Quy định pháp luật Đức về vệ sinh an toàn thực phẩm tại quán ăn, nhà hàng

Theo quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, thì tất cả các cơ sở, nhà hàng, Imbiss liên quan đến bảo quản thực phẩm, chế biến đồ ăn thức uống, phục vụ khách hàng đều phải đạt tiêu chuẩn theo luật định, và nhân viên sở vệ sinh dịch tễ có quyền kiểm tra bất cứ lúc nào, không cần báo trước.

Khi các cơ sở trên vi phạm những quy chế về vệ sinh an toàn thực phẩm thì sẽ bị phạt cảnh cáo từ 5 đến 55€, quy định tại Điều §56, Đoạn 1, Luật OWiG, đồng thời phải làm vệ sinh theo các hạng mục mà nhân viên sở vệ sinh đề ra trong thời hạn nhất định.

Nếu trong khoảng thời gian đó, các cơ sở trên không thực hiện, thì sở vệ sinh có quyền phạt bổ sung gọi là Zwangsgeld có thể lên đến 25.000,00 €, quy định tại Điều §11 Luật VwVG.

Như vậy trong trường hợp anh/chị bị phạt bổ sung, có thể xảy ra khả năng là không thực hiện đủ các yêu cầu của sở vệ sinh trong thời gian họ cho phép hoặc họ yêu cầu phải đóng cửa để dọn dẹp làm vệ sinh nhưng anh/chị vừa bán hàng vừa làm vệ sinh, như vậy cũng vẫn bị coi vi phạm.

restaurant 449952 640

Mức phạt và hậu họa

Trong ngành ăn uống, có hai yếu tố dễ bị phạt hành chính là mất vệ sinh và ngộ độc thực phẩm.

Vệ sinh có thể bị kiểm tra định kỳ, hoặc bất thường. Còn ngộ độc thức ăn, chỉ cần có thực khách bị ngộ độc phải nhập viện, thì tùy vào tính chất mức độ, bác sỹ và bệnh viện phải có trách nhiệm thông báo với sở y tế (Gesundheitsamt), quy định tại Điều §6, Đoạn 1, Điểm 2, Luật IfSG, để họ đến điều tra.

Khi xảy ra tình huống trên thì những người phải chịu trách nhiệm có thể là:

1.   Đầu bếp

Nếu đầu bếp được ủy quyền quản lý thay chủ, sẽ phải chịu phạt khi xảy ra sai phạm trong quá trình quản lý, quy định tại Điều §130, Đoạn 1, 9, đoạn 2 Luật OWiG.

Thuộc về trách nhiệm của người quản lý, gồm:

  • Chọn người làm phù hợp về khía cạnh chuyên môn.
  • Tổ chức và chia công việc rõ ràng.
  • Hướng dẫn người làm.
  • Giám sát, kiểm tra người làm và can thiệp khi thấy họ sai phạm.
  • Áp dụng các hình thức cảnh cáo và phạt đối với các sai phạm của nhân viên.

2.   Chủ quán

Chủ quán cũng sẽ bị phạt, nếu là người chịu trách nhiệm chính trong việc tổ chức công việc, quy định tại Điều §130, Luật OWiG.

Một trong những “lỗi” người chủ quán dễ mắc phải là tiết kiệm không thuê đủ người làm để đáp ứng những yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm, hoặc không hướng dẫn, hoặc không tạo điều kiện cho người làm bổ túc kiến thức trong vấn đề vệ sinh chế biến.

Mức phạt cao nhất trong trường hợp này là 1 triệu Euro.

Khi bị phạt trên 200,00 Euro, vụ việc sẽ được thông báo cho cơ quan đăng kiểm kinh doanh Gewerbezentralregister, nơi tập hợp các quyết định hành chính liên quan đến việc hành nghề của chủ quán.

Nếu vi phạm nhiều lần, chủ quán có thể bị tước giấy phép kinh doanh, hoặc sẽ gặp khó khăn khi muốn mở thêm quán ăn mới.

Trong trường hợp quán ăn là một công ty trách nhiệm hữu hạn GmbH

Doanh nghiệp không bị truy tố hình sự, vì luật pháp Đức chỉ áp dụng bộ Luật hình sự đối với các cá nhân.

Tuy nhiên doanh nghiệp có thể bị phạt hành chính nếu người đại diện không có biện pháp tổ chức giám sát để xảy ra sai phạm.

Mức phạt có thể lên đến 10 triệu Euro, quy định tại Điều §30, Đoạn 2, Luật WiG, tùy theo hậu quả sai phạm và ý thức hành vi của người đại diện.

Làm thế nào để tránh bị phạt ?

  1. Tiệm ăn cần có những quy định chung để bảo đảm các yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm, và các quy định đó cần được ghi thành văn bản.
  2. Nội dung văn bản đó phải được phổ biến tới người làm và người làm ký chứng nhận đã tiếp thu. Khi đó trách nhiệm bị phạt cũng thuộc về người trực tiếp vi phạm.
  3. Cần đưa ra những quy chế kiểm tra, giám sát người làm thực hiện các quy định đã đề ra.
  4. Nếu phát hiện có sai phạm phải can thiệp và ngăn cản hoặc có biện pháp phòng tránh trong tương lai.
  5. Nếu người làm tiếp tục vi phạm quy định cần áp dụng các biện pháp, từ cảnh cáo cho đến hủy ngang hợp đồng lao động.

Luật sư Julia Yến Vũ
Văn phòng luật Relide

 


© 2024 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC



 

Bài liên quan