Trải nghiệm cá nhân về tình bạn và sự kết bạn ở Đức

Tình bạn vốn là thứ tình cảm thiêng liêng và đáng được trân trọng. Một người có thể có rất nhiều bạn tuy nhiên không phải ai cũng có một người bạn thân hay một tình bạn chân thành. Vậy Khi sang Đức Học tập và làm việc bạn không chỉ kết bạn với người Đức mà cả với các bạn quốc tế

Trải nghiệm cá nhân về tình bạn và sự kết bạn ở Đức - 0

Đối tượng không muốn kết bạn với mình

Nói chuyện được với nhau là điều đầu tiên cho thấy hợp nhau và có khả năng làm bạn. Những người mà mình đã gặp, qua những câu chào xã giao ban đầu hallo, wie geht’s đã là một giấu hiệu cho thấy mình có thể nói chuyện được với người này.

Có những con người mình đã gặp, làm cùng nhau, thường xuyên gặp mặt mà có những lúc không thèm chào hỏi thăm, thường chỉ dừng lại ở câu cửa miệng hallo cho giữ phép lịch sự.

Điều này có nghĩa là khi họ đã chỉ dừng lại ở phép lịch sự thì họ không hề có hứng thú làm bạn với mình, vậy thì đối tượng này cũng không nên cố gắng làm gì.

Bước tiến trong tình bạn

Còn đối với những người mà khi gặp nhau sẽ hỏi thăm mình và có những mẩu đối thoại ngắn là một dấu hiệu tốt cho thấy mình có thể kết bạn với họ.

Và sau một thời gian quen biết nhau như vậy, hay nói chuyện với nhau như vậy, mình sẽ tiến tới một bước là kết bạn với nhau qua Facebook. Nếu qua Facebook mà thường xuyên nhắn tin hỏi thăm nhau là đã tiến thêm một bước nữa trong quá trình kết bạn.

Trải nghiệm cá nhân về tình bạn và sự kết bạn ở Đức - 1

Đến giai đoạn này, ngoài chát ra thì mình thường hẹn gặp nhau ở ngoài như cùng ăn trên Mensa, tham gia Party ở trường (nếu là bạn học cùng).

Hẹn nhau đi ăn ngoài quán, đi uống Cafe, thân hơn nữa sẽ mời nhau đến nhà. Nếu hợp với món ăn của mình thì mình sẽ nấu và mời họ món ăn của mình.

Mình may mắn được làm việc trong một môi trường có rất nhiều sinh viên từ các ngành, các khoa khác và đến từ rất nhiều nước khác nhau nên bọn mình hay nói chuyện về học hành, kể cho nhau về tình hình công việc, hỏi nhau về ngành học, kể chuyện văn hóa nước họ v.v..

Chủ đề nói chuyện

Nếu người việt gặp nhau hay nói chuyện về các ngôi sao, về scandal của sao này, sao kia v.v… hay nói về người khác, bà này làm gì, ông kia có gì v.v… thì ở Đức họ chỉ thích nói về công việc, thời tiết, chính trị và sở thích.

Tuy vậy người Đức cũng buôn chuyện về người khác đấy, có điều họ kín đáo hơn. Mình cũng đã từng nghe họ buôn ông giáo sư này thích bà kia v.v..

Nhưng phần lớn họ sẽ nói về thời tiết và chính trị vì ở Đức thời tiết thay đổi chóng mặt nên việc nói chuyện về thời tiết là điều không thể không nói. Họ thích tranh luận chuyện chính trị, những vấn đề cập nhập nhất ở thời hiện tại. .

Ngoài 2 chủ đề này ra thì mình hay nói chuyện về sự khác biệt văn hóa: Ví dụ ở Đức khi người ta phê bình ai đó, thì người kia sẽ vui vẻ nhận khuyết điểm và rút ra kinh nghiệm, sau đó họ vẫn vui vẻ như không có chuyện gì xảy ra, hoặc nếu không đồng ý sự phê bình thì đưa ra lập luận để phản kháng và đối phương luôn tôn trọng ý kiến của người khác.

Còn với văn hóa của mình, nếu có bị phê bình, dù đã nhận lỗi và mọi việc đã qua như không có chuyện gì nhưng mình vẫn cảm thấy giá trị bị đi xuống, lúc nào cũng suy nghĩ mãi về nó và không dám đối diện hay gặp lại người đã phê bình mình.

Trải nghiệm cá nhân về tình bạn và sự kết bạn ở Đức - 2

Hoặc người Đức luôn lên lịch, kế hoạch làm việc rất chi tiết.

