Mathias Rust: Gã "trẻ trâu" làm 300 sỹ quan Liên Xô mất chức

Mathias Rust: Gã "trẻ trâu" làm 300 sỹ quan Liên Xô mất chức

Năm 1987, một thanh niên người Đức đã điều khiển chiếc máy bay cỡ nhỏ hạ cánh an toàn xuống Quảng trường Đỏ sau khi xuyên thủng hệ thống phòng không được đánh giá là nghiêm mật nhất thế giới của Liên Xô,  trước sự sững sờ của cả thế giới.

Một cơn chấn động lan khắp Liên Xô. 309 sỹ quan quân đội, trong đó có Bộ trưởng Quốc phòng S. Sokolov và Tư lệnh phòng không không quân A. Koldulov bị mất chức. Sự việc chỉ được sáng tỏ với những tiết lộ gần đây của một quan chức cấp cao quân đội Liên Xô thời đó, thượng tướng không quân W. Klaskovski.

1 Mathias Rust Ga Tre Trau Lam 300 Sy Quan Lien Xo Mat Chuc

Chiếc Cessna-172 B Skyhawk của Mathias Rust đậu ở Quảng trường Đỏ.

Hậu quả của việc sợ trách nhiệm

Liên Xô thời Chiến tranh Lạnh. Rút kinh nghiệm từ những bài học trong Chiến tranh Thế giới lần thứ II, Moskva ra sức phát triển hệ thống phòng không tổng hợp với sự góp mặt của hơn 10.000 đài ra đa, gần 14.000 quả tên lửa phòng không và trên 4.000 máy bay đánh chặn.

Hệ thống này đã từng phát huy tác dụng khi tiêu diệt không ít máy bay trinh sát, do thám của Mỹ và Anh “cả gan” xâm phạm vùng trời Liên Xô.

Sẽ không ngoa khi nói rằng vào những năm 1980, vùng trời của Liên Xô giăng đầy thiên la địa võng, không dung tha bất cứ một kẻ liều lĩnh nào. Vậy mà vẫn có một “tên nhóc” 19 tuổi, người Đức, tên là Mathias Rust lọt lưới. Phải chăng đó là một sự ngẫu nhiên? Câu trả lời nằm ở tầng nghĩa khác.

Căn cứ vào một điều luật của Liên Xô được sửa đổi vào tháng 11/1982, lực lượng phòng không không quân nước này hoàn toàn có quyền sử dụng vũ lực tiêu diệt những kẻ, vật thể bay xâm phạm vùng trời của mình.

Khi điều luật trên vừa có hiệu lực được khoảng 10 tháng, lực lượng phòng không không quân khu vực Viễn Đông đã bắn rơi chiếc máy bay số hiệu 007 của hãng hàng không Hàn Quốc (8/1983) dám tự tiện bay vào vùng trời Liên Xô. Nhân cơ hội này, các nước phương Tây tìm mọi cách gia tăng sức ép, gây khó khăn cho Moskva.

Thậm chí, Mỹ và Nhật Bản còn quyết định cắt đường hàng không qua lại giữa hai nước này với Liên Xô. Cho dù Bộ Quốc phòng Liên Xô nhiều lần nhấn mạnh các nhân viên của họ đã làm đúng những gì luật pháp quy định, nhưng lãnh đạo cao hơn lại cho rằng pháp luật chỉ cho phép tấn công những chiếc máy bay quân dụng chứ không phải máy bay dân dụng của các nước tư bản chủ nghĩa.

Nhằm tránh rắc rối, Bộ Quốc phòng Liên Xô đã cho soạn thảo một công văn bí mật quy định: trong trường hợp chưa phân định được máy bay xâm phạm vùng trời Liên Xô có mục đích quân sự hay không, không được khai hỏa và ai đưa ra quyết định tấn công, người đó phải chịu trách nhiệm, thậm chí bị tống giam. Chính công văn này đã “bó chân bó tay” lực lượng phòng không không quân của Liên Xô khi đó.

2 Mathias Rust Ga Tre Trau Lam 300 Sy Quan Lien Xo Mat Chuc

Trở lại với sự kiện “Mathias Rust”, 13 giờ ngày 28/5/1987, chàng thanh niên người Đức trẻ tuổi nhưng dày dạn kinh nghiệm lái máy bay này (năm 1986 từng nhiều lần lái máy bay qua Biển Bắc, đến quần đảo South Shetland ở Nam Thái Bình Dương và quần đảo Faeroe ở Bắc Âu) điều khiển chiếc Cessna-172B Skyhawk cất cánh từ sân bay Helsinki (Phần Lan).

20 phút sau, Rust liên lạc với trạm điều độ mặt đất Phần Lan, báo cáo máy bay hoạt động bình thường.

Tất cả chỉ có vậy, bởi sau đó Rust tắt toàn bộ các thiết bị thông tin, chỉ mở la bàn vô tuyến điện. Khi bay qua vịnh Phần Lan, Rust hạ độ cao xuống còn 200 m, rồi bất ngờ quay 180 độ, bay về hướng Moskva.

Trung tâm quản chế hàng không Phần Lan phát hiện hành động bất thường của chiếc Cessna-172B Skyhawk, lập tức dùng vô tuyến điện phát đi lời cảnh cáo, nhưng không nhận được hồi âm.

Không lâu sau, chiếc Cessna-172B Skyhawk cũng biến mất khỏi màn hình ra đa của Phần Lan. Các nhà chức trách Phần Lan cho rằng chiếc Cessna-172B Skyhawk gặp tai nạn liền ra lệnh cho 1 chiếc máy bay trực thăng và hai chiếc tầu cao tốc nhanh chóng lên đường tới vùng vịnh Phần Lan tìm kiếm. Tuy nhiên, lực lượng cứu nạn cứu hộ đã phải tay trắng ra về.

14 giờ cùng ngày, trạm ra đa Kohtla-Jarve của lực lượng phòng không không quân của Liên Xô đặt ở Estonia phát hiện trên tuyến bay Helsinki-Moskva có một chiếc máy bay cỡ nhỏ ở độ cao 600 m. Trực ban lần lượt dùng 3 thứ tiếng: Phần Lan, Nga và Anh hỏi: “Có phải người mình không?”

Nhưng tất cả những gì họ nhận được là một sự im lặng đáng sợ. Rõ ràng đây là một chiếc máy bay tự tiện xâm phạm vùng trời của Liên Xô, cần phải có biện pháp ngăn chặn khẩn cấp. Nghĩ vậy, nhưng những sỹ quan thuộc lực lượng phòng không không quân lại không dám mạo hiểm ra quyết định. Bài học từ sự kiện bắn rơi máy bay chở khách của Hàn Quốc vẫn còn đó, hơn nữa, Helsinki-Moskva là một trong những đường bay nhộn nhịp nhất châu Âu.

Lỡ ra chiếc Cessna-172B Skyhawk xâm phạm vùng trời Liên Xô không vì mục đích quân sự thì hậu quả thật khó lường.

14 giờ 10 phút, thông tin chiếc Cessna-172B Skyhawk xâm phạm vùng trời Liên Xô được báo cho Sở chỉ huy phòng không không quân Liên Xô ở Moskva. Vẫn bị ám ảnh bởi sự kiện bắn rơi máy bay chở khách của Hàn Quốc, 15 phút sau, các nhà chức trách Liên Xô vẫn chưa đưa ra được hành động quyết liệt.

Trên thực tế, sau khi phát hiện chiếc Cessna-172B Skyhawk có dấu hiệu bay về hướng Moskva, lực lượng phòng không không quân Liên Xô được lệnh bước vào trạng thái sẵn sàng chiến đấu cấp 1. Ba tiểu đoàn tên lửa đất đối không đã làm xong mọi hạng mục công tác chuẩn bị cho việc ấn nút phóng.

Đồng thời hai chiếc tiêm kích Su-15 cũng đã vọt lên. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là họ không nhận được lệnh khai hỏa từ cấp trên.

17 giờ 40 phút, khi chiếc Cessna-172B Skyhawk chỉ còn cách Moskva khoảng 100 km, sỹ quan phụ trách mảng chiến dịch của lực lượng phòng không không quân Liên Xô Gromi cấp báo lên trung tâm chỉ huy phòng không không quân tình hình liên quan, hy vọng nhận được sự cho phép. Nhưng nhân viên trực ban của trung tâm đã không báo cáo lên Tư lệnh Phòng không không quân A. Koldulov và cũng không đưa ra bất cứ mệnh lệnh nào. Hậu quả, Rust thoải mái thời gian và không gian lựa chọn địa điểm hạ cánh cho chiếc Cessna-172B Skyhawk.

Số phận của Mathias Rust sau cuộc hạ cánh xuống Quảng trường Đỏ

Quảng trường Đỏ ở Moskva, 18 giờ tối 28/5/1987, như thường lệ vẫn là nơi tham quan, dạo chơi ưa thích của khách du lịch và nhân dân địa phương.

Đội danh dự gác Lăng Lenin chuẩn bị đổi ca. Khoảng 300 người có mặt tại đây chợt nghe tiếng động cơ, sau đó họ thấy bóng của một máy bay lướt qua đầu với vận tốc rất thấp rồi đáp xuống khoảng trống giữa bức tường Kremli và nhà thờ St. Basil.

Đám đông hiếu kỳ chạy tới vây quanh chiếc máy bay. Một thanh niên trạc tuổi đôi mươi đeo kính đen, mặc áo bu dông màu đỏ bước ra khỏi máy bay.

