Thủ tướng yêu cầu làm rõ thông tin 'tiêm vaccine không cần đăng ký'

Thủ tướng yêu cầu làm rõ thông tin 'tiêm vaccine không cần đăng ký'

Bộ Y tế và cơ quan chức năng kiểm tra, làm rõ, nếu thông tin "tiêm vaccine không cần đăng ký" chính xác thì phải chấn chỉnh, xử lý, rút kinh nghiệm ngay.

Ngày 21/7, Văn phòng Chính phủ thông báo chỉ đạo nêu trên của Thủ tướng Phạm Minh Chính, sau khi một số phương tiện truyền thông phản ánh về trường hợp tiêm vaccine Covid-19 không cần đăng ký, không đúng diện ưu tiên. Lãnh đạo Chính phủ cũng lưu ý, "dứt khoát không để tái diễn" tình trạng này.

Bộ Y tế và các địa phương thực hiện nghiêm việc phân bổ vaccine theo nguyên tắc công bằng, minh bạch; nếu có sai phạm phải chấn chỉnh, xử lý ngay. Tinh thần là mọi người đều bình đẳng trong tiếp cận vaccine, ưu tiên các nhóm theo quy định của Chính phủ.

1 Thu Tuong Yeu Cau Lam Ro Thong Tin Tiem Vaccine Khong Can Dang Ky

Nhân viên y tế chuẩn bị tiêm vaccine Covid-19, tại Hà Nội, tháng 3/2021. Ảnh: Giang Huy

Tối qua, Thanh tra Bộ Y tế đã có văn bản yêu cầu Giám đốc Bệnh viện Hữu Nghị giải trình chi tiết về việc một cô gái cho biết tiêm vaccine Covid-19, của hãng Pfizer ở cơ sở này mà không cần đăng ký. Hiện cô gái đã xóa bài viết và khóa tài khoản cá nhân.

Cùng ngày, Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Chử Xuân Dũng yêu cầu Giám đốc Sở Y tế kiểm tra việc tiêm vaccine tại Bệnh viện Xanh Pôn; báo cáo lãnh đạo thành phố trước 12h hôm nay (21/7). Thông tin này liên quan đến một cô gái, nghi ngờ đã khoe trên mạng xã hội là được anh làm lãnh đạo bệnh viện cho tiêm vaccine Covid-19.

Theo quy định ban hành đầu tháng 7 của Bộ Y tế, lực lượng tuyến đầu chống dịch và thúc đẩy phát triển kinh tế được ưu tiên tiêm vaccine.

16 nhóm được ưu tiên tiêm, gồm: người làm việc trong cơ sở y tế công lập và tư nhân; người tham gia chống dịch; quân đội; công an; nhân viên, cán bộ ngoại giao và thân nhân được cử đi nước ngoài làm việc; hải quan, cán bộ làm công tác xuất nhập cảnh; người cung cấp dịch vụ thiết yếu, hàng không, vận tải, du lịch, điện nước; giáo viên, học sinh, sinh viên, bác sĩ trẻ... thường xuyên tiếp xúc nhiều người; người mắc bệnh mạn tính, trên 65 tuổi; người sinh sống tại vùng dịch; người nghèo, chính sách xã hội; người được cử ra nước ngoài học tập, lao động, công tác; lao động (và thân nhân) làm việc tại khu công nghiệp, vận tải, tín dụng, du lịch, cơ sở dịch vụ thiết yếu; chức sắc tôn giáo; lao động tự do.

Ngoài ra, các nhóm khác sẽ do Bộ trưởng Y tế hoặc Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định, hoặc theo đề xuất của đơn vị viện trợ vaccine.

Việt Nam đã đàm phán thành công để trong năm 2021 có 105 triệu liều vaccine. Đến nay, Việt Nam tiêm được hơn 4 triệu liều, trong đó hơn 300.000 người đủ hai mũi.

Viết Tuân

Nguồn: vnexpress.net


© 2024 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC



 

Bài liên quan