Thủ tục kết hôn với người Đức

Đáng buồn là Việt Nam bị liệt vào một trong những nước mà các loại giấy tờ chứng nhận thiếu độ tin cậy cao, bởi vậy mà phía Đức luôn yêu cầu việc thẩm tra tính xác thực của giấy tờ, dù là khi bạn muốn đi học hay kết hôn.

Thủ tục làm đăng ký kết hôn với người Đức tại Đức không phải là quá phức tạp, nhưng vì thủ tục thẩm tra trên mà thời gian có thể kéo dài từ 8 tháng cho tới hẳn một năm trời. Thành ra nếu bạn nào có ý định cưới liền tay thì rất nên tìm hiểu thủ tục trước ngày cưới càng sớm càng tốt.

Tùy theo từng thành phố, hoàn cảnh mà thủ tục có thể khác nhau ít nhiều. Trường hợp của mình là cả hai hiện đang cư trú tại Đức nhé. Tốt nhất là bạn nên tới phòng Hộ tịch (Standesamt) tại thành phố mà bạn đang sống để được hướng dẫn chi tiết. Bạn phải đến đó trực tiếp vì ngay cả trên trang web chính của thành phố cũng không có thông tin cụ thể gì cả. Cũng phải thôi vì mỗi cặp quốc tịch khác nhau lại phải tuân theo những bước khác nhau. Trong bài viết này, mình chỉ xin chia sẻ một số kinh nghiệm trong trường hợp cá nhân của mình mà thôi.

Thủ tục kết hôn với người Đức - 0

Mình bắt tay vào việc chuẩn bị hồ sơ giấy tờ từ khoảng tháng 11 năm 2015 thì mãi tới tháng 6 năm 2016 mới nhận được quyết định cho phép kết hôn của Tòa án. Trình tự bao gồm các bước như sau: dịch công chứng giấy khai sinh, thẩm tra tính xác thực của giấy khai sinh, xin giấy chứng nhận độc thân, xin giấy chứng nhận đủ năng lực kết hôn, thẩm tra của tòa án Oberlandesgericht.

Bước 1 (1 tuần tới 1 tháng):  Dịch công chứng giấy Khai sinh và nộp cho phòng Hộ tịch thành phố (Standesamt), cùng với Giấy Ủy quyền và bản photo Hộ chiếu, bản photo Sổ Hộ khẩu (nếu được yêu cầu) và phí thẩm tra.

Giấy Khai sinh cần được dịch công chứng (beglaubigte Übersetzung) bởi biên dịch viên đã tuyên thệ trước Tòa án và có con dấu công chứng (bạn có thể tìm trên Google, sử dụng từ khóa Beeidigter Urkundenübersetzer für Vietnamesisch). Chi phí dịch phụ thuộc vào số lượng từ mà dao động từ 15€ đến 25€. Sau khi dịch công chứng xong, bạn nộp cả bản gốc lẫn bản dịch công chứng giấy Khai sinh, Giấy Ủy quyền, bản photo Hộ chiếu, bản photo Sổ Hộ Khẩu (nếu cần thiết) và phí thẩm tra cho phòng Hộ tịch thành phố. Lưu ý là Giấy Ủy quyền (Anwaltsvollmacht) phải được điền đầy đủ và ký trực tiếp dưới sự làm chứng của cán bộ tại phòng Hộ tịch. Giấy này dùng để ủy quyền cho Đại sứ quán Đức tại Việt Nam chỉ định luật sư đại diện trong việc thẩm tra giấy tờ của bạn. Phí thẩm tra có thể dao động lên xuống giữa 250€ tới 300€. Phòng Hộ tịch sẽ chuyển những giấy tờ và phí này về cho Đại sứ quán Đức tại Việt Nam.

Kinh nghiệm xương máu của mình: trong trường hợp bạn để giấy khai sinh gốc ở Việt Nam thì nên nhắn người nhà gửi sang càng sớm càng tốt. Bố mẹ mình gửi chuyển phát nhanh cho mình sử dụng dịch vụ EMS của bưu điện mà ba tuần không thấy đâu. Bưu điện báo thất lạc làm bố mẹ mình phải lục đục về quê xin cấp lại giấy khai sinh cho mình và gửi lại lần nữa, sử dụng dịch vụ của DHL. Kết quả là mọi việc bị trì hoãn lại cả tháng so với dự kiến của mình.

Bước 2 (khoảng 4-6 tháng): Đại sứ quán Đức tại Việt Nam chỉ định luật sư đại diện đi thẩm tra giấy tờ cho bạn.

Tới bước này thì bạn chẳng cần phải làm gì nữa, chỉ phải chờ đợi thôi. Việc thẩm tra kéo dài là do Đại sứ quán thường gom nhiều trường hợp thẩm tra lại để giải quyết luôn một thể, thay vì xử lý lẻ tẻ. Luật sư tới nhà mình không hẹn trước và phỏng vấn mẹ mình về những nội dung có trong giấy Khai sinh, cũng như Sổ Hộ khẩu. Nghe nói, anh ấy cũng đi thẩm tra thêm thông tin trên phường và hàng xóm nhà mình nữa. Nếu mọi việc suôn sẻ, bạn sẽ nhận được kết quả là mọi thông tin trên giấy Khai sinh đã được xác nhận là trung thực, chính xác và có thể tiến hành các bước tiếp theo.

Bước 3 (khoảng vài ngày tới 1 tháng): Xin giấy Chứng nhận đủ điều kiện kết hôn (Ehefähigkeitszeugnis)

Bạn xin giấy này tại Đại sứ quán Việt Nam ở Berlin hoặc Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Frankfurt. Để xin được giấy này, bạn sẽ cần nộp tờ khai, Giấy Khai sinh (bản chính hoặc bản sao có chứng thực), hộ chiếu còn giá trị, giấy phép lưu trú (Aufenthaltstitel), chứng nhận đăng ký của Đức (Melde-/Aufenthaltsbescheinigung) cấp chưa quá 6 tháng, trong đó ghi rõ về tình trạng hôn nhân và giấy chứng nhận tình trạng hôn nhân cấp chưa quá 6 tháng của UBND xã, phường nơi cư trú cuối cùng trước khi xuất cảnh (nếu vào thời điểm xuất cảnh đã đủ tuổi kết hôn).  Chi tiết bạn xem thêm Hướng dẫn Thủ tục xin cấp giấy Chứng nhận đủ điều kiện kết hôn trên trang chủ của Tổng lãnh sự quán hoặc Đại sứ quán.

Kinh nghiệm xương máu của mình: việc xin giấy này diễn ra rất nhanh, chậm nhất là 3 ngày đã được giải quyết. Tuy nhiên mình để khoảng thời gian tới 1 tháng là do bạn cần có giấy chứng nhận tình trạng hôn nhân cấp chưa quá 6 tháng của UBND xã, phường nơi bạn có hộ khẩu tại Việt Nam. Mẹ mình nói là quy định bây giờ rất chặt chẽ, bạn phải trực tiếp tới đó mới xin được giấy này chứ không ai đi hộ được. Hồi đó mình đã phải thu xếp bay về Việt Nam để lấy giấy này.

Một lưu ý nữa là giấy Chứng nhận đủ điều kiện kết hôn cũng chỉ có thời hạn 6 tháng kể từ ngày cấp, do vậy bạn không nên tận dụng khoảng thời gian chờ ở bước 2 mà lanh chanh đi làm bước 3 trước, phòng khi việc thẩm tra có thể kéo dài lâu hơn.

Bước 4 (khoảng vài ngày): Gửi toàn bộ hồ sơ lên phòng Hộ tịch để chuyển qua Tòa án Oberlandesgericht

Ngoài giấy Khai sinh đã được thẩm tra tính xác thực, bạn nộp tiếp các giấy tờ sau cho phòng Hộ tịch: Bản sao công chứng đăng ký khai sinh của nửa kia người Đức của bạn (Beglaubigte Abschrift aus dem Geburtenregister), Hộ chiếu của bạn, Giấy ID của nửa kia (Personalausweis), chứng nhận đăng ký của Đức (Melde-/Aufenthaltsbescheinigung) không quá 8 ngày, bảng thu nhập của bạn, giấy Chứng nhận đủ điều kiện kết hôn. Trường hợp bạn làm thủ tục tại nơi khai sinh của nửa kia thì bạn ấy sẽ không phải nộp bản sao công chứng đăng ký khai sinh nữa. Phòng Hộ tịch sẽ tiếp nhận hồ sơ, xem xét và chuyển tiếp lên Tòa án Oberlandesgericht tại khu vực.

Bước 5 (khoảng 1-2 tháng): Oberlandesgericht xem xét, kiểm tra hồ sơ và đưa ra quyết định

Sau khi kiểm tra hồ sơ của hai bạn chán chê thì Oberlandesgericht sẽ quyết định cho phép bạn được kết hôn và chuyển quyết định này trực tiếp về cho phòng Hộ tịch. Bấy giờ, phòng Hộ tịch sẽ gọi và giúp bạn chọn ngày làm đăng ký kết hôn cũng như hướng dẫn các nội dung liên quan tới lễ đăng ký kết hôn. Nếu bạn mong muốn đăng ký kết hôn vào mùa hè và vào cuối tuần để bạn bè, người thân tới dự thì sẽ không dễ gì chọn được ngày ngay mà phải chờ ít lâu đấy.

Bước 6: Đăng ký kết hôn

Cán bộ tại phòng Hộ tịch sẽ đứng ra làm chủ tọa cử hành lễ đăng ký kết hôn cho bạn. Lễ này thường được diễn ra ở một căn phòng sang trọng tại Tòa thị chính hay một địa điểm đặc biệt khác ở nơi bạn sinh sống. Bạn được phép mời một số người thân, bạn bè tới tham dự. Chủ tọa sẽ đọc một số nội dung, đôi khi cả thơ văn về việc kết hôn và đề nghị bạn, nửa kia của bạn cùng phù dâu, phù rể (nếu có) lên ký. Mọi việc diễn ra trong vòng 20-30 phút là bạn sẽ nhận được Giấy đăng ký kết hôn, và có thể cả Stammbuch cho gia đình nhỏ của bạn nữa.

Mọi việc lằng nhằng, rắc rối vậy đó, bạn có còn muốn cưới nữa không?


© 2024 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC



 

Bài liên quan