Vụ hàng trăm người ngộ độc sau ăn bánh mì: Truy xuất nguồn gốc thực phẩm

Vụ hàng trăm người ngộ độc sau ăn bánh mì: Truy xuất nguồn gốc thực phẩm

Ngày 28/11, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, liên quan vụ ngộ độc sau khi ăn bánh mì ở Vũng Tàu, cơ quan này yêu cầu điều tra, truy xuất nguồn gốc thực phẩm nghi ngờ gây ngộ độc.

Lãnh đạo Cục An toàn thực phẩm cho biết, cơ quan này đã nhận được thông tin về vụ nghi ngờ ngộ độc thực phẩm xảy ra sau khi ăn bánh mì ở Vũng Tàu.

Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm Nguyễn Hùng Long đã ký công văn gửi Sở Y tế tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, đề nghị khẩn trương chỉ đạo các bệnh viện tập trung mọi nguồn lực điều trị cho các bệnh nhân, không để ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng, trong trường hợp cần thiết có thể xin hỗ trợ hội chẩn chuyên môn với tuyến trên.

1 Vu Hang Tram Nguoi Ngo Doc Sau An Banh Mi Truy Xuat Nguon Goc Thuc Pham

Lãnh đạo UBND TP Vũng Tàu thăm hỏi bệnh nhân bị ngộ độc (Ảnh: Phú Việt)

Cục An toàn thực phẩm cũng đề nghị Sở Y tế tổ chức điều tra, xác định rõ nguyên nhân vụ nghi ngờ ngộ độc theo quy định, truy xuất đến tận cùng nguồn gốc thực phẩm nghi ngờ gây ngộ độc, lấy mẫu thực phẩm, bệnh phẩm để xét nghiệm tìm nguyên nhân.

Đồng thời cần tạm đình chỉ hoạt động của cơ sở nghi ngờ gây ngộ độc, điều tra việc thực hiện các quy định về an toàn thực phẩm của cơ sở, xử lý nghiêm các vi phạm quy định về an toàn thực phẩm (nếu có) và công khai kết quả để kịp thời cảnh báo cho cộng đồng.

Cục An toàn thực phẩm đề nghị Sở Y tế Bà Rịa - Vũng Tàu tuyên truyền, giáo dục cho người dân kiến thức an toàn thực phẩm, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, thói quen sử dụng thực phẩm an toàn, không sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc, nhãn mác...

Cần hướng dẫn, giám sát các bếp ăn tập thể, cơ sở dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố đảm bảo vệ sinh, điều kiện an toàn thực phẩm, thực hiện nghiêm việc quản lý nguồn gốc nguyên liệu thực phẩm, kiểm thực ba bước, lưu mẫu thực phẩm và vệ sinh trong các khâu chế biến.

Liên quan đến sự việc, báo cáo nhanh của UBND TP Vũng Tàu, số người nhập viện cấp cứu tại các bệnh viện, trung tâm y tế sau khi ăn bánh mì tăng lên 291 ca.

Theo đại diện Bệnh viện Vũng Tàu, đến sáng 28/11, bệnh viện tiếp tục tiếp nhận các trường hợp có triệu chứng ngộ độc thực phẩm, như: đau bụng, chóng mặt, buồn nôn và tiêu chảy, sau khi ăn bánh mì tại một cửa hàng tại phường 7.

Theo UBND TP Vũng Tàu, sau khi sự việc xảy ra, lực lượng chức năng đã lấy mẫu toàn bộ thức ăn còn lại tại cửa hàng và 1 mẫu bệnh phẩm (chất nôn) được lấy tại bệnh viện, gửi lên Viện Y tế công cộng TPHCM để kiểm nghiệm các chỉ tiêu về vi sinh.

Công an TP Vũng Tàu và Phòng Kinh tế đang truy xuất nguồn gốc tại 4 cơ sở sản xuất bánh mì, một cơ sở sản xuất thịt heo và một cơ sở sản xuất giò chả, yêu cầu các cơ sở liên quan tạm dừng kinh doanh.

TP Vũng Tàu chỉ đạo các phường, đơn vị liên quan trong vòng 20 ngày sẽ tổng rà soát cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn về các nội dung đăng ký kinh doanh, an toàn vệ sinh thực phẩm và các nghĩa vụ về thuế, xây dựng kế hoạch tổng kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm.

Nguồn: Báo điện tử Dân trí


© 2024 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC



 

Bài liên quan