Đức: Berlin ăn mừng việc phụ nữ được thoải mái bơi ngực trần

Đức: Berlin ăn mừng việc phụ nữ được thoải mái bơi ngực trần

Chính quyền thủ đô Đức sau đó thông báo quy tắc hiện hành, áp dụng cho tất cả du khách và bất cứ ai cũng có thể chọn mặc đồ bơi toàn thân hay chỉ mặc quần lót tại bể bơi.

Các nhà vận động bình đẳng giới ăn mừng sau những thay đổi trong quy tắc cho phép phụ nữ ở Berlin (Đức) có thể để ngực trần như đàn ông khi bơi trong các bể bơi công cộng.

Khi một nhân viên cứu hộ yêu cầu cảnh sát đưa Lotte Mies ra ngoài vì ​​cô bơi ngực trần tại bể bơi trong nhà ở Berlin, hành động này đã vô tình dẫn đến sự thay đổi quy tắc cho phép tất cả phụ nữ, kể cả khách du lịch, được tự do để ngực trần khi bơi trong thành phố, theo Guardian.

Bình đẳng

Quyết định thay đổi các quy định về trang phục khi bơi lội ở thủ đô nước Đức được đưa ra sau khi hai phụ nữ, trong đó có Lotte Mies, đệ đơn khiếu nại về việc bị đuổi ra ngoài hoặc bị cấm vào bể bơi của thành phố vì không chịu che ngực.

Họ yêu cầu các quyền giống như nam giới khi tắm -“oben-ohne” (để ngực trần) - tại bể bơi công cộng của thành phố.

“Quy định được chính thức thiết lập này áp dụng theo nguyên tắc đối xử bình đẳng giữa các giới”, người điều hành bể bơi Berlin, Berliner Bäderbetriebe, nói. “Không còn những cách hiểu khác nhau về thông lệ chung, giờ đây mọi khách đến bể bơi của chúng tôi đều có khả năng tự quyết định loại đồ bơi nào họ muốn mặc”.

Trước đó, Mies (33 tuổi), cư dân Berlin, đã đệ đơn khiếu nại về sự phân biệt đối xử vào tháng 12/2022 ở một bể bơi trong nhà tại Kaulsdorf sau khi cô bị cấm để ngực trần vào.

Người phụ nữ 33 tuổi cho biết cô đã gửi email trước và được phép bơi ngực trần. Tuy nhiên, khi Mies để ngực trần tại hồ bơi, nhân viên đã yêu cầu cô rời đi.

Mies cho biết cô phản đối các quy tắc chỉ quy định việc mặc "bộ đồ tắm thương mại" và cô đã được phép để ngực trần.

1 Duc Berlin An Mung Viec Phu Nu Duoc Thoai Mai Boi Nguc Tran

Nhưng sau đó, cảnh sát được gọi tới và nhân viên cứu hộ, người ban đầu “bật đèn xanh” cho Mies, đã cấm cô vào bể bơi.

Mies mô tả cảm giác nhục nhã khi rời đi và đã gửi đơn khiếu nại tới văn phòng thanh tra của thành phố tại Ủy ban Tư pháp, Đa dạng và Chống phân biệt đối xử của Thượng viện Đức.

Khiếu nại của Mies đã thúc đẩy sự thay đổi quy tắc. Quyết định mới được đưa ra để bổ sung rõ ràng rằng bất cứ ai, không phân biệt giới tính, đều có thể để ngực trần tại các bể bơi công cộng ở Berlin.

“Tôi cảm thấy bị sỉ nhục và phẩm giá bị phân biệt đối xử chỉ vì là phụ nữ. Sự phủ nhận đối với tôi trong một vài điều và ở một vài nơi do những quy tắc đạo đức bất thành văn mà đàn ông áp đặt lên phụ nữ vẫn còn hiệu lực cho đến ngày nay”, Mies nói với Guardian.

“Điều quan trọng là phải hiểu việc không cho phép mọi người có quyền như nhau vì giới tính của họ không chỉ là vấn đề quan điểm, đó là hành động phân biệt giới tính đã ăn sâu vào khuôn khổ xã hội. Mọi người nên có cơ hội như nhau và trên hết là có quyền tự do lựa chọn, đặc biệt khi nói đến cơ thể của chính họ”, Mies nhấn mạnh.

Chống lại tiêu chuẩn kép

Động thái này diễn ra sau một vụ việc tương tự ở Berlin vào năm 2021. Một phụ nữ Pháp sống ở thành phố, Gabrielle Lebreton, được yêu cầu rời khỏi công viên nước khi cô từ chối che ngực khi tắm nắng.

Sự việc đã châm ngòi cho một cuộc biểu tình, trong đó phụ nữ để ngực trần đạp xe và đàn ông mặc áo lót để phản đối, chống lại tiêu chuẩn kép.

Mies ăn mừng vì sự thay đổi quy tắc nhưng cho biết vẫn còn nhiều việc phải làm để đảm bảo quyền bình đẳng cho mọi giới tính.

Việc Đức có thái độ thoải mái với việc khỏa thân đôi khi gây sốc cho khách du lịch, nhưng đối với người dân địa phương, chính sách mới này không gây ngạc nhiên.

2 Duc Berlin An Mung Viec Phu Nu Duoc Thoai Mai Boi Nguc Tran

Khiếu nại của Lotte Mies đã thúc đẩy sự thay đổi quy tắc. Ảnh: Gerald Matzka.

Arnd Bauerkämper, phó giáo sư lịch sử hiện đại tại Đại học Tự do Berlin, nói với BBC rằng vào đầu thế kỷ XX, chủ nghĩa khỏa thân (FKK) là một phần của phong trào gần gũi hơn với thiên nhiên.

Bà Bauerkämper cho biết thêm đối với những người Đức sống ở Đông Đức, chủ nghĩa này hoạt động một phần như “chiếc van an toàn” - cách để giải tỏa căng thẳng trong tình trạng hạn chế thông qua tạo cơ hội cho một số “hành động tự do”.

Người điều hành bể bơi Berlin, Berliner Bäderbetriebe, nói rằng họ chào đón khách du lịch đến thành phố và các bể bơi công cộng, đồng thời yêu cầu khách thực hiện “sự tôn trọng và khoan dung lẫn nhau” khi đến thăm.

Chính trị gia cánh tả kỳ cựu của Đức, Gregor Gysi, cách đây vài năm đã bày tỏ sự thất vọng của ông về sự suy tàn của FKK, nói rằng chính “ánh mắt khiêu dâm” của người phương Tây phá hủy thú vui bơi khỏa thân.

Ông kêu gọi các chính quyền địa phương của Đức làm nhiều hơn nữa để bảo vệ các khu vực bãi biển và spa của FKK.

Berlin không phải là thành phố duy nhất của Đức cho phép bơi ngực trần. Vào tháng 5/2022, Göttingen ở Lower Saxony, miền Trung nước Đức, trở thành thành phố đầu tiên của Đức cho phép phụ nữ để ngực trần bơi trong các bể bơi trong nhà và ngoài trời.

Theo: ZING.VN


© 2024 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC



 

Bài liên quan