Đó chính là Mathias Rust, kẻ vừa may mắn thoát khỏi sự “kèm cặp” của 2 chiếc tiêm kích Su-15. Rust giới thiệu với mọi người mình là người Đức, vừa bay từ thủ đô Helsinki của Phần Lan tới, sau đó phát ảnh có chữ ký của mình cho mọi người. Tuy nhiên, câu chuyện giữa họ chỉ kéo dài được vài phút bởi sự xuất hiện của các nhân viên an ninh và khoảng 2 giờ đồng hồ sau, Rust bị áp giải vào phòng điều tra của Cơ quan an ninh liên bang (KGB).

Đối mặt với sự kiện chưa từng có này, ngày hôm sau (29/5), các quốc gia thuộc khối Warsaw đã nhóm họp khẩn cấp để soạn thảo lại chiến lược phòng thủ mà một trong những điểm cốt yếu là đảm bảo tính chiến đấu cao của hệ thống phòng không. Về phía Kremli, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô lúc đó là M. Gorbachev đã tận dụng tối đa vụ tai tiếng này để thanh trừng các tướng lĩnh quân đội có ý chống đối lại công cuộc cải tổ mà ông khởi xướng. 309 sỹ quân quân đội, trong đó có Bộ trưởng Quốc phòng S. Sokolov và Tư lệnh phòng không không quân A. Koldulov bị mất chức.

Thậm chí, hai sỹ quan quân đội là Karpes, Thượng tá, Sư đoàn trưởng Sư đoàn Phòng không không quân biên giới của Liên Xô và Chenukh, Thiếu tá, Trợ lý sư đoàn trưởng còn bị truy tố trước tòa án binh, lần lượt nhận mức án 5 năm tù và 4 năm tù.

Ngày 4/9/1987, một phiên tòa đặc biệt đã được mở để xét xử Rust.

Mặc dù Rust luôn khẳng định việc mình bay đến Moskva chỉ là để “kêu gọi hòa bình”, “góp phần chấm dứt chạy đua vũ trang”, nhưng rõ ràng việc tên “tiểu tử” này không được phép đã lái máy bay xâm phạm vùng trời Liên Xô là hành động trái pháp luật, vi phạm Luật hàng không của Liên Xô.

Tòa tuyên Rust mức án 4 năm tù giam. Tuy nhiên, Rust chỉ phải cải tạo lao động tại trại Lefortovo (Moskva) tổng cộng 432 ngày thì được hưởng ân xá. Ngày 3/8/1988, Rust được trả tự do và bị trục xuất khỏi Liên Xô.

Rust bán câu chuyện của mình cho một tạp chí nổi tiếng. Số tiền ghi trong hợp đồng không được tiết lộ, nhưng nhiều người cho rằng Rust đã bỏ túi một khoản không dưới 6 con số. Chiếc máy bay Cessna-172B Skyhawk được đem ra đấu giá. Người chủ mới của nó, một nhà sưu tập người Nhật Bản, mua xong đã đem giấu kỹ với hy vọng theo thời gian giá của nó sẽ ngày càng cao.

Tháng 11/1989, khi điều trị tâm lý ở bệnh viện thành phố Ryssen (Đức), Rust đã dùng dao đâm bị thương một nữ y tá chỉ vì cô này đã từ chối hẹn hò với mình. Một lần nữa, Rust đối mặt với bản án 4 năm tù giam vào năm 1991.

Nhưng cũng một lần nữa Rust lại gặp may mắn. Sau 5 tháng ngồi bóc lịch trong trại giam, Rust được tha trước thời hạn. Tháng 4/1994, Rust quay trở lại Moskva, đến thăm, tặng tiền từ thiện cho nhà trẻ.

Sau đó, Rust còn tới Moskva một lần nữa hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh giày dép. Năm 28 tuổi, Rust trở về Đức, làm quen và cưới Geetha, con gái một thương gia giàu có ở Bombay (Ấn Độ) làm vợ. Nhưng cuộc hôn nhân này cũng chỉ kéo dài được khoảng 5 năm.

Những rạn vỡ không thể hàn gắn đã khiến Rust và Geetha không thể tiếp tục sống với nhau. Năm 2002, Rust kết duyên cùng Athenna và sinh sống tại Hamburg. Trước đó vào tháng 4/2001, Rust cũng bị ra tòa xét xử vì ăn cắp một chiếc áo len trong siêu thị.

Sau đó, năm 2005, Rust lại dính vào một vụ lừa đảo. Tuy nhiên, trong cả hai trường hợp này Rust chỉ bị phạt tiền, không phải vào nhà đá.

Giờ đây, khi đã bước vào tuổi trung niên, Rust đã chín chắn hơn nhiều và thổ lộ rằng nếu có thể quay ngược thời gian, thì sẽ không thực hiện chuyến bay mạo hiểm đó.

Chỉ vì hành động giản đơn, Rust đã phải trả giá bằng chính những ngày tháng tự do của mình, còn ước nguyện “kêu gọi hòa bình”, “chấm dứt chạy đua vũ trang” của Rust thì cho tới tận hôm nay vẫn chỉ là ước nguyện.

Nguồn: Báo điện tử DÂN VIỆT


© 2024 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC



 

Bài liên quan