Trump phục vụ lợi ích của Putin: Ngừng cấp vũ khí cho Ukraina và phớt lờ trừng phạt Nga

Vào lúc Ukraina đang nỗ lực chống chọi quân xâm lược Nga, các nỗ lực ngoại giao quốc tế chưa mang lại kết quả gì, chính quyền của tổng thống Mỹ Donald Trump đã có hai quyết định, một về vũ khí, một về thương mại, cho thấy dường như có lợi cho Nga và chống lại Liên Âu.

1 Trump Phuc Vu Loi Ich Cua Putin Ngung Cap Vu Khi Cho Ukraina Va Phot Lo Trung Phat Nga

Tại thượng đỉnh NATO tại La Haye, Hà Lan, tổ chức trong hai ngày 24 và 25/06, các lãnh đạo Liên Minh Bắc Đại Tây Dương - NATO, trong đó có ông Trump, nhấn mạnh tiếp tục ủng hộ Ukraina trước mối đe dọa « lâu dài » do Nga gây ra ; tổng thống Mỹ cũng đã tiếp đồng nhiệm Ukraina Volodymyr Zelensky, và phát biểu hàm ý ông sẵn sàng cung cấp thêm Patriot, hệ thống chống tên lửa, cho Kiev.

Thế nhưng, ngày 02/07/2025, chính quyền Donald Trump bất ngờ thông báo đình chỉ cung cấp một số loại vũ khí cho Kiev, với lý do vũ khí dự trữ trong kho còn ít, không thể cung cấp cho nước ngoài.

Bất chấp các trừng phạt của phương Tây nhắm vào Nga, hôm 27/06, bộ Tài Chính Mỹ cho phép một số giao dịch với các ngân hàng Nga về năng lượng hạt nhân dân sự : chính quyền Trump đã lách một số quy định cấm có dưới thời tổng thống Joe Biden, mở ra triển vọng cho các công ty hạt nhân của Nga, trong đó dĩ nhiên có tập đoàn hạt nhân khổng lồ Rosatom.

Theo trang mạng của đài France 24 ngày 02/07, đây là lần đầu tiên chính quyền Donald Trump lách lệnh trừng phạt Nga liên quan đến chiến tranh Ukraina, trong khi các biện pháp trừng phạt của Mỹ liên tục được thắt chặt kể từ khi Nga sáp nhập bán đảo Crimée của Ukraina vào năm 2014.

Như vậy là chỉ trong ít ngày, chính quyền Trump một mặt tuyên bố giảm bớt vũ khí của Hoa Kỳ dành cho Ukraina, tạo thuận lợi hơn cho quân Nga trên chiến trường Ukraina, mặt khác lại cho phép Matxcơva « rộng đường » hơn về kinh tế.

Vẫn theo France 24, đây là những quyết định minh họa rõ nét hậu quả của việc Donald Trump trở lại Nhà Trắng đối với cuộc chiến ở Ukraina và các lệnh trừng phạt Nga.

Mark Harrison, giáo sư kinh tế hợp tác với đại học Warwick của Anh, cũng là một chuyên gia về Nga, khái quát : « Đây là hai tín hiệu phát đi từ Hoa Kỳ, xác nhận điều mà mọi người đã nghi ngờ : Đó là Washington không còn quyết tâm đồng hành với Ukraina nữa và theo Donald Trump thì thành công trong cuộc chiến chống Nga không phải là điều thiết yếu đối với lợi ích của Hoa Kỳ ».  

Riêng về quyết định đình chỉ giao một số vũ khí cho Kiev, trên đài RFI ngày 03/07, John Bolton, từng là cố vấn an ninh quốc gia của tổng thống Mỹ Donald Trump trong nhiệm kỳ 1, nhận định : 

« Tôi nghĩ rằng đó chắn chắn không phải là vì lợi ích của Mỹ (…) Tôi thấy khó tin rằng vũ khí dự trữ trong kho của chúng tôi lại ít đến như vậy. Tôi nghĩ rằng đó là một cách để giảm sự tham gia của Hoa Kỳ ».

Cho dù không gây tác động ngay lập tức đến khả năng phòng thủ của Ukraina, vì vẫn đang có những chuyến giao vũ khí của Mỹ và châu Âu cho Kiev, nhưng theo giáo sư Mark Harrison, được France 24 trích dẫn, quyết định này của chính quyền Trump sẽ gây tác động về lâu dài, đặc biệt là nếu châu Âu không thể bù đắp cho việc cắt giảm của Mỹ.

Về tinh thần, quyết định này còn có tác dụng động viên binh sĩ Nga bởi sẽ không dễ dàng khi đối mặt với đối thủ mà họ biết đang được Hoa Kỳ quyết tâm làm mọi điều để yểm trợ.

Các chuyên gia được France 24 phỏng vấn đưa ra hai giải thích cho « món quà » của Mỹ dành cho năng lượng hạt nhân dân sự của Nga. Bên hưởng lợi không chỉ có tập đoàn hạt nhân khổng lồ Rosatom của Nga, mà còn có cả chính quyền Hungary của Viktor Orban.

Chính quyền Hungary tuần trước đã tuyên bố là biện pháp mới của bộ Tài Chính Mỹ sẽ cho phép họ khởi động lại siêu dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân Paks-2, chủ yếu do Rosatom tài trợ. Paks-2 vốn được Budapest xem là dự án kinh tế quan trọng nhất của Hungary.

Đối với kinh tế gia Kirill Shakhno, thuộc đại học Surrey của Anh, « Donald Trump có thể đã đưa ra quyết định này để làm hài lòng thủ tướng Hungary, một trong những người ủng hộ chính của ông tại Liên Âu ».

Đằng sau quyết định của bộ Tài Chính Mỹ có thể sẽ là những dàn xếp kiểu bạn hữu giữa Hungary, Mỹ và Nga, khiến các lệnh trừng phạt có thể bớt hiệu quả.

Thêm vào đó, chẳng hạn ngân hàng Gasprombank của Nga sẽ có khả năng tài trợ trở lại các dự án năng lượng hạt nhân dân sự tại châu Âu.

Việc một công ty Nga nắm giữ một phần dù nhỏ trong thị trường chung về điện của Liên Âu, là một vấn đề, bởi vì theo giải thích của Chloé Le Coq, chuyên gia năng lượng, đại học Panthéon-Assas của Pháp, nghiên cứu về các lệnh trừng phạt nhắm vào xuất khẩu chất đốt của Nga, « không giống như dầu và khí đốt, rất khó để tìm ra nguồn năng lượng thay thế khi nhà máy điện hạt nhân được kết nối với lưới điện ». 

Như vậy là quyết định này của chính quyền Donald Trump không chỉ có lợi cho Nga và Hungary, mà còn gây tổn hại đến lợi ích của châu Âu.

Theo RFI


© 2025 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC



 

Bài liên quan