Chuyện đi lại ở Đức

Trong chục ngày ở Đức, chúng tôi chỉ sử dụng phương tiện công cộng và đi bộ đây lại là cơ hội để tìm hiểu và khám phá một cách thật, sống động nhất.

Đường xá ở đây cũng có đường to đường nhỏ, đường tốt đường xấu nhưng có một điểm chung là xe vẫn được chạy rất nhanh. Có cảm giác như tài xế lên xe là dí tẹt ga. Tốc độ đi trong thành phố có khi lên tới 100km/h. Sở dĩ họ đi được nhanh như vậy là vì phần lớn đường 1 chiều. Và quan trọng hơn là xe đi đúng làn, tuyệt đối không lấn làn và không có ai băng qua đường trái luật.

Vũ, một bạn trẻ sinh ra và lớn lên tại Đức hiện đang làm quản lý dự án (Project Manager) cho KAS Việt Nam đã có lần phải khua tay và hét toáng lên khi thấy hai bác nhà báo già nhà ta hồn nhiên sang đường ở chỗ không có vạch sọc. Với tốc độ 80-100Km/h thì đừng hy vọng xe nào phanh kịp.

Chuyện đi lại ở Đức - 0

Chiếc xe đạp dựng bên đường với tấm biển "đạp xe cho cuộc sống"

Đức đang hướng tới một quốc gia có nguồn năng lượng sạch. Trên máy bay từ Pháp qua, nhìn xuống những “cánh đồng” điện gió thì đủ biết quyết tâm giữ sạch môi trường của họ thế nào. Cũng chính vì thế mà xe đạp ở Berlin khá phổ biến. Ở đây trên vỉa hè có một lối giành riêng cho xe đạp, rộng chừng mét rưỡi. Chúng tôi mới sang cứ nghĩ vỉa hè chỉ dành cho người đi bộ nên rất đi lại nghênh ngang, vướng người đạp xe.

Xe đạp được dựng rải rác trên phố nhưng đều phải khóa, thậm chí khóa luồn qua cả hai bánh. Một người Việt định cư tại Đức khẳng định tệ nạn ở Đức xuất hiện cùng với làn sóng nhập cư. Đến Berlin hôm nay có thể thấy đủ các màu da.

Tôi mới tới Đức lần đầu nên không biết hết, nhưng chuyện này thì có thật. Một hôm đi trên vỉa hè, tôi gặp hai vợ chồng trung tuổi đang dắt chó đi dạo. Đoạn dây xích hơi dài nên con chó kéo căng ngang phân nửa vỉa hè khiến tôi phải né tránh. Có vậy thôi mà người chồng ra sức xin lỗi vì đã làm phiền, cho dù tôi đã mấy lần xua tay, nói không sao, ông đừng bận tâm. 

Ở Berlin có cả xích lô nhưng được thiết kế khá tân kỳ, chắc chỉ phục vụ du khách. Ngồi trên những chiếc xích lô như thế chắc giá chẳng kém gì đi taxi.

Lại nói tới taxi, hình như ở Berlin chỉ có một hãng? Xe sơn màu vàng, toàn Mercedes, chạy dầu thì phải. Nếu như bạn bị lạc mà vẫy taxi giữa đường thì hơi khó đấy! Chẳng hiểu họ chạy nhanh nên ngại đỗ lại hay ở đây không có thói quen dừng đón khách trên đường. Hôm đi chợ đồ cũ ở đường 17 Juni, chúng tôi có 4 người, lên taxi nhưng bác tài quyết không chở vì dư 1 người.

Chuyện đi lại ở Đức - 1

Xe xích lô ở Đức.

Một tuần ở Đức, tôi chưa nghe tiếng còi xe lần nào. Bóp còi ở đây là hành vi văn hóa. Nếu bạn dùng còi và nhấn còi xe không đúng quy định thì mọi người sẽ nhìn bạn như một tên vô lại, thậm chí có thể lôi bạn ra tòa.

