viên Việt Nam tụ tập chém gió chuyện trên trời dưới biển thực sự là hiếm và đáng quý vô cùng. Cho nên sinh viên bên Đức thường không kì thị vùng miền bởi vì có bạn người Việt Nam là đã vui.

Du học sinh Đức và những nỗi nhớ - 4

                                        Ảnh chụp cùng hội sinh viên Việt Nam ở Bonn

Ở những thành phố lớn nhiều sinh viên Việt Nam hơn nhưng thực ra không phải ai cũng chơi được với nhau, hay ai cũng có thời gian để gặp gỡ mình, có thể ở bên mình lúc khó khăn nên việc xây dựng được một tình bạn đẹp rất được trân trọng.

Có những người bạn mình chỉ gặp đúng một vài lần ở Frankfurt nhưng khi nói chuyện cảm thấy rất hợp,cứ nhớ và lưu luyến mãi, lúc nào cũng nghĩ giá mà họ học gần mình thì tốt, vì có dịp tới thăm nhau thật là khó khăn. Bọn mình cũng chỉ lưu lại liên lạc qua Facebook để thỉnh thoảng trò chuyện và gọi điện thoại cho nhau.

Du học sinh Đức và những nỗi nhớ - 5

Đúng là sinh viên sang Đức cần phải hòa nhập với văn hóa Đức nhưng việc có những người bạn Việt tri kỉ ở bên này sẽ là một điều rất tuyệt vời. Mình lấy chồng Đức, cũng có bạn thân người Đức nhưng mình vẫn muốn thỉnh thoảng được gặp gỡ và trò chuyện với người Việt, với sinh viên Việt. Các bạn sinh viên Việt Nam hãy cố gắng “hòa nhập” nhưng đừng ” hòa tan” nhé bởi ngôn ngữ -văn hóa Việt là một phần gắn bó với con người bạn.

3. Các quán cà phê xì tin và lung linh

Phong các trang trí của các quán cà phê Đức rất khác Việt Nam. Thường các quán cà phê bên này có phong cách lịch sự và gam màu khá trầm. Đồ uống cũng là cơ bản (cà phê, sô cô la nóng và kem) . Ngoài ra cũng thường không có nước cam vắt, nước táo, nước dâu tươi nguyên chất mà toàn là đồ “đóng hộp” thường thấy ở siêu thị. Cho nên các bạn nên chỉ gọi cà phê, đồ uống sô cô la hoặc bia thôi. Chứ gọi nước cam, nước dâu hay nước nho thì lại dễ vỡ mộng vì đó là đồ uống người ra rót ra từ hộp hoặc chai mua sẵn trong siêu thị với giá rẻ bất ngờ. Muốn uống nước cam tươi nguyên chất bạn có thể ra khu chợ cuối tuần mua với giá 2,5 Euro một ly hoặc rẻ hơn thì mua cam ở siêu thị tự về mà vắt uống hehe.

Du học sinh Đức và những nỗi nhớ - 6

4. Thoải mái chụp ảnh

Nếu ở Việt Nam bạn có thói quen chụp hình “selfie” mọi lúc mọi nơi thì sang Đức có lẽ bạn nên chú ý một số điều sau. Ở nơi công cộng nếu bạn tạo dáng chụp hình một mình dễ bị người Đức nhìn như người ngoài hành tinh hehe. Nếu đi học mà chụp hình ở giảng đường cũng phải cẩn thận nhé, nhỡ hình của mình dính mặt người khác mà chưa hỏi ý kiến bạn đó có thể bị kiện. Sinh viên Đức cũng rất ngại chụp hình nên để rủ được các bạn sinh viên Đức chụp hình cùng là không đơn giản ^^.

5. Tết truyền thống

Trong khi nhà nhà ở Việt Nam chuẩn bị háo hức đón Tết thì du học sinh Đức bên này vẫn đi học bình thường. Nhìn ảnh bạn bè liên tục cập nhập trên FB có mà nước mắt tuôn trào đặc biệt là năm đầu tiên đón Tết ở Đức. Người Việt mình chỉ tụ tập cùng nhau đón Tết muộn hơn vào cuối tuần hoặc hơn hẳn 1 tháng. Năm đầu mình đón Tết đúng ngày 30 Tết ở ký túc chỉ hóng không khí đón Tết qua Skype với gia đình. Sau đó còn phải đi dọn 1 đống rác của hội sinh viên Trung Quốc vì đúng phiên mình trực nhât tuần này mới đau chứ. Hội sinh viên Trung Quốc ở Bonn quá đông đảo cứ mấy ngày Tết mỗi ngày các bạn hết nhóm này nhóm khác liên hoan xả ra 1 túi rác to đùng chắc phải chục cân. Mình không có sức để nâng mà chỉ kéo lê đống rác huyền thoại từ tầng 5 xuống khu đổ rác T.T May thay năm đầu tiên mình ở Đức còn hưởng không khí Tết  một chút vào ngày mùng 1 Tết nguyên đán do đại học Bonn tổ chức cho sinh viên Trung Quốc và sinh viên châu Á trong trường.

Du học sinh Đức và những nỗi nhớ - 7

Nguồn: Nganchu.de


© 2024 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC



 

Bài liên quan