Người bạn Đức của mình kế hoạch hôm nay gặp mình sau giờ học, sẽ nói chuyện khoảng 30′ rồi ra thư viện trả sách. Khi đang nói chuyện với mình, bạn nhìn đồng hồ và nói, giờ bạn phải lên thư viện và chào tạm biệt mình.

Trong khi một người bạn việt của mình, đang nói chuyện với mình, muốn lên thư viện lấy tài liệu nhưng lại cố chờ mình về đã rồi mới đi, vì bạn cho rằng lên thư viện thì chờ một tý nữa đi so với dự định cũng không sao….

Chăm sóc tình bạn

Nếu tình bạn đã ở mức thường xuyên nói chuyện với nhau là tình bạn đã đi được một bước xa.

Khi bạn đã có những người bạn như vậy rồi thì nên pflege (chăm sóc) nó để nó được bền lâu. Mình chăm sóc tình bạn bằng cách thường xuyên nhắn tin hỏi thăm nhau, hẹn gặp nhau đi ăn, uống trà hay cafe, tặng quà cho nhau vào dịp giáng sinh và thân hơn nữa sẽ mời đến nhà, tự tay nấu ăn mời họ.

Và mình đã có 2 người bạn gái Đức như vậy được 6 năm rồi.

Một người đã học xong và chuyển đến nơi khác đi làm nhưng giáng sinh nào cũng lái xe về Tübingen và đến thăm mình. Một người cùng thành phố với mình. Bọn mình thường xuyên hẹn nhau đi uống trà và lên thư viện thành phố cùng nhau.

Ngoài 2 bạn gái Đức này ra, mình có một số bạn là người gốc nhập cư´, không phải Đức gốc. Những người bạn này có nhiều điểm tương đồng về văn hóa nên bọn mình nói chuyện nhiều về văn hóa hơn.

Trong số những người bạn này thì có cả nam giới. Vì tình bạn giữa nam và nữ hơi khó nên phải giữ khoảng cách hơn so với bạn nữ, vì vậy mà những người bạn này chỉ dừng lại ở việc kết bạn trên Facebook, like hay comment trên FB, còn nếu có gặp ngoài đời sẽ hỏi thăm nhau về học tập, làm việc và sức khỏe. Trừ phi là đối tượng cưa nhau thì mới có nhiều bước tiến khác. Vì mình chỉ là bạn đơn thuần nên mình thấy như vậy là cũng đã thân lắm rồi.

Mâu thuẫn cũng có thể là một bước tiến trong tình bạn

Đôi khi có những sự hiểu lầm nhau vì sự khác biệt văn hóa, do ngôn ngữ bất đồng, sự thể hiện ngôn ngữ kém, hoặc cũng có thể do bản tính riêng.

Nếu sau mâu thuẫn mà tình bạn không bị mất đi, ngược lại tình bạn còn vững chắc hơn, do đã hiểu nhau hơn thì xin chúc mừng. Tình bạn đã tiến thêm một bước nữa. Người Đức quan niệm „người ta chỉ cãi nhau với bạn của mình“.

Nếu đã không muốn làm bạn thì chẳng cần phải cãi nhau, nếu bất đồng thì tschüß ngay lập tức và nie wiedersehen.

Chỉ những người mình coi trọng mới cãi nhau để hiểu nhau hơn. Những lúc như vậy mình nên cùng nhau nói rõ ràng, nếu mình có lỗi thì nên nhận lỗi.

Mình đã trải nghiệm như vậy do một số hiểu lầm về bất đồng văn hóa, nhưng khi đã giải thích cho nhau rõ ràng thì tình bạn lại càng thắm thiết hơn.

Kết lại

Vì ở Đức là nền văn hóa cá nhân nên mỗi cá thể là khác nhau, không ai giống ai. Vì vậy việc đầu tiên bạn cần học đó là chấp nhận sự khác biệt của người khác, tôn trọng sở thích và lối sống của người ta.

Để tìm được điểm tương đồng thì người Đức họ tìm người cùng sở thích và cùng nghề nghiệp.

Trừ đối tượng đầu tiên không có hứng thú nói chuyện với bạn thì bạn nên bỏ qua, còn lại, khi đã nói chuyện được thì bạn cần chăm sóc để tình bạn phát triển.

Nếu là bạn cùng học thì nói chuyện về học hành, về môn học

Nếu làm cùng thì nói về công việc

Nếu cùng sở thích thì nói về sở thích

Nếu cùng văn hóa thì nói về văn hóa

Nếu khác văn hóa thì nói về sự khác biệt

Chăm sóc tình bạn bằng cách thường xuyên hỏi thăm nhau, gặp gỡ uống trà hay cafe, đi ăn cùng nhau, tặng quà cho nhau.

Tg Thuy Duong Nguyen


© 2024 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC



 

Bài liên quan