Anh Lê Quang phiên dịch, sống ở Đức kể, trước anh có dịch cho một vụ kiện. Bị đơn là người Việt, nguyên đơn là người Đức. Chỉ vì ông người Đức chưa kịp đi khi đèn chuyển xanh nên ông người Việt phía sau nhấn còi hối thúc. Chắc tiếng còi cũng hơi hỗn nên ông người Đức mới mở cửa xuống xe gọi cảnh sát, rồi ra tòa. Cuối cùng lái xe người Việt bị phạt tiền vì tội làm người khác hoảng sợ. Luật nghiêm như vậy nên đường xá hầu như không có bóng cảnh sát giao thông nhưng rất trật tự.

Ga tàu điện ngầm bên này cũng chỗ sạch chỗ bẩn, cũng có những người đứng chơi nhạc xin tiền nhưng nhìn chung thuận tiện và an toàn. Có những nhà ga rất lớn, nếu không biết tiếng và chưa quen thì chớ dại, đi lạc hoặc lên nhầm tàu là cái chắc.

Cũng như tàu điện ngầm, xe buýt công cộng là phương tiện phổ biến. Trên mỗi điểm dừng đỗ đều có bảng điện tử thông báo thời gian xe tới, tính đến từng giây.

Chuyện đi lại ở Đức - 2

Trên xe buýt có chỗ dành cho người già, xe đẩy em bé, xe lăn của người tàn tật. Khi xe buýt đến điểm đỗ, bác tài điều chỉnh sàn xe bằng và sát với vỉa hè để người già, trẻ em; người đi xe lăn, xe đẩy em bé có thể lên được dễ dàng.

Giống như nhiều nơi khác, xe buýt hay tàu điện ngầm ở Berlin không có người soát vé. Mọi người đều tự giác mua vé. Nếu đi xe buýt bằng vé ngày, hãy chuẩn bị vài đồng xu. Khi bước lên xe nhớ bỏ xu vào máy bán vé tự động, bạn sẽ có vé sau 1 giây.

Để tiết kiệm, chúng tôi mua vé tuần (28 Euro), đi được 1 tuần kể từ khi đóng dấu, dùng cho tất cả các tuyến xe buýt và tàu điện ngầm ở Berlin. Anh Lê Quang nhắc khi lên xe (lần đầu) nhớ nhét vé vào máy để đóng dấu. Anh Bá Dung (Hội Nhà báo VN) quên. Hôm đó đang đi tàu điện ngầm thì có 2 nhân viên mặc đồng phục tới kiểm tra vé, lại vào nhằm trúng anh Bá Dung. Anh luống cuống lôi vé ra thì vé chưa đóng dấu. Cũng may, Ste-phan (Viện KAS – Berlin) đi cùng nhao ra, trình bày hết nước hết cái 2 nhân viên công lực mới tha, nếu không cứ xác định nộp 60 Euro tiền phạt (khoảng 1,7 triệu đồng).

Biểu tình, đình công ở Đức như cơm bữa. Tại một ga tàu điện ngầm chúng tôi thấy một tấm biển thông báo rất to, đại khái là từ lúc mấy giờ đến mấy giờ ngày mai, nhân viên nhà tàu sẽ đình công, mọi người lưu ý việc đi lại. Cả đoàn lo vì không biết đi đứng kiểu gì. Thế nhưng hôm sau chúng tôi vẫn di chuyển bằng tàu điện bình thường. Anh Quang cho biết chỉ một công đoàn nào đó đình công thôi, những nơi khác vẫn làm việc.

Nói chung chúng tôi lo chuyện không đâu, ở đất nước mà công đoàn đình công biết thông báo trước, biết nhắc nhở mọi người sử dụng phương tiện khác kẻo muộn làm thì không việc gì phải lo cả.

Tôi mới sang Đức lần đầu, lại đi ngắn ngày, nên điều đã kể trên đây chỉ là những gì tôi chứng kiến và cảm nhận được, chắc chưa đầy đủ./.

Ngô Thiệu Phong/VOV


© 2024 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC



 

Bài liên quan