Diễu binh hay phô trương vũ khí?
Thế giới ở thế kỷ 21 đang đối mặt với những thách thức toàn cầu như biến đổi khí hậu, phát triển trí tuệ nhân tạo, y học tiên tiến và khám phá không gian. Tuy nhiên, ở một góc khác của địa chính trị toàn cầu, vẫn có những quốc gia dường như bị mắc kẹt trong tư duy của thời kỳ Chiến tranh Lạnh.
Đó là Nga và Triều Tiên – hai “diễn viên kỳ cựu” trên sân khấu của màn trình diễn vũ khí hạt nhân.
Không giống các cường quốc hạt nhân khác như Mỹ, Anh, Pháp hay Trung Quốc – những nước thường chọn cách giữ năng lực răn đe một cách kín đáo, Nga và Triều Tiên lại liên tục đưa tên lửa đạn đạo ra giữa trung tâm thủ đô trong những cuộc duyệt binh rầm rộ. Việc phô trương tên lửa trên xe tải, đi kèm hàng nghìn binh lính đồng phục và màn đồng diễn quân sự, khiến người ta liên tưởng đến những buổi triển lãm… mô tô độ hơn là một thông điệp chiến lược.
Sân khấu hóa sức mạnh quân sự
Moscow và Bình Nhưỡng có vẻ cùng chung “gu” thẩm mỹ: mê sự hoành tráng hình thức, ưa thích những buổi lễ rập khuôn và xem việc kéo tên lửa dạo phố như một cách thể hiện quyền lực. Trong khi những quốc gia khác dùng lý luận, ngoại giao và công nghệ để xác lập vị thế, thì Nga và Triều Tiên chọn khói động cơ, tiếng gầm rú và hình ảnh tên lửa to hơn người để tìm kiếm sự chú ý.
Nếu Hollywood có loạt phim hành động “Fast & Furious”, thì tại đây, người ta đang theo dõi phiên bản "Nuclear & Ridiculous" – nơi mỗi phần đều có cảnh phô diễn vũ khí và đám đông được lập trình vỗ tay đều đặn. Đó là nơi khó phân biệt đâu là tên lửa thật, đâu là đạo cụ sân khấu.
Khoe vũ khí nhưng không thắng nổi đói nghèo
Điều trớ trêu là dù phô trương bao nhiêu vũ khí, cả Nga và Triều Tiên vẫn không thể xóa được đói nghèo trong nước, không thoát khỏi tình trạng cô lập quốc tế, và cũng không thể khôi phục uy tín đã phai mờ trong con mắt thế giới. Những cuộc duyệt binh ấy, thay vì tạo ra sự kính nể, chỉ khiến thế giới thêm lo ngại – không phải vì sức mạnh, mà vì sự thiếu lý trí trong cách hành xử.
Khi phần còn lại của thế giới đang tập trung dùng trí tuệ để giải quyết các thách thức chung, thì Nga và Triều Tiên lại tiếp tục tin rằng vũ khí hạt nhân là cách để giành lấy sự tôn trọng.
Nhưng trong một thế giới hiện đại, tư duy “kéo hàng nóng đi khoe” không còn là biểu tượng của sức mạnh, mà là biểu hiện của sự lạc hậu nguy hiểm.
Phạm Hương - © Báo TIN TỨC VIỆT ĐỨC
© 2025 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC