Cái Tết đáng nhớ của những người xa xứ

Cái Tết đáng nhớ của những người xa xứ

Chỉ sau Noel và Tết Tây, Tết Nguyên đán với những người Việt xa xứ tại Đức bỗng ập đến rất nhanh và nỗi nhớ quê nhà, người thân lại ùa về…

1 Cai Tet Dang Nho Cua Nhung Nguoi Xa Xu

Cùng nhau quây quần thưởng thức các món ăn ngon, cứ tấm tắc xuýt xoa khen. Chúc nhau năm mới chân cứng đá mềm, đủ sức khỏe và bình an để vượt qua bao khó khăn nơi đất khách.

Mùa đông châu Âu dường như khắc nghiệt hơn. Những bông tuyết phủ kín từng nóc nhà, hàng cây, trong miên man một màu trắng lạnh. Cái rét tê tái như càng thấm sâu hơn vào tâm hồn mỗi người con xa xứ, khi ở quê hương mùa xuân ấm áp yêu thương đang đến gõ cửa từng nhà.

Nói dối để mẹ an lòng

Gần 200.000 kiều bào học tập và sinh sống rải rác trên khắp nước Đức. Nơi thành phố lớn, tập trung nhiều người Việt, chợ Việt, hàng hóa phong phú như Berlin, Erfurt, Leipzig…

Tết đến, các hội đoàn thường tổ chức cho bà con gặp mặt giao lưu, cùng nhau đón năm mới. Nhưng vẫn có nhiều người ở vùng hẻo lánh, xa chợ châu Á, ít người Việt sinh sống. Công việc tất bật cuốn đi. Tết, chỉ còn là nỗi nhớ trong tâm tưởng, trong mơ ước được hòa mình vào không khí đoàn viên bên gia đình yêu dấu.

2 Cai Tet Dang Nho Cua Nhung Nguoi Xa Xu

Trang trí đơn giản mừng ngày Tết Nguyên đán của một gia đình gốc Việt ở Đức

Tôi có anh bạn làm nghề bán quần áo rong ở Baden-Württemberg. Hàng ngày anh phải chạy xe hơn 10 0km để đến địa điểm bán hàng. Công việc vất vả, ngốn rất nhiều thời gian.

Anh kể, 20 năm xa xứ, anh về thăm nhà tất cả 5 lần, đều không rơi vào dịp Tết. Nhiều khi thời khắc giao thừa đến, là lúc anh đang đứng sắp hàng cho khách (do múi giờ ở Đức chậm hơn Việt nam 6 tiếng và ngày 30 Tết ít khi rơi vào chủ nhật).

Tuyết rơi dầy dưới chân, bàn tay xước đỏ, nhét cả đống quần áo trên người anh vẫn thấy run. Run vì lạnh, vì đói. Run vì cảm nhận giây phút linh thiêng đón mùa xuân mới trên quê hương đang cận kề. Lồng ngực như thắt lại và nỗi nhớ len lỏi tìm về. Bóng dáng mẹ già giờ lay lắt như chuối chín cây.

Ngày gió đổi mùa, những khớp xương càng đau nhức nhối. Đôi mắt mờ đục, vò võ ngóng trông. Bữa cơm cuối năm mẹ cứ thấp thỏm hỏi. Chẳng biết con trai bên Tây đón Tết như nào, có bánh chưng xôi gấc không, hay vẫn phải nai lưng xếp hàng cho khách?

Chỉ khi anh xong việc, gọi điện về chúc Tết, nói với mẹ. Tết con có đủ cả, mẹ mới an lòng. Đấy là anh nói dối. Trên quãng đường hơn 100 km trở về ngôi làng nhỏ của mình.

Vừa lái xe, anh vừa trệu chạo nhai chiếc bánh mỳ cho khỏi đói. Chiếc bánh như một món ăn từ nơi xa đón chào năm mới, thay thế cho tất cả những món ngon ngày Tết anh tưởng tượng ra. Để sớm mai thức dậy, đối mặt với ngày dài tất bật. Bỗng quên mất tối qua mình cũng đón giao thừa.

Món ăn tượng trưng mà ấm lòng

Linh và Hoa, hai cô gái trẻ sang Đức học nghề điều dưỡng viên. Nơi các cô ở rất hẻo lánh. Chỉ có một siêu thị Đức, một cửa hàng thịt và hai tiệm bánh mì.

Trạm xe buýt cả tiếng mới có chuyến đón đưa. Hồi ở Việt Nam, Tết với các cô cũng không ấn tượng, vì đâu thiếu thứ gì. Năm đầu tiên đón Tết nơi xa, nhớ nhà quay quắt.

Ngày trước cứ chê ăn Tết ngán lắm. Sang đây, ở nơi không có chợ châu Á, phải tập ăn đồ Tây. Chuẩn bị xong hai đĩa mỳ Spaghetti mà ngồi nhìn nhau, nước mắt ngân ngấn chực rơi, nuốt miếng mỳ ứ nghẹn. Năm sau, bà dì sống ở Berlin gửi đến cho cặp bánh chưng, vội chụp ảnh đăng FB khoe với bạn bè ngay “Năm nay bọn mình có Tết”.

