Ông Lê Hồng Minh rời ghế Chủ tịch VNG

Ông Lê Hồng Minh rời ghế Chủ tịch VNG

Nguồn tin của Bloomberg tiết lộ VNG được định giá ở mức 2,2 tỷ USD đến 2,5 tỷ USD khoảng một năm trước. Ngoài ra, công ty cũng được các nhà đầu tư giàu có hậu thuẫn như Tencent (Trung Quốc), GIC và Temasek.

Sau khi lên UPCoM, VNG thông báo thay đổi Chủ tịch Hội đồng quản trị từ ông Lê Hồng Minh sang ông Võ Sỹ Nhân.

Quyết định này vừa được VNG công bố hôm qua (10/1), dù có hiệu lực từ 1/1/2023. Như vậy, ông Lê Hồng Minh chỉ còn giữ chức tổng giám đốc thay vì kiêm nhiệm như trước.

Ông Lê Hồng Minh là nhà sáng lập, giữ chức Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc VNG từ năm 2004. Ông cũng là một trong những cổ đông lớn nhất của doanh nghiệp này, với sở hữu cá nhân gần 10% và đại diện gần 8% cổ phần.

Ông Võ Sỹ Nhân là một trong bốn thành viên độc lập được bầu bổ sung vào Hội đồng quản trị VNG tại phiên họp bất thường năm trước. Theo bản công bố thông tin khi đó (ngày 29/12/2022), ông Nhân là Giám đốc điều hành Empire City, đồng sáng lập GAW NP Capital, đồng thời là Phó chủ tịch Công ty Tiến Phước.

1 Ong Le Hong Minh Roi Ghe Chu Tich Vng

Ông Lê Hồng Minh, Tổng giám đốc VNG. Ảnh: WEF

Cũng trong ngày 10/1, Hội đồng quản trị VNG đã thông qua về phương án bán toàn bộ hơn 7,1 triệu cổ phiếu quỹ cho Công ty cổ phần Công nghệ BigV, với mức giá gần 178.000 đồng mỗi cổ phần. Giá trị đợt chào bán là hơn 1.260 tỷ đồng, dự kiến được dùng làm chi phí bản quyền phần mềm trò chơi và chi phí tiếp thị.

Trước giao dịch, BigV là cổ đông sở hữu 4,6% vốn của VNG. Nếu mua lại toàn bộ lượng cổ phiếu quỹ, công ty sẽ trở thành cổ đông lớn thứ hai với sở hữu 24,4%.

Tuy nhiên, mức định giá của VNG khi lên sàn UPCoM ngày 5/1 vừa qua với giá tham chiếu 240.000 đồng/cổ phiếu (tương đương với giá trị vốn hóa gần 6.900 tỷ đồng) lại thấp hơn nhiều so với mức định giá trước đó. Đến nay là phiên thứ 5 kể từ khi VNZ chào sàn UPCoM nhưng vẫn chưa có giao dịch nào diễn ra.

VNG được thành lập vào năm 2004, tên ban đầu là Công ty cổ phần Trò chơi Vi Na (Vinagame), vốn điều lệ 15 tỷ đồng. Qua 16 lần tăng vốn, quy mô vốn của VNG hiện tại đạt hơn 358 tỷ đồng.

Cổ phiếu của VNG bắt đầu giao dịch trên UPCoM từ đầu năm nay, với mức giá tham chiếu phiên đầu tiên là 240.000 đồng, tương ứng định giá hơn 360 triệu USD. Tuy nhiên, sau 5 phiên giao dịch, không một cổ phiếu nào của VNG được khớp lệnh do không có cổ đông nào bán ra.

Hoạt động kinh doanh chính của VNG gồm trò chơi trực tuyến, nền tảng kết nối, thanh toán và tài chính, dịch vụ đám mây. Công ty cũng hoạt động tại Hong Kong, Thái Lan, Singapore, Phillipines, Myanmar, Đài Loan, Indonesia.

Mảng hoạt động mang lại nhiều doanh thu nhất cho VNG là dịch vụ trò chơi trực tuyến, chiếm khoảng 70-80% tổng doanh thu những năm gần đây.

9 tháng đầu năm 2022, doanh nghiệp này đạt doanh thu hơn 5.760 tỷ đồng, trong đó riêng dịch vụ trò chơi trực tuyến đóng góp hơn 4.000 tỷ, tương ứng tỷ trọng hơn 70%. Mảng quảng cáo trực tuyến đứng thứ hai về quy mô, đem về cho VNG hơn 930 tỷ đồng, còn lại là dịch vụ thanh toán, tài chính dịch vụ đám mây, bản quyền nhạc và các dịch vụ khác.

Tuy nhiên, VNG liên tục báo lỗ từ năm 2021, bởi khoản lỗ tại các công ty liên kết, công ty con, chủ yếu là Zion và Tiki. 9 tháng đầu năm 2022, công ty này cũng lỗ hơn 764 tỷ đồng.

Minh Sơn

Nguồn: VNEXPRESS.NET


© 2024 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC



 

Bài liên quan