Nhà máy nội đô Hà Nội dời đi, chung cư, nhà thương mại mọc lên, hạ tầng quá tải

Nhà máy nội đô Hà Nội dời đi, chung cư, nhà thương mại mọc lên, hạ tầng quá tải

Ở đường Nguyễn Trãi, Nguyễn Tuân... trước đây có trụ sở, nhà xưởng của Nhà máy dệt Mùa Đông, Xe đạp Thống Nhất, Xe buýt Hà Nội... nay thay thế là những tổ hợp nhà liền kề, trung tâm thương mại và căn hộ thương mại quy mô, mật độ rất lớn.

1 Nha May Noi Do Ha Noi Doi Di Chung Cu Nha Thuong Mai Moc Len Ha Tang Qua Tai

Cảnh ùn tắc trên tuyến đường Nguyễn Trãi nơi có nhiều nhà cao tầng xây dựng trên đất của nhà máy, cơ quan đã di dời - Ảnh: PHẠM TUẤN

Bộ Tư pháp đánh giá công tác di dời và quản lý quỹ đất sau khi di dời một số cơ quan, tổ chức ở Hà Nội chưa thực hiện nghiêm theo quyết định của Thủ tướng. Nhiều dự án nhà thương mại, chung cư cao tầng được xây dựng trên nền đất sau khi di dời.

Bộ Tư pháp mới đây đã có báo cáo tổng kết 9 năm thi hành Luật thủ đô (được Quốc hội thông qua ngày 21-11-2012 và có hiệu lực từ ngày 1-7-2013), cho thấy công tác di dời và quản lý quỹ đất sau khi di dời một số cơ quan, tổ chức ở Hà Nội chưa thực hiện nghiêm theo quyết định của Thủ tướng.

Tiến độ di dời rất chậm, quỹ đất sau khi di dời chưa được bàn giao lại cho Hà Nội để ưu tiên xây dựng, phát triển các công trình công cộng theo quy định tại khoản 4 điều 15 Luật thủ đô.

Báo cáo nêu rõ theo quy hoạch chung xây dựng thủ đô, khu vực nội đô lịch sử được xác định hạn chế phát triển nhà ở, công trình cao tầng, giảm mật độ cư trú.

Cạnh đó ở các đô thị vệ tinh, các khu đô thị mới phải được xây dựng nhà ở đạt tiêu chuẩn quốc gia, đáp ứng cho nhiều đối tượng sử dụng để giảm tải cho đô thị trung tâm.

Tuy nhiên thời gian qua, ở những khu vực nội đô lịch sử, nhiều dự án chung cư cao tầng vẫn tiếp tục được xây dựng. Điều này đã tạo thêm áp lực về gia tăng dân số, quá tải về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trong khu vực nội thành Hà Nội.

Đối với công tác di dời cơ sở sản xuất công nghiệp, báo cáo cho hay Hà Nội đã tổ chức phân nhóm tiêu chí, thứ tự di dời và hiện xem xét 21 dự án thuộc diện di dời nhà máy ra khỏi khu vực nội thành, với diện tích hơn 140.000m2.

Nhiều dự án nhà thương mại, chung cư cao tầng được xây dựng trên nền đất sau khi di dời.

Ví dụ ở đường Nguyễn Trãi, đường Nguyễn Tuân (Thanh Xuân) trước đây là nơi đặt trụ sở, nhà xưởng của Nhà máy dệt Mùa Đông, Xe đạp Thống Nhất, Xe buýt Hà Nội... nay là những dự án tổ hợp nhà liền kề, trung tâm thương mại và căn hộ thương mại với quy mô, mật độ rất lớn.

Việc di dời cơ sở y tế và giáo dục thì các bộ ngành đang lập quy hoạch theo nhiệm vụ đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Căn cứ nhu cầu các bộ ngành, Hà Nội đã xem xét, giới thiệu địa điểm đầu tư xây dựng các cơ sở bệnh viện, cơ sở giáo dục, các cơ quan để phục vụ di dời.

Nhưng đến nay mới có Đại học Y tế công cộng là đơn vị duy nhất thực hiện nhưng khu đất sau khi di dời lại được chuyển đổi xây dựng tổ hợp nhà ở cao tầng trên phố Giảng Võ, quận Ba Đình.

Bệnh viện K cơ sở 2 và Bệnh viện Nội tiết đã xây dựng cơ sở mới, đưa vào sử dụng, nhưng tiếp tục sử dụng cơ sở cũ ở nội thành.

Báo cáo cũng nêu rõ Hà Nội đã bố trí quỹ đất tập trung tại tây Hồ Tây, quận Tây Hồ (khoảng 20ha) và Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm (khoảng 55ha) để phục vụ di dời các bộ ngành.

Trong số 9 bộ, ngành đã di dời, hiện 7 cơ quan tiếp tục giữ lại trụ sở làm việc cũ, 2 cơ quan được chấp thuận chuyển đổi mục đích sang đầu tư xây dựng nhà ở, văn phòng cao tầng (trụ sở Thanh tra Chính phủ tại 220 Đội Cấn, Ba Đình; trụ sở Viện Kiểm sát nhân dân tối cao tại số 45 Lý Thường Kiệt, Hoàn Kiếm).

Trước thực trạng trên, Bộ Tư pháp kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành và Hà Nội thực hiện nghiêm quyết định 130 về biện pháp, lộ trình di dời và việc sử dụng quỹ đất sau khi di dời cơ sở sản xuất công nghiệp, bệnh viện, cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các cơ quan, đơn vị trong khu vực nội thành.

Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online


© 2024 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC



 

Bài liên quan