7 sự thật bất ngờ về bụi phóng xạ phát tán từ các vụ nổ bom hạt nhân

7 sự thật bất ngờ về bụi phóng xạ phát tán từ các vụ nổ bom hạt nhân

Ngoài sức tàn phá kinh hoàng, các vụ nổ hạt nhân còn tạo ra bụi phóng xạ, gây ảnh hưởng đến môi trường sống và sức khỏe con người trong thời gian dài.

1. Bụi phóng xạ có thể tồn tại trong bầu khí quyển trong nhiều năm

Các vụ nổ hạt nhân phát tán ra bụi phóng xạ nguy hiểm. Bụi phóng xạ bay cao vào không khí và sau đó rơi xuống mặt đất, gây nhiễm độc cho con người, đất đai. Những vũ khí hạt nhân thông thường sẽ tạo ra lớp bụi phóng xạ cục bộ, nhưng những vũ khí nhiệt hạch hiện đại sẽ thổi chất phóng xạ lên cao tới tầng bình lưu.

1 7 Su That Bat Ngo Ve Bui Phong Xa Phat Tan Tu Cac Vu No Bom Hat Nhan

Bụi phóng xạ phát tán sau một vụ nổ bom hạt nhân. Ảnh minh họa: Sputnik

Ông Zaijing Sun, nhà vật lý hạt nhân tại Đại học Nevada, Las Vegas cho biết, hầu hết bụi phóng xạ từ vụ nổ hạt nhân mất từ một ngày đến một tuần để quay trở lại mặt đất. Nhưng trong một số vụ nổ lớn, bụi phóng xạ bị đẩy cao vào bầu khí quyển ở độ cao hơn 80.000m và tồn tại ở đây từ vài tháng đến vài năm trước khi rơi xuống mặt đất.

2. Phát hiện chất phóng xạ ở dưới đáy đại dương

Bụi phóng xạ khi được thổi tới tầng bình lưu có thể phát tán xa, do ảnh hưởng của gió hoặc các hiện tượng thời tiết và lan ra nhiều khu vực. Nếu một quả bom hạt nhân lớn phát nổ ở Mỹ, bụi phóng xạ có thể lan tới Nga, châu Âu hoặc Trung Quốc.

Trong một số trường hợp, các nhà khoa học đã phát hiện ra bụi phóng xạ của các vụ thử bom hạt nhân ở nhiều khu vực trên thế giới, từ các vùng đất ở Tunisia, đến những con sông băng ở Bắc Cực và thậm chí ở những nơi sâu nhất của đại dương. Bụi phóng xạ có thể xâm nhập vào mô cơ của một số loài giáp xác sống trong rãnh đại dương.

3. Hầu hết người Mỹ đều có nguy cơ phơi nhiễm phóng xạ

Trong những năm 1950 và 1960, chính phủ Mỹ đã thử nghiệm hơn 500 quả bom hạt nhân bằng cách kích nổ chúng trong khí quyển. Chuyên gia Zaijing Sun cho biết, bụi phóng xạ từ khu thử nghiệm Nevada và nhiều nơi khác tràn ngập trong bầu khí quyển. Do đó những người dân sống ở Mỹ kể từ năm 1951 đều ít nhiều bị ảnh hưởng bởi bụi phóng xạ. Đây cũng là kết quả nghiên cứu của Viện Ung thư Quốc gia Mỹ và và Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh mỹ.

Các nhà khoa học cho biết, nguy cơ rủi ro do bụi phóng xạ gây ra đối với sức khỏe của người dân Mỹ hiện rất nhỏ. Nhưng một nghiên cứu ước tính, bụi phóng xạ có thể gây ra 11.000 ca tử vong mỗi năm do ung thư.

4. Bụi phóng xạ xâm nhập vào chuỗi thức ăn

Bụi phóng xạ có thể xâm nhập vào cơ thể người qua da. Nhưng con người cũng có thể bị nhiễm qua một số con đường khác, chẳng hạn như chuỗi thức ăn.

