Giữ phẩm giá nghị trường: Khi nghị trường khiến dân… ngơ ngác!

"Quốc hội là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất" - điều được Hiến pháp khẳng định không chỉ là nguyên lý tổ chức bộ máy nhà nước mà còn là kỳ vọng lớn lao của nhân dân gửi gắm vào thiết chế lập pháp.

1 Giu Pham Gia Nghi Truong Khi Nghi Truong Khien Dan Ngo Ngac

Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XVI đang đến gần - một dấu mốc quan trọng trong tiến trình củng cố thể chế dân chủ, pháp quyền ở nước ta, nhất là khi chúng ta vừa thực hiện xong việc tinh giản bộ máy hành chính nhà nước: sáp nhập cấp tỉnh và cấp xã, bỏ trung gian cấp huyện.

Trong bối cảnh ấy, việc lựa chọn ra những người thực sự xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và lợi ích chính đáng của nhân dân trở thành yêu cầu cấp thiết hơn bao giờ hết.

2 Giu Pham Gia Nghi Truong Khi Nghi Truong Khien Dan Ngo Ngac

Khi nghị trường khiến dân… ngơ ngác!

Thật khó tin rằng giữa hội trường Quốc hội - nơi được xem là đỉnh cao trí tuệ lập pháp của quốc gia lại vang lên những phát ngôn như:

“Người Việt có chỉ số IQ cao, nên làm đường sắt tốc độ cao”;

“Dân trí còn thấp, chưa cần Luật Biểu tình”;

“Phá bỏ các đập thủy điện ở thượng nguồn sông Mekong để đảm bảo nguồn nước nuôi cá ở hạ lưu”;

“Tăng mức phạt giao thông tối đa 200 triệu đồng mới đủ sức răn đe”, hay “Sau khi sắp xếp, tỉnh Quảng Trị có quy mô dân số là 1 tỷ 870 ngàn người”…

Những câu nói tưởng chừng như đùa ấy lại được thốt ra nghiêm túc trên nghị trường, khiến không ít người dân ngơ ngác, bàng hoàng về trình độ, nhận thức và trách nhiệm của một bộ phận đại biểu Quốc hội.

Những phát biểu ấy khiến dư luận không khỏi đặt câu hỏi: Vì sao lại có những đại biểu năng lực có vấn đề đến mức như vậy?

Nếu đó là phát biểu của các cháu học sinh thì có thể cảm thông, nhưng khi đến từ người thay mặt cử tri xây dựng luật, giám sát hoạt động của nhà nước và quyết định những chính sách quốc gia quan trọng thì đó là biểu hiện rất đáng lo ngại của một quy trình lựa chọn, sàng lọc chưa đảm bảo chất lượng.

3 Giu Pham Gia Nghi Truong Khi Nghi Truong Khien Dan Ngo Ngac

Căn nguyên không chỉ nằm ở từng cá nhân mà sâu xa hơn là cách thức mà những đại biểu này có thể "lọt" qua được hệ thống xét chọn, hiệp thương, bầu cử như hiện tại.

4 Giu Pham Gia Nghi Truong Khi Nghi Truong Khien Dan Ngo Ngac

Lá phiếu thể hiện quyền lựa chọn hay chỉ là thủ tục hình thức?

Hiến pháp trao cho nhân dân quyền lựa chọn đại biểu. Nhưng trên thực tế, nhiều cử tri chỉ được quyền lựa chọn "gạch bỏ" ai đó từ một danh sách dường như đã được "cơ cấu cứng" từ trước.

Người dân hiếm có cơ hội gặp gỡ trực tiếp với ứng cử viên khi các cuộc tiếp xúc chủ yếu được tổ chức theo hình thức "đại diện cử tri", càng khó có cơ hội chất vấn hoặc so sánh giữa các phương án lựa chọn nhân sự, trong khi có nhiều đại biểu cấp trung ương được phân công về ứng cử tại địa phương mà người dân chưa từng thuộc mặt nhớ tên, càng ít biết về quá trình công tác và những đóng góp từ hoạt động thực tế của họ.

Những người tự ứng cử dù có năng lực nhưng lại thường bị loại sớm do không nằm trong "danh sách giới thiệu" của cấp uỷ đảng, chính quyền địa phương, nên không có dịp tiếp cận với cử tri công bằng như các đại biểu "được giới thiệu" khác.

