Làn sóng cấm TikTok lan rộng

Làn sóng cấm TikTok lan rộng

Các nước phương Tây và đồng minh của họ liên tục nối gót nhau công bố lệnh cấm nhằm vào TikTok. Tại Trung Quốc, có người coi đây là "phân biệt đối xử", nhưng cũng có người xem đó chỉ là chuyện bình thường.

1 Lan Song Cam Tiktok Lan Rong

Ảnh minh họa của Hãng tin AFP cho thấy logo của TikTok hiển thị trên màn hình điện thoại iPhone phía trước cờ Mỹ và Trung Quốc - Ảnh: AFP

Hôm 17-3, New Zealand trở thành quốc gia mới nhất có động thái ngăn chặn TikTok. Theo đó, nước này thông báo cấm TikTok trên tất cả các thiết bị kết nối với Quốc hội từ ngày 31-3 vì những rủi ro "không thể chấp nhận được trong môi trường Quốc hội New Zealand hiện tại".

Con ngựa thành Troy

TikTok - với hơn 1 tỉ người dùng toàn cầu, thuộc sở hữu của công ty mẹ ByteDance (Trung Quốc) - đã nhanh chóng trở thành nền tảng mạng xã hội có số người dùng nhiều thứ sáu thế giới.

Nhưng sự trỗi dậy này diễn ra song song với những hoài nghi của phương Tây về việc Bắc Kinh có thể dùng TikTok như một "con ngựa thành Troy" để truy cập dữ liệu người dùng nước ngoài và phục vụ các mục đích chính trị.

Chỉ một ngày trước "phát súng" của New Zealand, Vương quốc Anh cũng thông báo cấm TikTok trên thiết bị chính phủ. Gần đây Chính phủ Mỹ ra hạn 30 ngày để mọi nhân viên liên bang phải xóa TikTok khỏi các thiết bị di động do chính phủ cấp.

Ủy ban châu Âu, Hội đồng châu Âu và Nghị viện châu Âu đều đã cấm nhân viên dùng TikTok trên thiết bị làm việc. Canada cũng cấm TikTok trên tất cả thiết bị do chính phủ cấp...

Ngày 17-3, báo New York Times và tạp chí Forbes dẫn các nguồn tin cho biết Chính phủ Mỹ đã mở cuộc điều tra hình sự nhằm vào ByteDance về việc truy cập trái phép vào thông tin cá nhân của một số công dân Mỹ.

Trong khi Mỹ và các nước phương Tây khác viện dẫn các nguy cơ an ninh và cấm TikTok trên thiết bị của nhân viên chính phủ, thì Bắc Kinh coi đó là âm mưu để hạn chế sự phát triển công nghệ của Trung Quốc.

Sức hấp dẫn của TikTok một phần có lẽ đến từ việc ứng dụng này có khả năng dự đoán hoàn hảo các video mà người dùng muốn xem thông qua thuật toán tinh vi. Cũng nhờ thu thập dữ liệu về thị hiếu người dùng, TikTok có thể cung cấp cho họ nội dung phù hợp nhất với sở thích của từng cá nhân.

Tuy nhiên, theo báo El País (Tây Ban Nha), các cuộc điều tra độc lập phát hiện rằng để làm được điều này, TikTok có khả năng lưu trữ danh sách liên hệ, lịch, vị trí của người dùng... mỗi giờ.

Mặc dù cách làm này cũng không khác gì các ông lớn công nghệ của Mỹ như Google hay Meta (Facebook), nhưng phương Tây lo ngại Bắc Kinh có thể dùng luật an ninh quốc gia để yêu cầu ByteDance chia sẻ những thông tin cá nhân đó - tuy nhiên ByteDance đã liên tục bác bỏ điều này.

Phương Tây ngày càng nhạy cảm?

TikTok đã trở thành nguồn gây căng thẳng mới giữa Trung Quốc và phương Tây. Thời báo Hoàn Cầu (Trung Quốc) những ngày qua liên tục đăng bài về TikTok với những dòng tít như: "Các cuộc tấn công của phương Tây vào các hãng công nghệ Trung Quốc sẽ không có người chiến thắng", "Kêu gọi Chính phủ Mỹ ngừng chèn ép TikTok"...

Trong tập 178 của chương trình "Đây chính là Trung Quốc" phát trên kênh truyền hình vệ tinh Phương Đông của Trung Quốc hôm 6-3, giáo sư Trương Duy Vi, viện trưởng Viện nghiên cứu Trung Quốc của Đại học Phúc Đán, bình luận:

"TikTok đã càn quét toàn cầu. Ở hầu hết các nước, kể cả ở phương Tây, TikTok gần như là ứng dụng video ngắn phổ biến nhất. Sức ảnh hưởng của TikTok với người Mỹ lớn đến mức các nhà lập pháp chống Trung Quốc đã thông qua dự luật cấm cài đặt TikTok trên điện thoại của nhân viên Chính phủ Mỹ".

Hồi tháng 2, sau khi Ủy ban châu Âu (EC), cơ quan hành pháp của Liên minh châu Âu (EU), cấm nhân viên dùng TikTok trên các thiết bị phục vụ công việc vì lý do an ninh, người Trung Quốc đã phản ứng dữ dội trên mạng xã hội Weibo.

Một số người Trung Quốc cho rằng việc phương Tây cấm TikTok như trên là biểu hiện của sự phân biệt đối xử, thậm chí là "phân biệt chủng tộc". Nhưng cũng có những ý kiến cho rằng chuyện này cũng bình thường, giống như việc Trung Quốc đã cấm một số ứng dụng mạng xã hội của phương Tây.

Hiện tượng xã hội

Trong khi TikTok gây lo ngại với chính phủ các nước phương Tây thì Douyin (phiên bản của TikTok tại Trung Quốc) là hiện tượng xã hội thực sự. Nó xuất hiện khắp nơi, từ trong thang máy cho tới tàu điện ngầm, quán ăn. Trong số khoảng 600 triệu người dùng hằng ngày của Douyin, 80% trong độ tuổi từ 19 - 40 và khoảng 65% sống ở các thành phố cấp hai.

"Không hề cường điệu khi nói rằng người Trung Quốc chúng tôi tiếp nhận tin tức qua Douyin. Mẹ tôi gửi cho tôi tin tức bà đọc được trên ứng dụng đó mỗi ngày" - báo El País dẫn lời một cư dân Bắc Kinh.

Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online


© 2024 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC



 

Bài liên quan