Ông Trump giành chiến thắng nhờ đâu?

Ông Trump giành chiến thắng nhờ đâu?

Giới phân tích đánh giá việc ông Trump quay trở lại đường đua chính trị ban đầu có vẻ khó tin nhưng lại trở nên hợp lý khi xét đến tình hình hiện tại.

1 Ong Trump Gianh Chien Thang Nho Dau

Ông Donald Trump xuất hiện cùng vợ Melania sau khi phát biểu về thắng lợi tại Florida ngày 6-11 - Ảnh: REUTERS

Tạp chí Newsweek của Mỹ đã dành những lời khen có cánh cho Tổng thống đắc cử Donald Trump (theo xác nhận của truyền thông Mỹ) và gọi chiến thắng của ông là sự trở lại vĩ đại nhất trong lịch sử chính trị Mỹ khi vượt qua đối thủ Kamala Harris của Đảng Dân chủ - người đã chi đến 1 tỉ USD để đánh bại ông.

Lãnh đạo các nước, người nổi tiếng đồng loạt chúc mừng ông Trump - Nguồn video: AFP

"Ông Trump đã thách thức lịch sử. Ông ấy là minh chứng cho một thành tựu phi thường trong lịch sử tổng thống Mỹ", nhà khoa học chính trị Steve Schier bày tỏ quan điểm.

Giờ đây, thay vì kết thúc sự nghiệp chính trị với tư cách là một tổng thống bị kết tội, ông Trump sẽ có thêm bốn năm nữa ở Nhà Trắng để tái định hình chính phủ, đồng thời củng cố hơn nữa di sản của mình với cương vị là tổng thống Đảng Cộng hòa có tầm ảnh hưởng lớn nhất kể từ thời Tổng thống Ronald Reagan.

Chưa bao giờ rời bỏ nước Mỹ

2 Ong Trump Gianh Chien Thang Nho Dau

Những người ủng hộ ông Donald Trump vẫy cờ và reo hò tại Florida ngày 5-11 - Ảnh: AFP

Theo báo Politico, một số cử tri tỏ ra không hài lòng với cách điều hành đất nước của Tổng thống Joe Biden. Thêm vào đó, Phó tổng thống Kamala Harris dường như chưa thoát khỏi cái bóng của ông Biden để hoàn toàn độc lập về quan điểm chính trị, đặc biệt là ở các vấn đề liên quan đến kinh tế, lạm phát và nhập cư - những lĩnh vực mà nhiều cử tri Mỹ cho rằng ông Trump sẽ làm tốt hơn.

Vào thời điểm 2020, ông Trump kết thúc nhiệm kỳ của mình và được nhìn nhận là một trong những tổng thống ít được yêu thích nhất trong 50 năm qua, đặc biệt là sau cuộc bạo loạn tại Điện Capitol vào tháng 1-2021.

Tuy nhiên hiện tại mọi thứ đã thay đổi khi hơn một nửa số cử tri cho biết họ đánh giá cao những di sản mà ông để lại trong nhiệm kỳ đầu tiên.

Xuyên suốt toàn bộ chiến dịch vận động tranh cử, kinh tế được xem là mối quan tâm hàng đầu đối với các cử tri.

Mặc dù bà Harris đã thu hẹp khoảng cách về các vấn đề kinh tế trong giai đoạn cuối của chiến dịch,  ông Trump vẫn là ứng viên nhận được nhiều sự tin tưởng hơn trong lĩnh vực này, với lợi thế dẫn trước 6 điểm trong cuộc thăm dò cuối cùng của New York Times/Siena College.

Sau kinh tế, nhập cư và phá thai là chủ đề thu hút sự quan tâm lớn. Trong đó, nhập cư luôn được đánh giá là thế mạnh của ông Trump.

Chiến dịch vận động tranh cử của bà Harris từng cố phân tán sự chú ý và thuyết phục các cử tri rằng ông Trump thiếu nghiêm túc trong vấn đề này, bằng cách đề cập đến việc ông can thiệp vào dự luật nhập cư lưỡng đảng tại Thượng viện Mỹ.

Bà Harris cũng thể hiện lập trường cứng rắn hơn ở vấn đề nhập cư, tuy nhiên dường như các cử tri Mỹ vẫn dành sự tín nhiệm hơn đối với các đề xuất của ông Trump.

3 Ong Trump Gianh Chien Thang Nho Dau

Hai cử tri ôm chầm lấy nhau ăn mừng chiến thắng của ông Donald Trump tại bang Florida ngày 6-11 - Ảnh: REUTERS

Theo truyền thông Mỹ, điều quan trọng nhất trong các cuộc thăm dò là sự ghi nhận của cử tri Mỹ đối với thời gian ông Trump còn tại nhiệm.

Vào thời điểm 2020, ông Trump nhường vị trí người đứng đầu nước Mỹ lại cho ông Biden và hứng chịu những lời chỉ trích nặng nề. Tuy nhiên bốn năm sau, tỉ lệ ủng hộ ông Trump đã tăng lên đáng kể, theo Đài NBC.

Trên thực tế, người Mỹ thường có xu hướng đánh giá cao và nhìn nhận đúng những đóng góp của các vị cựu tổng thống theo thời gian. Tuy nhiên ông Trump - vị tổng thống Mỹ đầu tiên quay lại tái tranh cử trong hơn 100 năm qua - lại là trường hợp đặc biệt.

