Tin tức thế giới 7-6: Mỹ sắp có câu trả lời vụ vỡ đập Ukraine; Công ty Trung Quốc bị trừng phạt

Tin tức thế giới 7-6: Mỹ sắp có câu trả lời vụ vỡ đập Ukraine; Công ty Trung Quốc bị trừng phạt

Mỹ đánh giá các tin Nga phá đập Ukraine; Hàn Quốc trở lại Hội đồng Bảo an; Hơn chục công ty Trung Quốc bị Mỹ trừng phạt; Rộ tin ngoại trưởng Mỹ sắp tới Trung Quốc... là một số tin tức thế giới đáng chú ý ngày 7-6.

1 Tin Tuc The Gioi 7 6 My Sap Co Cau Tra Loi Vu Vo Dap Ukraine Cong Ty Trung Quoc Bi Trung Phat

Bức ảnh rõ nét ngày 6-6 cho thấy thiệt hại với đập Nova Kakhovka - Ảnh: REUTERS

Chiến sự Ukraine trở lại tâm điểm sau vụ vỡ đập Nova Kakhovka. Cả Nga và Ukraine đều cáo buộc bên còn lại là thủ phạm. Giới chuyên gia trung lập vẫn đang chờ thêm dữ liệu cho bình luận khách quan.

* Tình báo Mỹ chuẩn bị có câu trả lời vụ vỡ đập Ukraine?

Theo Đài NBC, Mỹ có thông tin tình báo cho thấy Nga là thủ phạm phá đập Nova Kakhovka. Hiện Washington đang giải mật một số thông tin tình báo và sẽ chia sẻ sớm nhất vào cuối ngày 6-6 (giờ Mỹ, tức trưa nay 7-6 theo giờ Việt Nam).

Trong khi đó, Viện Nghiên cứu chiến tranh (ISW) của Mỹ thừa nhận chưa thể đánh giá ai là thủ phạm. Tuy nhiên, ISW dẫn ra một nhận định của chính trung tâm này hồi tháng 10 năm ngoái. Trong đó ISW tin rằng Nga sẽ phá đập để cản bước tiến của Ukraine. 

ISW cũng cho rằng Ukraine không có lợi gì trong việc phá đập. Thời điểm vỡ đập, Nga được cho là vẫn đang kiểm soát khu vực này. Twitter của ISW là địa chỉ tìm đến của những người quan tâm tình hình chiến sự Nga - Ukraine, với các cập nhật mỗi ngày.

Sông Dnipro, nơi đập Nova Kakhovka nằm vắt ngang, giữ vai trò như một ranh giới tự nhiên chia cắt các khu vực Nga và Ukraine kiểm soát. Hiện Nga vẫn đang giữ các khu vực phía đông sông Dnipro. 

ĐỌC THÊM

* Nhà Trắng từ chối đưa ra kết luận

Trong cuộc họp báo rạng sáng 7-6, Nhà Trắng khẳng định đang theo dõi sát ảnh hưởng của vụ vỡ đập Nova Kakhovka. Một khu vực rộng lớn phía tây nam con đập đã chìm trong nước.

Người phát ngôn Hội đồng An ninh Nhà Trắng, ông John Kirby, cho biết Mỹ chưa có kết luận điều gì đã khiến đập Nova Kakhovka bị vỡ. Phó đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc Robert Wood cùng ngày cũng đưa ra thông điệp tương tự.

"Chúng tôi đã xem các tin tức nói Nga chịu trách nhiệm cho vụ việc. Chúng tôi đang nỗ lực hết sức để đánh giá những thông tin trên, phối hợp với phía Ukraine để thu thập thêm dữ liệu. Tuy nhiên, hiện thời chúng tôi chưa thể đưa ra kết luận chuyện gì đã xảy ra", ông Kirby trả lời báo chí.

Cũng theo ông Kirby, vụ vỡ đập có thể đã khiến "nhiều người thiệt mạng" và hàng ngàn người Ukraine phải di tản. Cả Nga và Ukraine đều chưa công bố thiệt hại nhân mạng.

