Trump và Musk: Cuộc chiến lạnh giá xoay quanh ngân sách liên bang

Cuộc chiến ngầm giữa cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump và tỷ phú công nghệ Elon Musk đang trở nên ngày càng căng thẳng. Sau những lời chỉ trích lẫn nhau qua lại, ông Trump đã lên tiếng cảnh báo sẽ rà soát lại các khoản trợ cấp mà các công ty của Musk đang nhận được từ chính phủ liên bang.

Căng thẳng leo thang: Từ đồng minh thành đối thủ

Ngày 1 tháng 7, ông Trump tuyên bố rằng Bộ Hiệu quả Chính phủ (DOGE) nên tiến hành kiểm tra kỹ lưỡng các khoản trợ cấp này nhằm cắt giảm chi tiêu của chính phủ. Phát biểu này được đưa ra không lâu sau khi ông Musk chỉ trích mạnh mẽ dự luật cắt giảm thuế và tăng chi tiêu của chính quyền ông Trump, gọi đó là hành động “điên rồ và phá hoại”.

1 Trump Va Musk Cuoc Chien Lanh Gia Xoay Quanh Ngan Sach Lien Bang

Hình ảnh: Tài khoản X của Elon Musk trên điện thoại thông minh, với tài khoản của Trump ở phía sau.

Ông Trump phản pháo trên mạng xã hội Truth Social:

"Elon có thể là người nhận nhiều trợ cấp nhất trong lịch sử nhân loại. Nếu không có trợ cấp, Elon chắc sẽ phải dẹp tiệm và quay về Nam Phi. Không còn tên lửa, vệ tinh hay xe điện. Đất nước ta sẽ tiết kiệm được cả gia tài. Có lẽ DOGE nên nhìn thật kỹ vào chuyện này. Có thể tiết kiệm rất nhiều tiền!!!".

Ông Musk đáp trả ngắn gọn trên mạng xã hội X: "Tôi đang nói là cắt hết. Ngay bây giờ". Ông cũng chỉ trích gay gắt các nhà lập pháp ủng hộ dự luật, cho rằng họ nên "cúi đầu vì xấu hổ" và tuyên bố: "Họ sẽ thua trong cuộc bầu cử sơ bộ năm sau, nếu đó là điều cuối cùng tôi làm trên Trái đất này."

Sự kết thúc của một "tình đồng minh"?

Sự việc càng trở nên phức tạp hơn khi chưa đầy 30 phút sau khi Musk hé lộ ý định hậu thuẫn một đảng phái mới mang tên "America Party" với đường lối bảo thủ tài khóa, thắt lưng buộc bụng và chống bội chi ngân sách, ông Trump đã có màn công kích bất ngờ nhắm vào Musk.

Trên Truth Social, ông Trump viết: "Nếu không có các khoản trợ cấp chính phủ khổng lồ, Elon Musk có lẽ đã phải đóng cửa toàn bộ và quay về Nam Phi." Đây không chỉ là lời tuyên chiến với Musk mà còn là một lời tuyên bố chính trị: "Tôi không còn bảo vệ Musk nữa."

Khi trợ cấp biến thiên tài thành đế chế

Elon Musk, một biểu tượng của nước Mỹ công nghệ cao với SpaceX, Tesla, Starlink, Neuralink… đã gặt hái được những thành công rực rỡ. Tuy nhiên, đằng sau những thành công đó là sự hỗ trợ không nhỏ từ ngân sách liên bang, từ hợp đồng phóng tên lửa của NASA, các ưu đãi thuế, trợ cấp mua xe điện cho đến các gói cứu trợ khẩn cấp.

Ông Trump hiểu rõ điều này và lần này ông không né tránh nữa. Việc ông thẳng thắn công kích Musk cho thấy một sự thay đổi quan trọng trong chính sách của ông.

