Những vụ phạt thuế nặng ở Đức tại các tiệm ăn, Imbiss mà nhiều người Việt bị oan

Thiệt hại do phó mặc cho kế toán, tư vấn, luật sư khiến nhiều người bị phạt oan với số tiền lớn.

 

Trong một siêu thị lớn ở Saarland, cách đây gần chục năm bà NTD mở một tiệm ăn nhanh Á châu, diện tích gần 100 m2, tiền thuê Miete dăm nghìn Euro/tháng.

Khách khá đông. Sau dăm năm tiệm được sang lại cho ông NXP.

Tuy nhiên hợp đồng thuê tiệm, chủ siêu thị không cho chuyển đổi mà chỉ đồng ý 2 bên ký với nhau hợp đồng thuê lại Untermietevertrag, bởi họ chưa thể tin cậy người chủ tiệm mới có đủ khả năng kinh doanh lâu dài hay không. Hợp đồng thuê lại hai bên rất cẩn thận thuê luật sư soạn thảo, hầu như giữ nguyên các điều khoản nằm trong hợp đồng chính ký giữa bà NTD với chủ siêu thị.

Chỉ mỗi điều khoản tiền thuê thì thống nhất người thuê lại chuyển thẳng vào tài khoản chủ siêu thị …, số tài khoản…, tên nhà băng…, số nhà băng BLZ…

Giữa năm 2014, chẳng rõ vì lý do gì, ông NXP bị sở Tài chính ra quyết định kiểm tra riêng thuế doanh thu (Anordnung einer Umsatzsteuer-Sonderprüfung) của năm trước đó 2013, tập trung vào 3 điểm, thuế doanh thu USt 19%, 7% và thuế đầu vào Vorteuerabzug, chiểu theo Điều 196, Luật thuế AO.

Cái “sẩy“ phổ biến “không của riêng ai“

Do kiểm tra thuế doanh thu nên việc đầu tiên là họ kiểm tra máy tính tiền PC-Kasse. Sở tài chính cử 1 chuyên gia máy tính và 1 thuế vụ tới kiểm tra tại chỗ, in tất cả dữ liệu trong PC-Kasse của năm 2013 ra nhưng không thoả mãn đầy đủ đòi hỏi của họ. Chuyên gia bán chiếc PC-Kasse này cũng có mặt lý giải, vừa mới đây, một lần PC-Kasse bị sự cố họ phải sửa chữa, nên mất hết mọi dữ liệu cần thiết của năm trước đó. Thuế vụ chẳng nói gì, chỉ biết ghi chép lại lý do như vậy. Ông NXP yên tâm, mừng đã có chuyên gia máy tính tiền lý giải giúp.

Nhưng thuế vụ không quan tâm tới lý do PC-Kasse hỏng, chỉ biết hiện không đọc được dữ liệu họ muốn.

Cái “sẩy“ hỏng máy “nảy“ ngay cái ung tức thì. Trong bản báo cáo kết qủa kiểm tra (Bericht) gửi ông NXP năm tháng sau đó, ghi: “Trong năm 2013, ông NXP sử dụng máy tính tiền điện tử PC-Kasse.

Nhưng các dữ liệu đã không còn, do sự cố hỏng PC-Kasse vào giữa năm nay. Như vậy PC-Kasse đã không lưu trữ được dữ liệu dạng không thể sửa đổi cũng không thể in ra để sử dụng trong vòng 10 năm như luật định.

Do bán hàng thu bằng tiền mặt, nên thiếu sót trên được coi là căn cứ để hủy bỏ toàn bộ kết quả kế toán và hạch toán lời lỗ khai báo thuế“.

Lý do trên được họ viện dẫn căn cứ pháp lý: “Kế toán dựa trên những dữ liệu không thể kiểm tra ở PC-Kasse như vậy chiểu theo Điều 158, điểm 1 Luật thuế AO là sai luật.

Chiểu theo Điều 162, Luật thuế AO, thuế vụ sẽ tự ấn định doanh thu, hạch toán lời lỗ“.

Ông NXP như chết đứng đã đành, nhưng tư vấn thuế nhận được báo cáo cũng dửng dưng như bao khách hàng khai thuế của họ, bởi lỗi không do họ.

wallet 2302241 640

Không chỉ mỗi ông NXP, trường hợp ông NDM mở tiệm ăn vùng Münster, chồng nấu vợ bồi, còn đau hơn.

Giữa năm ngoái ông NDM bị kiểm tra thuế 3 năm 2012-2014, máy tính tiền của ông bị trộm cuỗm mất cả tiền lẫn máy vào ngày 21.06.2013, nên từ ngày 22.6-28.06 ông phải ghi chép doanh thu bằng tay vào mảnh giấy, rồi kẹp hồ sơ đưa cho tư vấn thuế.

Và từ ngày 29.06 ông sử dụng máy mới, nộp Z-Bons cho tư vấn thuế từ ngày đó. Với chứng từ  trên, kế toán của văn phòng tư vấn thuế cứ thế nhập dữ liệu vào chương trình khai thuế và kẹp lưu hồ sơ.

Thuế vụ kiểm tra không có gì cao siêu cả; với chuyên nghề “bới lông tìm vết“ nhìn vào các chứng từ trên họ phát hiện được ngay vấn đề.

Lẽ ra máy hỏng thì phải lập biên bản kiểm kê qũy tiền mặt tới 1 Cent làm chứng từ doanh thu ngày đó, ngoài ra còn phải lập bảng kê từng món ăn đánh dấu bán từng suất một, phân ra ăn tại chỗ hay mang về nhà. Nhưng ông NDM chỉ viết tổng số doanh thu trong từng ngày, nghĩa là viết bao nhiêu, thuế vụ biết bấy nhiêu.

Chưa hết, khi dùng máy mới thì Z Bon đầu tiên ngày 29.06 phải mang số 01, nhưng lại mang số 03, nghĩa là trước đó đã dùng tới 2 ngày nhưng xé bỏ.

Các dữ liệu trên, khi nhập vào máy tính chẳng rõ nhân viên kế toán có nhận ra sai sót hay không, nhưng không hề báo cho ông NDM biết để xử lý, chẳng khác nào đầu bếp, nguyên liệu hỏng cứ thế đổ vào xào nấu cho thực khách ăn.

Để tới khi thuế vụ sờ tới mới nhận ra, thì đã quá muộn (zu spät). Hậu qủa, ông NDM bị thuế vụ ấn định thêm doanh thu chiểu theo án lệ số 15 V 6554/99 của Toà án Tài chính Münster cho phép phạt tới 10% doanh thu khai báo, và ra điều chiếu cố cho hưởng mức phạt 2,5% để đương sự dễ chấp nhận.

Nỗi đau phó mặc tất cả cho văn phòng tư vấn thuế đối với người Việt không của riêng ai; một trăm người bị truy thu thuế thì dễ tới 99 người cùng một nỗi đau đó.

Xử lý sai phạm “lớ ngớ“, sau 3 năm oan vẫn chưa được giải

Công việc thuế vụ khi kiểm tra hồ sơ rất đơn giản, thấy gì không đúng với quy định thì “lôi ra“, “xét nét“, ít nhất cũng để chứng minh với cấp trên mình làm việc tích cực, chứ chẳng phải ghét bỏ hay cố sao cho nhà nước thu được nhiều thuế.

Chỉ khi nhận thấy có dấu hiệu trốn thuế thì họ mới mở rộng phạm vi kiểm tra lục lọi thêm bằng chứng.

Họ cũng thừa hiểu, doanh nghiệp nào một khi có cơ hội thì cũng tìm mọi cách nộp thuế càng ít càng tốt, mọi kiểu mánh khoé họ không lạ gì, thậm chí có cả sách cẩm nang hướng dẫn cách phát hiện, hàng năm được học bồi dưỡng nghiệp vụ.

Lật chồng hoá đơn đầu vào của ông NXP, mãi họ mới phát hiện được 3 hoá đơn ghi thuế đầu vào 64,65 Euro, 97,80 Euro và 17,52 Euro, vào các tháng 3, 6, 8, nhưng không ghi tên điạ chỉ nhà hàng ông, để trống.

Họ liền viện dẫn Điều 15 và Điều 14 Luật thuế giá trị gia tăng UStG quy định những hoá đơn trị giá trên 100 Euro phải có tên điạ chỉ người nhận, rồi loại những hoá đơn trên ra khỏi hồ sơ. Tức uổng đi 179,97 Euro tiền thuế lẽ ra được khấu trừ. Trong trường hợp này, muốn chống lại, chỉ cần tới nơi cấp hoá đơn đòi viết lại hoá đơn là đủ, nhưng ông NXP “lớ ngớ“ không làm vậy, phó mặc cho văn phòng tư vấn thuế vốn không phải trách nhiệm họ.