Chỉ đơn giản vậy thôi, đâu mâm cao cỗ đầy. Một món ăn tượng trưng thôi mà đủ ấm lòng.

Hồi tôi chân ướt chân ráo sang Đức, bạn bè chẳng có ai. Tối 30 chồng tôi phải đi làm đến khuya, chỉ còn mình tôi với bốn bức tường câm lặng. Nỗi nhớ gia đình, nhớ quê hương cứ cuộn lên trong tâm trí.

Không bánh chưng, không đào, không quất. Thắp nén hương lên bàn thờ, chỉ có vài thứ quả và đĩa xôi đậu xanh tôi thổi vội. Lặng lẽ ăn, lặng lẽ khóc…

Những kỷ niệm sum vầy bên gia đình thân yêu trong ngày Tết cứ miên man khao khát dội về.

Đón xuân theo cách riêng

Cho đến khi tôi chuyển đến sinh sống tại một thành phố nhỏ ở Hessen. Lần đầu tiên tôi được tham gia đón Tết do hội người Việt ở đây tổ chức. Sân khấu trang trí nổi bật dòng chữ lấp lánh "Chúc mừng năm mới", bên cạnh cây đào giấy đỏ hồng. Mang đến một không khí xuân thật tươi vui, ấm áp.

Những bài hát về Tết vang lên khiến lòng người nao nao, chộn rộn. Mỗi gia đình đóng góp một chút, nên mâm cỗ giao thừa rất phong phú. Tiếng sâm banh nổ vang. Tiếng mời nâng ly chúc tụng, kéo mọi người gần gụi với nhau hơn. Trẻ con hớn hở được phát lì xì. Ai cũng rạng rỡ hân hoan như đang đón Tết ở quê nhà. Nhưng chỉ hai năm sau không rõ lý do gì, hội ngừng hoạt động. Chúng tôi lại tự đón xuân theo cách của riêng mình.

Thường thì vài chị em sống gần nhau sẽ lên kế hoạch tổ chức ở nhà ai đó.

Thành phố nhỏ, muốn đặt đồ ăn Tết thật khó. Chúng tôi phải tự học trên mạng rồi dạy nhau cách làm. Ai cũng bận bịu, nhưng vẫn tranh thủ phụ trách một món sở trường. Vất vả nhất là mấy anh chồng đi bắt gà tươi.

Do siêu thị Đức chỉ bán loại gà non và gà già, không hợp để ăn Tết. Gọi điện năn nỉ mãi, chủ trang trại mới đồng ý bán cho mấy con gà chạy rông đang kỳ mới đẻ. Mua về kín đáo lôi vào bồn tắm cắt tiết vặt lông, không cho hàng xóm biết. Món gà luộc, da vàng óng ngọt mềm, nước dùng sóng sánh để nấu món mộc, món miến măng, thêm món bóng xào thập cẩm lòng gà tươi, ai ai cũng thích.

Bánh chưng không có lá dong, chúng tôi gói bằng khuôn với lá chuối, luộc nồi áp suất cho nhanh. Trẻ con cũng háo hức đòi tập gói cùng bố mẹ. Nhìn những chiếc bánh được vớt ra, nóng hôi hổi. Chợt nhớ hình ảnh hàng bánh xếp ngay ngắn của bố năm nào. Thấy hương Tết xôn xao, dập dìu.

Muốn có món thịt đông, món giò xào giòn sần sật, phải tìm đến siêu thị người Nga đặt mua chân giò, tai, lưỡi lợn.

Riêng giò lụa rất kì công, vì không có thịt tươi rói nóng hổi đem giã như ở nhà. Nhưng chẳng hề gì. Thịt đã xay sẵn ướp chút mắm cho thơm, chia nhỏ từng phần rồi cho tủ đá. Lúc bỏ ra xay lại, luôn để ý thịt phải lạnh tay, xay đến khi quết dẻo, mịn màng là đạt. Cây giò lụa tự làm, cắt ra có màu hồng đào, vừa rỗ vừa giai, thơm sực mùi lá chuối, hơn hẳn giò đông đá trong siêu thị.

3 Cai Tet Dang Nho Cua Nhung Nguoi Xa Xu

Cây giò lụa tự làm, cắt ra có màu hồng đào, vừa rỗ vừa giai, thơm sực mùi lá chuối, hơn hẳn giò đông đá trong siêu thị.

Tối giao thừa, gió hun hút lạnh. Trong căn nhà sáng bừng ánh điện ấm áp, mâm ngũ quả đủ sắc màu, cành bích đào nụ vẫn còn e ấp bên ấm trà xanh.  Bỏ hết những vất vả thường nhật sang một bên. Mọi người ai cũng đẹp, cũng xinh. Cùng nhau quây quần thưởng thức các món ăn ngon, cứ tấm tắc xuýt xoa khen. Chúc nhau năm mới chân cứng đá mềm, đủ sức khỏe và bình an để vượt qua bao khó khăn nơi đất khách.

Kể cho nhau nghe về những kỷ niệm đón Tết ở quê nhà, về gia đình mẹ cha, mà nghe ấm áp, rưng rưng ngập tràn... Có những người xa xứ đón Tết như vậy.

Trần Thủy (từ Đức)

Theo Người Lao Động


© 2024 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC



 

Bài liên quan