Google đã nhiều lần bị phạt vì các cáo buộc cạnh tranh không lành mạnh và buộc phải thay đổi mô hình kinh doanh để tuân thủ các quy định quốc tế. Ảnh: Pexels.
Ngoài nước Mỹ, Google đã nhiều lần bị phạt vì các cáo buộc cạnh tranh không lành mạnh và buộc phải thay đổi mô hình kinh doanh để tuân thủ các quy định quốc tế. Tuy nhiên, chưa một lần nào các biện pháp áp đặt lên công ty lại có mức độ nghiêm trọng như hiện tại.
Nếu DOJ thắng kiện, Google và Apple có thể phải chấm dứt một trong những thỏa thuận hợp tác sinh lợi nhất tại Thung lũng Silicon. Đồng thời, các đối thủ như Microsoft có thể truy cập vào kho dữ liệu tìm kiếm quý giá của Google.
Trong giai đoạn đầu tiên của các phiên tòa chống độc quyền tại Mỹ, Google đã kiên quyết bảo vệ quan điểm rằng công ty đã cạnh tranh công bằng để giành được người dùng nhờ vào sản phẩm vượt trội. Nhưng trong giai đoạn tiếp theo này, Google sẽ phải đối mặt với các thẩm phán đã tuyên bố rằng điều đó không đúng sự thật. Lần này, Google sẽ chỉ có thể tranh luận về việc giảm nhẹ mức độ trừng phạt.
DOJ tin rằng cần phải có những biện pháp mạnh tay để chấm dứt độc quyền trong lĩnh vực tìm kiếm của Google. Cơ quan này lập luận các thỏa thuận độc quyền giữa Google và Apple đã khiến các đối thủ dù có sản phẩm chất lượng cũng không thể tiếp cận người dùng.
Nhờ sở hữu trình duyệt Chrome, Google có thể kiểm soát một trong những cổng truy cập chính vào các công cụ tìm kiếm. Bên cạnh đó, độ phổ biến của công cụ tìm kiếm Google cũng mang lại cho công ty một lượng dữ liệu khổng lồ về hành vi tìm kiếm của người dùng. Đây cũng là thứ mà các đối thủ không thể nào có được.
DOJ cũng muốn đảm bảo rằng mọi biện pháp chế tài tòa án áp dụng sẽ bền vững trong tương lai, tránh tình trạng Google tái lập lại vị thế độc quyền. Đó là lý do tại sao AI được đưa vào yêu cầu lần này. Chính phủ từng rút lại yêu cầu Google phải bán các khoản đầu tư vào AI sau khi Tổng thống Donald Trump nhậm chức. Nhưng DOJ vẫn muốn buộc công ty phải báo cáo với chính phủ mọi khoản đầu tư trong lĩnh vực AI về sau.
Cú hích hồi sinh cho Internet mở
Tòa án sẽ triệu tập các lãnh đạo cấp cao của Google trong các bộ phận Tìm kiếm, Android và Chrome, cũng như các giám đốc điều hành từ các công ty cạnh tranh trong lĩnh vực tìm kiếm trực tuyến như DuckDuckGo, Bing của Microsoft và Yahoo. Ngoài ra, các lãnh đạo trong lĩnh vực AI đến từ OpenAI và Perplexity cũng sẽ đưa ra lời khai.
Nếu DOJ thắng kiện, Google và Apple có thể phải chấm dứt một trong những thỏa thuận hợp tác sinh lợi nhất tại Thung lũng Silicon. Ảnh: Bloomberg.
Nếu như ở giai đoạn trước, các nhân chứng được triệu tập để xác định liệu Google có hành vi chống cạnh tranh trong một thị trường cụ thể hay không, ở giai đoạn này, DOJ sẽ dùng lời khai của họ để chứng minh vì sao các biện pháp khắc phục được đề xuất là cần thiết. Trong khi đó, Google sẽ tranh luận rằng các biện pháp này có thể phá vỡ những công cụ người tiêu dùng yêu thích.
Theo The Verge, các biện pháp chế tài trong vụ công nghệ quảng cáo có thể mang tính kỹ thuật và cụ thể hơn so với vụ tìm kiếm. Thẩm phán đồng ý với lập luận của DOJ rằng Google đã tạo ra thế độc quyền thông qua việc ràng buộc trái pháp luật 2 dịch vụ là máy chủ quảng cáo cho nhà xuất bản (DFP) và sàn giao dịch quảng cáo (AdX). Do đó, chính phủ có thể yêu cầu Google phải tách rời một hoặc cả 2 dịch vụ nêu trên.
Nghe qua thì có vẻ ít kịch tính hơn so với việc tách trình duyệt Chrome. Tuy nhiên, thị trường quảng cáo mà Google đang thống trị là nền tảng tài chính quan trọng cho phần lớn nền kinh tế Internet. Đây cũng là nơi các nhà xuất bản nội dung có thể kiếm tiền bên ngoài các mạng xã hội lớn.
Các nhà xuất bản đã nhiều lần ra điều trần trong phiên tòa. Họ nói cảm thấy bị áp chế bởi quyền lực của Google. Nếu hệ sinh thái này trở nên cạnh tranh hơn, đó có thể là cú hích hồi sinh cho mạng lưới web mở.
© 2025 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC