Dịch vụ mò điện thoại dưới đáy Tây Hồ

Dịch vụ mò điện thoại dưới đáy Tây Hồ

Trung Quốc Hoàng nói rằng anh đã kiếm 1.500 USD một ngày trong dịp lễ nhờ giúp du khách tìm đồ đánh rơi xuống hồ ở Chiết Giang, nhưng công việc bị chỉ trích là nguy hiểm và tính phí quá đắt.

Hồ Tây nổi tiếng gần thành phố Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang, đã đón ba triệu du khách trong dịp nghỉ lễ đầu tháng 5 kéo dài 5 ngày, khi ngành du lịch nội địa của Trung Quốc bùng nổ hậu đại dịch Covid-19.

Lượng khách tăng cao đi kèm tình trạng du khách đánh rơi đồ xuống hồ. Người đàn ông họ Hoàng, 40 tuổi, và một số dân địa phương khác cung cấp dịch vụ lặn tìm đồ cho du khách.

Hoàng nói rằng anh kiếm được khoảng 10.000 nhân dân tệ (1.500 USD) một ngày trong dịp nghỉ lễ. Hầu hết đồ vật anh lặn tìm cho khách là điện thoại di động.

1 Dich Vu Mo Dien Thoai Duoi Day Tay Ho

Hồ Tây ở Chiết Giang, Trung Quốc. Ảnh: CGTN

Theo Hoàng, đây là công việc mạo hiểm, đòi hỏi kỹ năng và đầu tư đáng kể vào trang thiết bị, nên mức phí đưa ra là thỏa đáng. Hồ Tây ở Chiết Giang có độ sâu trung bình 2,3 mét, điểm sâu nhất là 5 mét. Khu vực gần bờ hồ thường sâu hơn 1 mét.

"Nếu lấy được đồ bị mất trong vòng 20 phút, tôi sẽ tính phí 220 USD. Đối với các khu vực khó tiếp cận hơn hoặc quy trình phức tạp, tôi tính 260-290 USD. Nếu thất bại, khách vẫn phải trả tiền công 100 USD", anh nói, cho biết tỷ lệ thành công là 90%.

2 Dich Vu Mo Dien Thoai Duoi Day Tay Ho

Hoàng chuẩn bị đồ lặn tìm điện thoại cho khách dưới lòng hồ Tây, Chiết Giang. Ảnh: SCMP

Hoàng nhận khoảng 2-3 yêu cầu lặn tìm đồ trong những ngày thường. Con số này tăng gấp đôi trong giai đoạn cao điểm du lịch. Hoàng nói rằng anh kiếm trung bình 4.400 USD mỗi tháng.

Video về Hoàng thu hút 56 triệu lượt xem trên mạng xã hội Trung Quốc Weibo, tạo ra một cuộc tranh luận sôi nổi. Một số người nói anh tính phí đắt, số khác cho rằng không có vấn đề gì khi "thuận mua, vừa bán".

"Tôi cảm thấy lo lắng cho sự an toàn của anh ấy. Hồ nhiều bùn, nhiều cỏ dại, tầm nhìn kém khiến việc lặn rất nguy hiểm", một người dùng Weibo bình luận.

"Tôi thật sự không nói nên lời khi anh ấy tính phí 100 USD ngay cả khi không lấy lại được món đồ. Quá đắt", một người khác viết.

Văn phòng Quản lý Hồ Tây ở Chiết Giang ngày 3/5 cho biết Hoàng không phải nhân viên của hồ mà là dịch vụ tự phát. Du khách có thể sử dụng gậy dài có sẵn để tìm đồ bị mất, nhân viên cũng có thể hỗ trợ miễn phí và đã giúp 30 người lấy lại điện thoại trong dịp lễ gần đây.

Đức Trung (Theo SCMP)

Nguồn: VNEXPRESS.NET


© 2024 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC



 

Bài liên quan