Một người Việt Nam bị bắt vì buôn lậu kiến ở Kenya

Hai thiếu niên người Bỉ cùng hai công dân Kenya và Việt Nam bị bắt vì buôn bán hàng nghìn con kiến, một con kiến hiếm giá 115 euro mở ra hồi chuông cảnh báo về xu hướng buôn lậu mới tại châu Phi.

Theo bản tin của đài truyền hình Euronews, trụ sở tại Brüssel, một người Việt Nam tham gia buôn lậu kiến. Nghe như chuyện hài, nhưng một con kiến hiếm giá 115 euro. Tổng số kiến được tìm thấy là 5400 con, giá trị ước lượng là 621.000 euro.

Kenya đang đối mặt với một hình thức buôn bán động vật hoang dã mới, tinh vi và khó kiểm soát hơn – không phải ngà voi hay sừng tê giác, mà là những sinh vật tí hon: kiến.

1 Mot Nguoi Viet Nam Bi Bat Vi Buon Lau Kien O Kenya

Ngày 5/4 vừa qua, hai thanh niên người Bỉ – Lornoy David và Seppe Lodewijckx, đều 19 tuổi – đã bị bắt giữ tại quận Nakuru, Kenya, với 5.000 con kiến trong hành lý. Theo giới chức Kenya, các con kiến này được xác định là loài Messor cephalotes – một loài kiến đỏ thợ có nguồn gốc đặc hữu ở Đông Phi. Chúng được đóng gói trong 2.244 ống nghiệm chứa đầy bông gòn, nhằm giữ sự sống cho kiến trong nhiều tháng.

Cả hai bị buộc tội buôn lậu động vật hoang dã khi ra hầu tòa tại Nairobi. Trong phiên xử, họ tỏ ra đau khổ và khai rằng chỉ bắt kiến "cho vui" và không biết rằng hành vi này là phạm pháp.

Trong một diễn biến khác cùng tại tòa án Nairobi, hai người đàn ông – Dennis Ng'ang'a (quốc tịch Kenya) và Duh Hung Nguyen (quốc tịch Việt Nam) – cũng bị cáo buộc tương tự sau khi cảnh sát phát hiện 400 con kiến trong ngôi nhà của họ tại Nairobi. Tổng giá trị thị trường số kiến bị thu giữ được ước tính khoảng 1 triệu shilling Kenya (tương đương gần 6.820 euro).

Cơ quan Bảo vệ Động vật hoang dã Kenya (KWS) cho biết cả bốn người này đều nằm trong một đường dây buôn bán kiến xuyên lục địa, hướng đến các thị trường tại châu Âu và châu Á, nơi giá trị của từng loài côn trùng có thể dao động mạnh.

"Việc xuất khẩu kiến trái phép không chỉ xâm phạm quyền chủ quyền của Kenya đối với đa dạng sinh học, mà còn tước đi những lợi ích sinh thái và kinh tế tiềm năng của cộng đồng địa phương và giới nghiên cứu," thông cáo từ KWS nhấn mạnh.

Theo ông Philip Muruthi – Phó chủ tịch phụ trách bảo tồn tại Quỹ Động vật hoang dã châu Phi – kiến đóng vai trò quan trọng trong hệ sinh thái như làm giàu đất, giúp hạt giống nảy mầm và cung cấp thức ăn cho các loài chim. Ông cảnh báo rằng buôn bán động vật hoang dã, kể cả côn trùng, có thể tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh và ảnh hưởng đến nông nghiệp các nước nhập khẩu.

"Ngay cả khi có thương mại, nó cũng cần được quản lý. Không ai được phép tự ý lấy đi tài nguyên của chúng tôi", ông nói.

Phiên điều trần tiếp theo sẽ diễn ra vào ngày 23/4 tới đây. Trong thời gian chờ xét xử, cả bốn nghi phạm tiếp tục bị giam giữ.

Thu Phương - © Báo TIN TỨC VIỆT ĐỨC (biên dịch)

Theo Euronews


© 2025 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC



 

Bài liên quan