Xe điện và "hội chứng bắt buộc toàn dân"

Trung tâm của mâu thuẫn không phải là tên lửa mà chính là… xe điện. Ông Trump từ lâu đã phản đối "Electric Vehicle Mandate", chính sách buộc các hãng xe và người dân phải chuyển sang xe điện. Ông gọi đây là chủ nghĩa "xanh cưỡng bức", đẩy gánh nặng chuyển đổi lên vai người dân.

Ông Trump nhấn mạnh: "Xe điện không sai, nhưng không ai nên bị ép phải có một chiếc." Câu nói này không chỉ nhắm vào chính sách mà còn vào hình tượng Musk, người đã hưởng lợi lớn từ quy định buộc các bang và hãng xe phải mua tín chỉ môi trường từ Tesla.

America Party: Giấc mơ của Musk hay cơn ác mộng của Trump?

Việc Musk ủng hộ việc thành lập "America Party" chính là giọt nước tràn ly.

Dù chưa chính thức đứng ra lãnh đạo, nhưng ông đang ngầm tạo dựng một nền tảng chính trị không phụ thuộc vào Đảng Cộng hòa hay Trump. Một đảng phái chủ trương bảo vệ tư nhân, cắt giảm chi tiêu, nhưng lại không đi theo khẩu hiệu "Make America Great Again".

Trump, với bản năng chính trị nhạy bén, nhận ra điều này đe dọa ông từ hai phía: mất đi sự ủng hộ của cộng đồng công nghệ và sự xuất hiện của một đối thủ dân túy mới – một CEO có hàng chục triệu người hâm mộ.

DOGE, ngân sách và chủ nghĩa dân túy

Kết thúc bài viết, ông Trump thách thức: "Có lẽ chúng ta nên để DOGE vào cuộc điều tra các khoản chi cho Elon Musk. BIG MONEY TO BE SAVED!!!" DOGE ở đây không phải là đồng tiền điện tử mà là Cơ quan thúc đẩy hiệu quả hoạt động chính phủ. Đây là lời cảnh báo: nếu ai đó định rút khỏi "hệ sinh thái Trump", thì đừng mong sống yên dưới ánh sáng ngân sách quốc gia.

"Đồng hành vì lợi ích, chia tay vì tiền"

Trump và Musk, hai gương mặt tiêu biểu của chủ nghĩa dân túy và chủ nghĩa kỹ trị, từng song hành như hai mặt của một giấc mơ Mỹ hiện đại: phóng khoáng, tự do, phi truyền thống.

Nhưng khi lợi ích không còn giao nhau, sự thật hiện ra: Đây không phải là một liên minh lý tưởng, mà là một thỏa hiệp tạm thời. Khi giấc mơ ngân sách bị đụng đến, ai cũng trở mặt. Không tình cảm. Không luyến tiếc. Chỉ còn những con số và câu hỏi: tiền thuế nên dành cho ai?

Ông Musk cũng lặp lại lời kêu gọi thành lập một đảng chính trị mới: "Đã đến lúc cần một đảng mới thực sự quan tâm đến người dân".

Mối quan hệ giữa hai nhân vật từng thân thiết này trở nên căng thẳng sau khi Elon Musk – người từng chi gần 300 triệu USD cho chiến dịch tái tranh cử của ông Trump – quay sang chỉ trích mạnh mẽ dự luật do ông Trump đề xuất.

Ông Musk từng giữ vai trò lãnh đạo DOGE – sáng kiến liên bang nhằm cắt giảm chi phí cho chính phủ. Ông lập luận rằng dự luật sẽ khiến nợ công Mỹ tăng vọt và xóa sạch những gì DOGE đã tiết kiệm được. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ những ý kiến của ông Musk sẽ có ảnh hưởng đến Quốc hội hay không.

Cuộc đối đầu công khai này đã tác động đến thị trường chứng khoán, khiến cổ phiếu Tesla biến động mạnh, mất khoảng 150 tỷ USD giá trị vốn hóa trước khi phục hồi.

Phạm Hương - © Báo TIN TỨC VIỆT ĐỨC


© 2025 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC



 

Bài liên quan