'Quả bóng bay' này có khả năng vô hiệu hóa tên lửa siêu vượt âm: Đây là vũ khí kỳ lạ gì?

'Quả bóng bay' này có khả năng vô hiệu hóa tên lửa siêu vượt âm: Đây là vũ khí kỳ lạ gì?

Không phải là những chiếc chiến đấu cơ tân tiến, loại vũ khí ở độ cao 18.000m này có nhiệm vụ đoán trước hướng đi của tên lửa siêu vượt âm.

1 Qua Bong Bay Nay Co Kha Nang Vo Hieu Hoa Ten Lua Sieu Vuot Am Day La Vu Khi Ky La Gi

"Quả bóng bay" trên không

Đi ngược lại với chiến tranh trên không thế kỷ 19, Mỹ đang cân nhắc sử dụng khinh khí cầu để theo dõi tên lửa siêu vượt âm và giám sát trên bầu trời.

Theo Politico những chiếc khinh khí cầu bay ở độ cao 18.000m đến 24.000m có thể bổ sung cho mạng lưới giám sát vệ tinh rộng khắp của Mỹ và được sử dụng để theo dõi vũ khí siêu vượt âm trong bối cảnh Mỹ ngày càng lo ngại về kho vũ khí ngày càng lớn của Trung Quốc và Nga.

Các tài liệu về ngân sách trong hai năm qua cho thấy Lầu Năm Góc đã chi 3,8 triệu USD cho các dự án khinh khí cầu, với kế hoạch chi 27,1 triệu USD trong năm tài chính 2023, đánh dấu mức tăng hơn bảy lần trong chi tiêu cho khinh khí cầu giám sát tầm cao.

Theo Tom Karako, thành viên cấp cao của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), "các thiết bị ở độ cao lớn có rất nhiều lợi ích như khả năng cơ động và tính linh hoạt".

Về mặt phòng thủ tên lửa, khinh khí cầu kết hợp giữa sự hoạt động liên tục của các cảm biến trên mặt đất, phạm vi phủ sóng trên diện rộng của các cảm biến trên không và hướng nhìn từ trên cao để phát hiện tên lửa hành trình đang bay tới, ấn phẩm quốc phòng Tactical Defense Media lưu ý.

Trong khi các cảm biến trên mặt đất là xương sống của phòng thủ tên lửa kể từ Chiến tranh Lạnh, CSIS cho biết chúng gặp phải nhiều hạn chế cố hữu khác nhau.

Ví dụ, độ cong của Trái đất hạn chế hiệu quả đối với các mối đe dọa bay thấp như tên lửa hành trình.

Ngược lại, CSIS lưu ý rằng các cảm biến trên khinh khí cầu có thể phát hiện các mối đe dọa tên lửa ở phạm vi lớn hơn so với trên mặt đất, các thiết bị trên cao có thể mang nhiều loại cảm biến và chúng duy trì lâu hơn so với các cảm biến trên mặt đất vì tổ đội vận hành có thể triển khai với số lượng lớn hơn.

Những "quả bóng bay" này cũng có giá thành chỉ bằng một phần nhỏ so với vệ tinh. Military Review nhấn mạnh, trong đó một khinh khí cầu ước tính có chi phí phát triển và vận hành ban đầu là 100.000 USD so với 1,6 tỷ USD cho một vệ tinh hồng ngoại.

Tuy nhiên, CSIS cũng đề cập đến những hạn chế đối với cảm biến trên khinh khí cầu, bao gồm yêu cầu về kiến trúc mạng cấp độ cao.

Ngoài ra, Cơ quan Nghiên cứu Quốc hội Mỹ (CRS) cũng đề cập đến khả năng dễ bị tổn thương của những "quả bóng bay" như vậy trong các điều kiện thời tiết cũng như hỏa lực mặt đất.

Nguồn tin nói rằng nhiều khinh khí cầu giám sát của Mỹ và nước ngoài đã bị mất trong điều kiện thời tiết bất lợi, và có nhiều ý kiến trái chiều về khả năng dễ bị tổn thương của chúng trước hỏa lực của đối phương.

Trong khi đó, các ý kiến ủng hộ lại cho rằng khinh khí cầu dễ tồn tại vì tiết diện radar thấp (RCS) và có thể chịu được một số cú đánh trước khi bị hạ độ cao.

2 Qua Bong Bay Nay Co Kha Nang Vo Hieu Hoa Ten Lua Sieu Vuot Am Day La Vu Khi Ky La Gi

Tiềm năng to lớn

Popular Mechanics mô tả dự án khinh khí cầu COLD STAR của Mỹ có thể hoạt động mà không bị phát hiện trong không phận của đối phương, có tính năng điều hướng tự động, cảm biến độ trung thực cao và AI tích hợp.

Ngoài ra, nguồn tin nói rằng khinh khí cầu của COLD STAR vô hình đối với radar.

Trong một cuộc phỏng vấn với Politico, Russell Van Der Werff, giám đốc kỹ thuật tại Raven Aerostar, công ty sản xuất COLD STAR, cho biết mỗi khinh khí cầu có một bộ phận điều khiển bay chạy bằng pin sạc mặt trời. Hệ thống cũng có một gói thiết bị điện tử cho an toàn bay, điều hướng và thông tin liên lạc.

Một hệ thống khác có thể đang được xem xét là Hệ thống cảm biến tên lửa hành trình tấn công trên bộ (JLENS), có các công nghệ mạng và cảm biến tiên tiến để cung cấp khả năng theo dõi đất liền liên tục, 360 độ, diện rộng và chính xác đối với tên lửa hành trình tấn công và các mối đe dọa khác.

Nó bao gồm một hệ thống radar điều khiển hỏa lực và một hệ thống giám sát diện rộng. Mỗi hệ thống radar có trạm neo di động, radar và trạm thông tin liên lạc, trạm xử lý và các thiết bị mặt đất liên quan.

Các hệ thống có thể hoạt động cùng nhau hoặc độc lập và có thể vận chuyển bằng đường bộ, đường sắt, đường biển và đường hàng không. Ngoài ra, JLENS có thể được tích hợp với tên lửa đánh chặn SM-6 và Patriot.

Tuy nhiên, nguồn tin báo cáo rằng trong một cuộc thử nghiệm vào tháng 10/2015, khí cầu tích hợp JLENS đã tuột khỏi dây buộc do lỗi thiết bị giảm phát tự động và gió lớn, dẫn đến khí cầu bay lơ lửng trên vùng nông thôn Pennsylvania, sau cùng hạ cánh xuống thị trấn Moreland.

Kết quả là, quân đội Mỹ đã quyết định từ bỏ dự án JLENS sau khi chi 2 tỷ USD chi phí phát triển.

Mạnh Kiên

Nguồn: toquoc.vn


© 2024 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC



 

Bài liên quan