“Khi bụi phóng xạ phát tán từ khu thử nghiệm Nevada, một số người ở bang Wyoming lân cận cũng bị ảnh hưởng do uống phải sữa bò có chứa đồng vị phóng xạ strontium 90”, ông ông Zaijing Sun cho biết.

Strontium 90 là đồng vị phóng xạ có đời sống trung bình với thời kỳ bán rã trong khoảng 29 năm. Nguyên tố phóng xạ này thâm nhập cơ thể qua nước và các nguồn thức ăn thức uống đã nhiễm phóng xạ. Nó có thể gây ra các vấn đề về đường ruột hoặc tấn công vào xương và trong trường hợp nặng gây ra ung thư xương, ung thư tủy xương hoặc phá hủy các mô mềm xung quanh xương.

Những con bò sữa ăn phải cỏ bị nhiễm Strontium nên sữa của chúng cũng chứa chất này và ảnh hưởng đến người tiêu dùng.

5. Potassium iodide có thể bảo vệ con người tránh ung thư tuyến giáp do bụi phóng xạ gây ra

Chuyên gia Zaijing Sun cho biết, Iodine 131 – một trong những đồng vị phóng xạ nguy hiểm trong bụi phóng xạ hạt nhân dễ dàng thâm nhập cơ thể người và tích tụ trong tuyến giáp, về lâu dài, có thể gây nên ung thư tuyến giáp.

Để tránh bị phơi nhiễm trong trường hợp có thảm họa hạt nhân, người ta thường dùng Potassium Iodide hay còn gọi là kali iodua (KI) để bão hòa Iodine trước cho cơ thể khỏi hấp thu Iodine phóng xạ.

Sở dĩ KI phát huy tác dụng là bởi tuyến giáp chỉ có thể hấp thu một lượng Iodine nhất định. Nếu tuyến giáp của con người đã hấp thu KI thì sẽ không còn chỗ chứa Iodine 131.

6. Vụ nổ nhà máy điện hạt nhân nguy hiểm hơn nổ bom hạt nhân

Ông Zaijing Sun cho biết, lò phản ứng hạt nhân giải phóng nhiều đồng vị phóng xạ trong quá trình nóng chảy hơn là vụ nổ bom hạt nhân. Chẳng hạn thảm họa nổ nhà máy điện hạt nhân Chernobyl tạo ra lượng bức xạ cao gấp 10 lần so với vụ ném bom hạt nhân xuống thành phố Hiroshima của Nhật Bản trong Thế chiến thứ hai.

Hiện, bức xạ ở Hiroshima đã bị trung hòa và ngang bằng với lượng bức xạ bình thường trên thế giới. Nhưng ở Chernobyl, chu kỳ bán rã dài hơn và một số đồng vị phóng xạ như Strontium-90 và Caesium-137 vẫn ở mức cao.

Ngày nay, mọi người có thể sống an toàn ở Hiroshima mà không sợ bị phơi nhiễm phóng xạ kéo dài, trong khi khu vực xung quanh Chernobyl vẫn còn phóng xạ và không thể ở được.

7. Bụi phóng xạ chỉ chiếm khoảng 15% năng lượng vụ nổ

Chuyên gia Sun cho biết, năng lượng từ vụ nổ vũ khí hạt nhân chủ yếu đến từ áp lực (chiếm 50% tổng năng lượng), bức xạ nhiệt (chiếm 35% tổng năng lượng). Còn bức xạ dư (bụi phóng xạ) chỉ chiếm 15% tổng năng lượng. Bức xạ dư là năng lượng được giải thoát sau vụ nổ.

 “Mọi người thường nghĩ rằng năng lượng đến từ bụi phóng xạ, nhưng trên thực tế phần lớn năng lượng của một quả bom hạt nhân được giải phóng ngay lập tức khi nó phát nổ”, chuyên gia Sun lưu ý./.

Hồng Anh

Nguồn: vov.vn


© 2024 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC



 

Bài liên quan