5 Giu Pham Gia Nghi Truong Khi Nghi Truong Khien Dan Ngo Ngac

Các hội nghị tiếp xúc cử tri lẽ ra là dịp để ứng cử viên chủ yếu đối thoại, lắng nghe và trả lời chất vấn của người dân, thì lại thường diễn ra trong khuôn khổ "đại diện cử tri", gồm phần lớn là những cán bộ giữ vị trí chủ chốt ở cơ sở như trưởng, phó thôn, tổ dân phố, bí thư chi bộ, lãnh đạo các hội đoàn thể và một số người dân tích cực… nên những câu hỏi chất vấn thường được tiết chế rất nhẹ nhàng, thậm chí có nơi ứng cử viên còn được gửi trước nội dung câu hỏi.

Mặt khác, chương trình hành động của ứng cử viên thường là văn bản đã được chuẩn bị sẵn, chỉ cần đọc trôi chảy là cơ bản hoàn tất phần "tiếp xúc", không để lại ấn tượng gì sâu sắc với cử tri.6 Giu Pham Gia Nghi Truong Khi Nghi Truong Khien Dan Ngo Ngac

Tỷ lệ đại biểu ngoài Đảng bị giới hạn ở mức rất thấp khiến Quốc hội chưa thể phản ánh trọn vẹn sự đa dạng của đời sống xã hội. Không khí phản biện giảm sút, tranh luận chưa sắc sảo, quyết sách đôi khi thiếu sức nặng chuyên môn.

Trong khi đó, có những đại biểu đọc bản giấy viết sẵn vẫn sai, không hiểu rõ mình đang phát biểu về vấn đề gì.

Điều này không chỉ là sự thiếu trách nhiệm, thiếu chỉn chu trong thực hiện nhiệm vụ mà còn cho thấy sự thiếu hụt năng lực tối thiểu cần có ở một đại biểu dân cử.

7 Giu Pham Gia Nghi Truong Khi Nghi Truong Khien Dan Ngo Ngac

Vì sao người có năng lực yếu kém vẫn có thể trúng cử?

Câu trả lời thẳng thắn chỉ có thể là: Quy trình bầu cử và việc thực hiện quy trình ấy còn nhiều vấn đề bất cập cần điều chỉnh.

Cải cách từ gốc: Lựa chọn người đại diện

Để nghị trường xứng tầm là nơi hội tụ trí tuệ và bản lĩnh quốc gia, cần cải cách thực chất từ quy trình lựa chọn đại biểu:

Tăng cường tính cạnh tranh và trách nhiệm cá nhân: Tăng thời gian tiếp xúc cử tri vận động bầu cử để các ứng viên trình bày chương trình hành động của mình, cử tri chất vấn về chương trình hành động của ứng viên, tranh luận giữa các ứng viên về chính sách và truyền hình trực tiếp các buổi tiếp xúc cử tri này để đông đảo cử tri có thể đánh giá phẩm chất, năng lực của từng ứng viên, qua đó lựa chọn người đại diện xứng đáng.

8 Giu Pham Gia Nghi Truong Khi Nghi Truong Khien Dan Ngo Ngac

Một đề xuất cần cân nhắc cho Quốc hội khóa tới là đổi mới mô hình bầu cử theo hướng: mỗi đơn vị bầu cử chỉ bầu duy nhất một đại biểu, được lựa chọn từ ba ứng viên có đủ tiêu chuẩn. Cách làm này sẽ tạo áp lực trách nhiệm rõ ràng, buộc người trúng cử dù là người địa phương hay được Trung ương giới thiệu phải gắn bó mật thiết với cử tri, lắng nghe và hành động vì lợi ích thiết thực của nhân dân ở đơn vị mình đại diện.

Đây không phải là mô hình xa lạ. Nhiều nền dân chủ phát triển như Đức, Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc đều áp dụng hình thức bầu cử theo đơn vị, mỗi đơn vị chọn một đại biểu. Cách làm này góp phần nâng cao chất lượng tranh cử, làm rõ trách nhiệm cá nhân, và tạo mối quan hệ thực chất giữa người đại diện và người được đại diện.

