Nga muốn mở rộng "chiến dịch quân sự đặc biệt" từ Ukraina sang Moldova?

Nga muốn mở rộng "chiến dịch quân sự đặc biệt" từ Ukraina sang Moldova?

Vài tuần trước cuộc bầu cử tổng thống Nga, giới quan sát nghi nhận Matxcơva dường như muốn sử dụng lại chiêu bài như tại Ukraina để mở rộng khủng hoảng trong khu vực.

1 Nga Muon Mo Rong Chien Dich Quan Su Dac Biet Tu Ukraina Sang Moldova

Tổng thống Moldova Maia Sandu (P) và đồng nhiệm Ukraina Volodymyr Zelensky tại lâu đài Mimi ở Bulboaca, Moldova, ngày 01/06/2023. AP - Vadim Ghirda

Moldova đang phấn đấu gia nhập Liên Hiệp Châu Âu và đã được Bruxelles công nhận quy chế ứng viên. Về phía Transnistria, từ đầu thập niên 1990, vùng đất này tự tuyên bố độc lập sau một cuộc xung đột vũ trang với lực lượng của Moldova và đã được Matxcơva yểm trợ. Kể từ đó, 1.500 quân Nga hiện diện thường trực tại Transnistria.

Từ hơn 30 năm qua, quy chế của Transnistria là cái gai trong quan hệ giữa Moldova và với Liên Bang Nga. Cộng đồng quốc tế, kể cả Nga, chưa bao giờ công nhận Transnistria là một quốc gia.

Liệu rằng « cuộc xung đột âm ỉ » đó có nguy cơ bùng lên vào thời điểm này ? Chủ nhân điện Kremlin đang tính toán những gì ?

Trong cuộc họp hôm 28/02/2024, các dân biểu tại nước cộng hòa tự xưng Transnistria, một dải đất không có đường đi ra biển, đã chính thức cầu viện Matxcơva « bảo vệ » trước nguy cơ chính quyền Moldova tiến hành « một cuộc diệt chủng ». Ngay lập tức, phía Nga khẳng định « bảo vệ quyền lợi và các công dân Transnistria là một ưu tiên ».

Chính quyền Chisinau xem đây là một đòn « tuyên truyền » của Nga trước bầu cử tổng thống. Nhưng giới quan sát lo ngại, sau khi chiếm được gần 20% lãnh thổ Ukraina, tham vọng quân sự của ông Putin giờ đây mở rộng đến Moldova. Matxcơva có thể muốn « bổn cũ soạn lại ». Trước khi xâm chiếm Ukraina năm 2022, Vladimir Putin từng viện cớ « bảo vệ cộng đồng người Ukraina nói tiếng Nga » ở các khu vực miền đông Ukraina để mở « chiến dịch quân sự đặc biệt». Hai năm sau, để củng cố quyền lực trước cuộc bầu cử tổng thống vào giữa tháng 03/2024, điện Kremlin phải chăng lại viện cớ « bảo vệ quyền lợi của cộng đồng nói tiếng Nga ở Transnistria » để đưa quân xâm chiếm Moldova, sáp nhập lãnh thổ này với phần lãnh thổ đã chiếm được của Ukraina, mở ra Hắc Hải ?

Giống như Ukraina, Moldova cũng là một quốc gia từng thuộc Liên Xô cũ. Chính quyền Chisinau chủ trương đi theo mô hình dân chủ của Tây Âu, nhưng về quân sự hiện chưa được phương Tây yểm trợ mạnh mẽ. Do vậy, một số nhà quan sát cho rằng, có thể Matxcơva muốn « một công đôi việc » khi khuấy động tình hình ở vùng Transnistria. Một là tạo nên một vùng căng thẳng mới ở sườn tây nam Ukraina, cách không xa hải cảng Odessa, và hai là làm suy yếu thêm Moldova, một quốc gia nhỏ bé với chưa đầy 33 triệu dân, trên một diện tích chỉ hơn 33.000 cây số vuông.

Ngoài ra cũng rất có thể là Nga muốn lợi dụng thời cơ vì biết rằng có « động đến Transnistria thì Moldova hoàn toàn không có khả năng chống lại và phương Tây thì cũng sẽ không có bất kỳ một công cụ nào để can thiệp cứu Chisinau ». Trường hợp của bán đảo Crimée hồi 2014 đã chứng minh điều đó.

Trong bài toán này, có nhiều yếu tố thuận lợi cho điện Kremlin : Chính trường Mỹ hoàn toàn tê liệt khiến Washington không thể xuất kho dù chỉ một xu hay một viên đạn giúp Ukraina. Còn Liên Hiệp Châu Âu thì từ hai năm qua đã mạnh mẽ tuyên bố ủng hộ Kiev, nhưng cũng đã có nhiều rạn nứt trong hàng ngũ 27 thành viên, mà điển hình là những chống đối kịch liệt trong Liên Âu sau khi tổng thống Pháp nêu lên khả năng đưa quân sang Ukraina.

Đành rằng về thực chất, Transnistria không có tài nguyên hay bất kỳ lợi thế kinh tế hay địa chiến lược nào khác đáng để Matxcơva quan tâm, nhưng vùng lãnh thổ này có thể là một công cụ khi ông Putin cần khuấy động tình hình, gây bất ổn cho một quốc gia cũng rất nhỏ bé đang muốn tiến gần về phía phương Tây.

Theo: RFI


© 2024 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC



 

Bài liên quan