Quân đội Azerbaijan tập huấn trong giai đoạn xung đột quân sự giữa Baku và vùng ly khai Nagorno-Karabakh diễn ra hồi cuối năm 2020 - Ảnh: REUTERS
Theo Hãng tin Reuters ngày 19-9, Azerbaijan vừa phát động "những hoạt động chống khủng bố" nhắm vào vùng ly khai Nagorno - Karabakh.
Nhiều tiếng nổ lớn đã được ghi nhận trong các đoạn video trên mạng xã hội, được quay tại thủ phủ Stepanakert của vùng này.
Trong thông cáo cùng ngày, Bộ Quốc phòng Azerbaijan cho biết cuộc tấn công này hướng đến việc "giải giáp và đảm bảo việc các lực lượng vũ trang Armenia sẽ rút ra khỏi lãnh thổ của chúng tôi, cũng như vô hiệu hóa các hạ tầng quân sự của họ".
Bộ này khẳng định chỉ nhắm vào các mục tiêu quân sự chính đáng bằng "khí tài có độ chính xác cao", chứ không nhắm vào người dân. Baku cũng cho biết đây là động thái nhằm "phục hồi trật tự hiến định của Cộng hòa Azerbaijan".
Bên cạnh đó, người dân cũng được phép tự do rời Nagorno - Karabakh thông qua những hành lang nhân đạo đã được chính quyền Azerbaijan dựng lên. Trong số đó, có một tuyến đường dẫn đến Armenia.
Ông Gegham Stepanyan, quan chức phụ trách quyền con người của chính quyền ly khai Nagorno - Karabakh, khẳng định cuộc tấn công đã để lại "nhiều thương vong" với dân thường.
Armenia yêu cầu Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc và lực lượng gìn giữ hòa bình Nga đang đóng tại Nagorno-Karabakh buộc Azerbaijan dừng các hoạt động quân sự tại đây.
Về phần Matxcơva, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova kêu gọi cả hai bên tham chiến ngừng đổ máu ngay lập tức.
Trong khi đó, ông Josep Borrell, đại diện cấp cao Liên minh châu Âu (EU) về chính sách đối ngoại và an ninh, khẳng định EU "lên án việc leo thang quân sự".
"Sự leo thang quân sự này không nên được sử dụng làm cớ buộc người dân địa phương di cư", ông Borrell chia sẻ.
Nagorno - Karabakh - vùng đất ly khai khỏi Azerbaijan suốt 30 năm
Nagorno - Karabakh được quốc tế công nhận là lãnh thổ của Azerbaijan. Tuy nhiên tuyệt đại đa số dân cư ở đây lại là người sắc tộc Armenia.
Trong những năm 1990, Nagorno - Karabakh tuyên bố ly khai và thành lập nhà nước Cộng hòa Artsakh, dựa theo cách gọi vùng đất này trong tiếng Armenia.
Năm 2020, Azerbaijan mở chiến dịch quân sự và giành quyền kiểm soát một số khu vực tại vùng này. Thế nhưng người sắc tộc Armenia vẫn nắm giữ nhiều vùng đất quan trọng, trong đó có thủ phủ Stepanakert.
Tháng 10 cùng năm, một thỏa thuận ngừng bắn do Nga làm trung gian đã được hai bên ký kết và được duy trì nhờ lực lượng gìn giữ hòa bình của Nga.
Đến nay, thỏa thuận trên thường xuyên ở trong tình trạng mong manh khi căng thẳng giữa hai bên còn ở mức cao.
Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online
© 2024 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC