Nhọc nhằn mưu sinh trên nước Đức

Winsen (Luhe) là một thị trấn nhỏ nằm ở phía Tây nước Đức, cách thành phố cổ nổi tiếng Hamburg chừng ba chục cây số. Cộng đồng người Việt Nam sống tại đây cũng ngót nghét năm trăm người.

Khác với cộng đồng Việt sống ở Cộng hòa Séc, hầu hết đều mở cửa hàng riêng buôn bán nhỏ lẻ, cộng đồng người Việt ở Winsen (Luhe) lại chủ yếu đi làm cho các hãng của Đức.

Xứ người không dễ bon chen

Cùng là ở Đức, nhưng thu nhập từ việc đi làm cho các hãng, các cơ quan ở phía Đông lại chỉ thấp bằng một nửa so với phía Tây. Do đó, người Việt sống ở phía Tây Đức mới chọn việc đi làm cho hãng để có được cuộc sống ổn định. Winsen (Luhe) nằm ở phía Tây Đức, thu nhập bình quân đầu người đạt chừng 2.500 - 3.000 euro/tháng.

Nhưng người Việt tại đây phần lớn làm các việc đơn giản như vệ sinh, lắp ráp các chi tiết máy, sơn, hàn, chăm sóc người bệnh, người già yếu...

Những công việc này chỉ có mức thu nhập từ 1.500 - 2.000 euro/tháng. Những công việc có thu nhập cao hơn như kỹ sư, luật sư, bác sỹ, kiểm toán viên, quản lý... thì rất ít người Việt làm được.

Sở dĩ người Việt chọn làm những công việc đơn giản kể trên là do dễ làm, dễ đào tạo. Chỉ cần được hãng tuyển vào, đào tạo việc trong ba tháng, là nhân viên ta đã có thể bắt tay vào làm việc ngay được. Đó là những công việc chỉ cần thời gian, lao động giản đơn, động tác lặp đi lặp lại, không phải thay đổi, nâng cấp trình độ định kỳ như các loại hình lao động phức tạp khác.

Công việc đó cũng không cần trình độ tiếng Đức quá cao, do không phải giao tiếp nhiều với người Đức đồng nghiệp khác.

Nhọc nhằn mưu sinh trên nước Đức - 0

Trong một lần tham gia hoạt động chung cùng cộng đồng người Việt ở Winsen, tôi gặp và trò chuyện với chị Minh, một Việt kiều đã sang Winsen hai mươi năm.

Chị Minh cho biết, chị làm việc cho một Trung tâm Y tế chuyên chăm sóc người già. Thu nhập hàng tháng của chị được 1.500 euro/tháng.

Chồng chị Minh làm việc cho một hãng dược của Đức, thu nhập chừng 2.000 euro/tháng.

Do vợ chồng chị đang nuôi hai con ăn học, nên họ xin trợ cấp và mỗi tháng đều được nhận khoản trợ cấp 500 euro. Với tổng số thu nhập cộng thêm trợ cấp như vậy, vợ chồng chị Minh có cuộc sống rất thoải mái tại Winsen.

Tuy có phải sống nhờ trợ cấp xã hội, nhưng hàng năm vợ chồng chị vẫn đi nghỉ mát, vẫn có xe hơi đi làm, sinh hoạt hàng ngày vẫn ở mức sống cao.

“Ở nước Đức này, dù có bị thất nghiệp phải nhận trợ cấp xã hội, hay đang đi làm với mức thu nhập cao thì mức sống không chênh nhau là mấy. Chúng tôi vẫn ăn thức ăn như nhau, vẫn được đối xử bình đẳng như nhau khi đến quán ăn, siêu thị, bệnh viện...

Ở đây, dù bạn đi chiếc xe đạp cũ hay đi xe hơi mới coóng trị giá cả trăm ngàn euro thì khi bạn vào bệnh viện đều được đối xử như nhau. Không vì bạn đi xe đắt tiền mà bạn được nằm chiếc giường rộng hơn; dù bạn đi xe đạp cũ và đang phải sống bằng trợ cấp thất nghiệp thì bạn vẫn được nhân viên y tế cúi chào cung kính” - chị Minh chia sẻ.

 

Vượt qua rào cản để hội nhập

Người Việt tại Winsen làm trong các hãng, cũng có người giỏi, được nhận mức lương tới 5.000 euro/tháng như anh Tùng làm cho hãng sản xuất xe téc Feldbinder hay anh Quân, làm cho hãng Bosch. Anh Tùng là một kỹ thuật viên giỏi, được hãng đánh giá cao.

Ngay thời khủng hoảng kinh tế năm 2008, hãng xe téc mà anh làm việc phải sa thải tới hơn 8.000 người. Tuy nhiên, anh Tùng vẫn được hãng giữ lại dù anh không là người bản xứ.

Hiện nay, làm việc cho hãng đã hai chục năm, anh Tùng đang làm quản lý một nhóm làm về điện xe. Để có được một công việc với thu nhập cao như vậy, anh Tùng đã phải vượt qua nhiều khó khăn khi thời anh mới chuyển từ Séc sang Đức, phải học bằng được tiếng Đức thật giỏi, thật nhuyễn để có thể trao đổi nghiệp vụ với đồng nghiệp Đức.

Hơn nữa, anh còn phải làm việc chăm chú hơn, làm giỏi hơn đồng nghiệp Đức để khẳng định mình.

“Người Đức nói chung có yêu cầu rất cao trong công việc, họ kỹ tính, không cho phép sai lầm, không cho phép làm qua loa, đại khái. Bất cứ việc gì, dù nhỏ như cái kim cũng phải hoàn hảo, bền, chắc, thuận tiện và thông minh. Trong công việc liên quan đến kỹ thuật lại càng kỹ hơn, công nghệ phải hàng đầu.

Việc của mình không cho phép lơ là một giây. Tôi cũng không thể nói cụ thể lý do mình làm tốt việc này, chỉ biết rằng công việc cuốn hút tôi, tôi hòa mình vào nó và tôi chính là công việc” - anh Tùng cho biết.

Trong các gia đình Việt kiều tại Winsen, con cái khi đang ở tuổi đi học đều được chăm lo chu đáo. Tại trường, các em cũng được học tập, được đối xử công bằng như người bản xứ, không bị kỳ thị, phân biệt đối xử. Cháu nào học giỏi cũng được khen ngợi, được thưởng rất trân trọng.

Tuy nhiên, khi các cháu tới tuổi 14, là đã phải quyết định về nghề nghiệp mà mình sẽ theo cả đời để nhà trường bắt đầu chuyển hướng đào tạo cho phù hợp với ba nhóm chính: Kinh tế, xã hội, kỹ thuật.

Nhiều con em Việt kiều chọn học các nghề đơn giản như bố mẹ mình, mặc dù ngôn ngữ của các cháu khá hơn của bố mẹ, do các cháu sinh ra trên đất Đức.

Những ngành như bác sỹ, luật sư rất ít cháu chọn, do yêu cầu ngôn ngữ cao, có thể nói phải đạt đến trình độ phù thủy về ngôn ngữ thì mới có thể trụ được và làm giỏi nghề đó suốt đời.

Tại sự kiện cộng đồng Việt kiều Winsen gặp mặt vào lễ Phục sinh 2017 vừa qua, có hai bạn trẻ đang là sinh viên lên biểu diễn ca nhạc và cũng được cộng đồng rất thương quý.

Đó là hai chị em Phạm Mỹ Huyền và Phạm Thu Hoài. Cả hai chị em đều học giỏi, là sinh viên Trường Y tại Hamburg.

Mỹ Huyền học làm bác sỹ đa khoa và Thu Hoài học ngành vật lý trị liệu. Như trên đã đề cập, để có thể làm được trong ngành Y, ngoài kiến thức chuyên môn ra, bắt buộc phải rất thông thạo tiếng Đức. Những điều ấy, thật sự là thách thức lớn đối với đa phần các lưu học sinh Việt Nam.

Lâu nay, gặp nhiều người Việt định cư tại châu Âu, tôi thấy phần lớn chỉ làm ăn nhì nhằng theo kiểu buôn thúng bán mẹt, hoặc lao động chân tay. Rất ít người Việt có thể trụ lại ở vị trí tầng lớp trí thức.

Tôi vẫn đang đi tìm lý do chính cho việc đó với nỗi băn khoăn, liệu người Việt là ai trong thế giới này, khi ra khỏi mảnh đất chôn rau cắt rốn?

Tại sao việc chen chân vào tầng lớp trí thức ở xã hội phương Tây lại khó đến thế đối với người Việt?

Nguồn: Báo Đại Đoàn Kết

 


© 2024 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC



 

Bài liên quan