Không chỉ chưa bao giờ rời khỏi chính trường Mỹ mà ông còn hoạt động chính trị tích cực. Đối với người Mỹ, điều này mang một ý nghĩa nhất định trong việc định hình quan điểm của họ, đặc biệt là niềm tin rằng ông Trump chưa bao giờ rời bỏ nước Mỹ.

Thu hút cử tri da đen và Mỹ Latin

4 Ong Trump Gianh Chien Thang Nho Dau

Các cử tri cùng hướng về màn hình theo dõi diễn biến bầu cử Mỹ tại thành phố New York ngày 6-11 - Ảnh: REUTERS

Truyền thông Mỹ nhận định mặc dù ông Trump không giành được sự ủng hộ đa số từ các cử tri da đen và Mỹ Latin, nhưng ông đã đạt được một số kết quả nhất định trong việc thu hút thêm sự ủng hộ của nhóm này so với năm 2016 và 2020.

Ông Donald Trump và nhóm cố vấn đã nhắm đến các cử tri da đen và Mỹ Latin vốn có xu hướng đứng về phía Đảng Dân chủ, thông qua việc tận dụng lợi thế trong các cuộc khảo sát cho thấy bà Harris không thu hút sự ủng hộ mạnh mẽ của các cử tri này như ông Biden.

Bất chấp các phát ngôn gây tranh cãi của mình, có thể nói ông Trump đã xây dựng một tập hợp cử tri ủng hộ mình đa chủng tộc nhất so với các cựu tổng thống của Đảng Cộng hòa trong ít nhất 20 năm qua.

Chính những thành công này đã góp phần giúp ông chiến thắng tại 2/3 bang chiến trường ở Vành đai mặt trời là North Carolina và Georgia, đồng thời giành lợi thế tại Arizona - những bang có số lượng cử tri da đen và Mỹ Latin đông đảo, thu hẹp con đường chiến thắng của bà Harris, tính đến 16h30 ngày 6-11 (giờ Việt Nam).

Phá vỡ ‘bức tường xanh’ của Đảng Dân chủ

5 Ong Trump Gianh Chien Thang Nho Dau

Các cử tri ủng hộ ông Trump nín thở theo dõi kết quả tại bang Wisconsin ngày 6-11 - Ảnh: AFP

Tiếp đó, nếu như con đường chiến thắng của bà Harris phụ thuộc vào cả Michigan, Pennsylvania và Wisconsin thì ông Trump chỉ cần chiến thắng tại một trong ba bang này để trở thành chủ nhân tiếp theo của Nhà Trắng. 

Theo cập nhật của Đài Fox News, tính đến 16h30 ngày 6-11 (giờ Việt Nam), ông Trump đã giành thắng lợi tại Pennsylvania và Wisconsin, cũng như đang dẫn đầu tại Michigan. Đây là ba bang chiến trường từng nghiêng về Tổng thống Biden trong cuộc bầu cử 2020.

Về mặt đảng phái, Wisconsin là bang có khuynh hướng Cộng hòa mạnh mẽ nhất. Năm 2020, ông Biden đã thắng ở bang này với cách biệt chưa đến 1 điểm phần trăm, trong khi dẫn trước đáng kể hơn ở Pennsylvania và Michigan.

Pennsylvania cũng có xu hướng đảng phái không quá khác biệt so với Wisconsin, trong khi Michigan lại là bang có khuynh hướng Dân chủ mạnh mẽ nhất. Năm 2020, ông Biden dẫn trước ông Trump 3 điểm phần trăm tại bang này.

Tuy nhiên cộng đồng người Mỹ gốc Ả Rập đông đảo tại Michigan có thể là rào cản đối với bà Harris do sự bất đồng trong các chính sách tại Trung Đông.

Đáng chú ý, xu hướng bỏ phiếu của ba bang này gần như luôn tương đồng với nhau kể từ năm 1988. Cả ông Trump và ông Biden đều lần lượt giành chiến thắng ở Michigan, Pennsylvania và Wisconsin vào năm 2016 và 2020.

Việc ông Trump giành chiến thắng tại Michigan, Pennsylvania và Wisconsin vào năm 2016 đánh dấu lần đầu tiên các bang này đứng về phía một ứng viên tổng thống của Đảng Cộng hòa trong nhiều thập kỷ.

Chính việc phá vỡ “bức tường xanh” kiên cố của Đảng Dân chủ là chìa khóa giúp ông Trump chiến thắng vào thời điểm đó. Bốn năm sau, ông Biden đã "tu sửa bức tường xanh" để mở đường cho hành trình bốn năm tiếp theo tại Nhà Trắng của đương kim tổng thống Mỹ.

Đến chiến dịch vận động tranh cử năm 2024, ông Trump duy trì sự hiện diện thường xuyên ở ba tiểu bang trên. Cuối cùng, ông có khả năng giành chiến thắng ở cả bảy tiểu bang chiến trường và đạp đổ biểu tượng “bức tường xanh” của Đảng Dân chủ.

KHÁNH QUỲNH

Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online


© 2024 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC



 

Bài liên quan