Thuế vụ lục thêm hợp đồng thuê nhà, đối chiếu với biên lai chuyển ngân (Kontoauszug), họ phát hiện tiền Miete chuyển không đúng tên người cho thuê lại là bà NTD mà chuyển cho chủ siêu thị.

Kết cục tổng số 9.627,83 Euro thuế tiền thuê Miete đã khấu trừ, họ không chấp nhận.

Tuy nhiên họ thấy đây chỉ là sai thủ tục nên cũng giải thích rõ nếu người cho thuê lại khai lại thuế  Umsatzsteuer-Voranmeldung đúng như hợp đồng, thì ông NXP lúc đó cũng có quyền khai lại như thế để được khấu trừ thuế. Kết cục, theo Bericht gửi tới cho ông NXP tháng 10.2014, ông bị mất oan 9.807,80 Euro khấu trừ thuế đầu vào, và nộp thêm 3.856,01 Euro thuế đầu ra, tổng cộng bị truy thu 13.663,81 Euro.

Ông NXP lập tức mang Bericht tới tư vấn thuế nhờ giải quyết, nhất là đối với số tiền Vorsteuer trong Miete trả cho chủ siêu thị không được khấu trừ.

Thay vì làm như thuế vụ hướng dẫn, thì tư vấn thuế lại yêu cầu ông  NXP trực tiếp thương lượng với chủ siêu thị.

Cứ thế, ông gửi mấy thư tới chủ siêu thị đều không được trả lời bởi họ chẳng có quan hệ thanh toán tiền nong gì với ông cả.

Việc chẳng đừng ông viện tới Luật sư. Luật sư lại chọn cách viết thư cho chủ siêu thị đề nghị ký lại hợp đồng với chủ siêu thị để hợp thức hoá các số liệu kế toán, nhưng cũng không được hồi âm.

Loanh quanh mãi làm ông quá thời hạn chống lại Bericht.

Tháng 12.2014, Sở Tài chính gửi quyết toán thuế năm 2013 cho ông NXP theo đúng kết qủa kiểm tra ghi trong Bericht, phải trả thêm tiền thuế doanh thu 13.663,81 Euro, thuế thu nhập 3.388,00 Euro, thuế môn bài (Gewerbesteuer) 1420,- Euro (chưa kể tiền đóng IHK và bảo hiểm tự nguyện đều tăng lên). Quyết toán này quy định thời hạn chống 1 tháng, ông NXP cũng đành cam chịu để quá hạn, do cứ trông chờ vào tư vấn thuế, luật sư, chủ siêu thị vốn bất hợp tác, trong khi đó là việc của chính mình.

Tới nay, chỉ còn cách kết hợp với khai thuế năm 2016 để đệ đơn kèm đòi tái kiểm tra lại thuế 2013.

Không ai thay được chính mình

Thực tế, đa phần người Việt kinh doanh không có điều kiện bồi dưỡng kiến thức kế toán, thuế khoá, luật pháp, nên hầu hết đều ủy quyền cho tư vấn thuế.

Mặc dù vậy, người Việt khi bị thuế vụ kiểm tra, chắc 100 người thì dễ tới 99 người bị truy thu, phạt tiền, thậm chí hình sự, hoặc lo sợ đóng cửa sang tên phòng bất trắc.

Thực tế đó cho thấy, dù có dựa vào tư vấn thuế, luật sư thì kết cục vẫn không một ai thay thế được chính mình, mà phải bắt đầu từ khi khởi nghiệp, tự mình kiểm tra được.

Khi nhận được lệnh thuế vụ kiểm tra, không chỉ phải tự thân vận động, mà trách nhiệm tư vấn thuế cần được nhắc nhở; nếu chưa thật sự yên tâm, nên tìm tới các chuyên gia có kinh nghiệm giám định lại hồ sơ thuế tư vấn đã khai, trước khi nộp nó cho thuế vụ kiểm tra, tương tự như thuê xây dựng cần mời giám định độc lập nghiệm thu cái đã xây dựng.


© 2024 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC



 

Bài liên quan