Trong khi đó, Việt Nam với quy mô khiêm tốn hơn nhiều, diện tích chỉ bằng 1/30 và dân số bằng 1/3 Hoa Kỳ lại có tới gần 500 đại biểu Quốc hội. So với Quốc hội Mỹ, nơi cả hai viện cộng lại cũng chỉ có 535 thành viên, câu hỏi đặt ra là: chúng ta có thực sự cần một số lượng đông đảo như vậy, khi thực tế có tới hơn 80% đại biểu hầu như luôn biểu quyết "đồng thuận", và khoảng gần một nửa chưa từng phát biểu lần nào trong suốt cả nhiệm kỳ?

Kiểm tra những kỹ năng tối thiểu: Cần có hình thức phù hợp để kiểm tra ứng cử viên về kiến thức pháp luật, chính sách và kỹ năng tranh luận, phản biện. Không nên để những người có kiến thức sơ sài về luật vẫn được tham gia xây dựng luật và những người không có khả năng tư duy, diễn đạt tốt vẫn được tham gia phát biểu ý kiến trên nghị trường, làm ảnh hưởng đến hình ảnh đại biểu Quốc hội chỉ giống như những "cái máy đọc".

Minh bạch thông tin: Công khai hồ sơ, tài sản, quá trình công tác để cử tri có đầy đủ thông tin chọn đúng người.

Đa dạng hóa Quốc hội: Giảm tỷ lệ đại biểu là công chức, viên chức nhà nước. Trừ một số đồng chí là lãnh đạo cấp cao mà luật quy định phải là đại biểu Quốc hội, mỗi bộ ngành chỉ nên có từ một đến ba đại biểu trong Quốc hội. Mỗi địa phương cũng chỉ cần một đồng chí lãnh đạo tham gia Quốc hội. Tăng tỷ lệ đại biểu ngoài Đảng, có tiếng nói độc lập, gắn với các hội nghề nghiệp, xã hội dân sự, để nghị trường không trở thành diễn đàn một chiều.

Cơ chế hậu bầu cử: Cần có quy định và thực thi quy định đánh giá giữa nhiệm kỳ, bỏ phiếu tín nhiệm, và chế tài bãi nhiệm nếu đại biểu không hoàn thành trách nhiệm.

Tiếp xúc cử tri thực chất: Các hội nghị tiếp xúc cử tri cần tăng cường chất vấn công khai, thậm chí truyền hình trực tiếp để đông đảo cử tri không có điều kiện đến dự hội nghị đều có thể kiểm chứng khả năng và bản lĩnh của ứng cử viên.

Vai trò lãnh đạo của Đảng

Sự lãnh đạo của Đảng là nguyên tắc nền tảng trong hệ thống chính trị Việt Nam. Nhưng điều đó không có nghĩa Đảng thay dân chọn người. Lãnh đạo là dẫn dắt và kiến tạo không gian dân chủ chứ không phải làm thay vai trò cử tri.

Càng mở rộng dân chủ trong lựa chọn người đại diện, Đảng càng thể hiện bản lĩnh chính trị và sự tin tưởng vào nhân dân. Ngược lại, bó hẹp quyền chọn lựa có thể làm suy giảm lòng tin từ chính sự im lặng của người dân.

Lời kết

Phẩm giá nghị trường bắt đầu từ lá phiếu minh bạch, công bằng, từ quy trình sàng lọc nghiêm túc và từ sự hiện diện của những đại biểu có trí tuệ, bản lĩnh và trách nhiệm. Một Quốc hội mạnh là nền tảng của một nhà nước hiện đại - nơi tiếng nói của người dân không bị lạc lõng, và nơi những phát biểu ngô nghê không còn cơ hội xuất hiện.

Đừng để mỗi kỳ họp lại trở thành đề tài châm biếm trên mạng xã hội. Đừng để người dân phải cúi mặt ngại ngùng vì phát ngôn của người đại diện mình. Hãy bắt đầu từ những cải cách cụ thể để nghị trường thực sự là nơi kết tinh trí tuệ quốc gia và giữ vững được phẩm giá thiêng liêng của một nhà nước vì dân, do dân và của dân.

Tô Văn Trường


© 2025 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC



 

Bài liên quan