* Nga yêu cầu Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc họp khẩn

Trong tuyên bố rạng sáng 7-6, Đại sứ Nga tại Liên Hiệp Quốc Vasily Nebenzya tuyên bố Nga "chắc chắn không bao giờ phá đập Nova Kakhovka". Đại diện của Nga cũng tiết lộ đã yêu cầu Hội đồng Bảo an họp khẩn nhưng không cho biết thời gian.

Bộ Ngoại giao Nga xác nhận đã yêu cầu Hội đồng Bảo an và nhiều tổ chức quốc tế khác thảo luận về vụ việc. Bộ Quốc phòng Nga trước đó cáo buộc Ukraine đã sử dụng các hệ thống pháo phản lực phóng loạt tấn công đập Nova Kakhovka.

Theo Hãng thông tấn Tass của Nga, giai đoạn nguy hiểm sau vụ vỡ đập Nova Kakhovka đã qua. Cảnh báo lụt đã được phát tại các khu vực do Nga kiểm soát nằm ven sông Dnipro. 

Tass cũng dẫn lời các quan chức địa phương do Nga chỉ định cho biết thiệt hại với con đập dài khoảng 3km là rất lớn. Việc sửa chữa sẽ giống như xây lại một con đập mới hoàn toàn.

* Ukraine củng cố quyết tâm "giải phóng đất nước"

Trong thông điệp video cuối ngày 6-6, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky gọi vụ vỡ đập Nova Kakhovka là "một quả bom môi trường có sức hủy diệt hàng loạt". Ông Zelensky cũng cáo buộc Nga chủ ý phá hủy con đập và nhà máy thủy điện.

Nhà lãnh đạo Ukraine nhấn mạnh việc phá hủy đập sẽ không ngăn được nước này "giải phóng toàn bộ đất đai thuộc về mình". Ông cũng khẳng định chỉ có thu hồi tất cả các vùng lãnh thổ đang bị Nga chiếm đóng mới ngăn được các vụ việc như ở đập Nova Kakhovka tái diễn.

2 Tin Tuc The Gioi 7 6 My Sap Co Cau Tra Loi Vu Vo Dap Ukraine Cong Ty Trung Quoc Bi Trung Phat

Vị trí đập Nova Kakhovka và các khu vực bị lụt sau khi đập bị vỡ - Nguồn: New York Times, ISW. Việt hóa: DUY LINH

* Ngoại trưởng Mỹ sắp tới Trung Quốc

Ngày 6-6, truyền thông Mỹ đồng loạt đưa tin Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken sắp tới Trung Quốc "trong vài tuần nữa". Hãng tin Bloomberg dẫn lời một quan chức tiết lộ, song không nói rõ thời gian.

Bộ Ngoại giao Mỹ không xác nhận nhưng cũng chẳng phủ nhận thông tin. Thay vào đó, bộ này cho biết chưa có thông tin để cung cấp. Hồi tháng 2 rồi, Ngoại trưởng Mỹ Blinken đã hoãn đến Bắc Kinh sau vụ khinh khí cầu Trung Quốc "đi lạc" vào không phận Mỹ.

Chính quyền Washington sau đó cho biết chuyến đi sẽ diễn ra vào thời điểm phù hợp khác. Thông tin ông Blinken sắp đến Bắc Kinh được hé lộ không lâu sau chuyến đi của một quan chức ngoại giao Mỹ phụ trách Đông Á và Thái Bình Dương đến Trung Quốc.

* Hàn Quốc trở lại Hội đồng Bảo an

Với 180/192 phiếu ủng hộ, Hàn Quốc đã trúng cử thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an trong cuộc bỏ phiếu kín ngày 6-6 (giờ Mỹ). Nhiệm kỳ thứ ba của Hàn Quốc tại cơ quan quyền lực nhất Liên Hiệp Quốc sẽ bắt đầu từ ngày 1-1-2024.

Theo Hãng thông tấn Yonhap, Hàn Quốc sẽ được tiếp cận các tài liệu của Hội đồng Bảo an từ tháng 8-2023. Từ tháng 10-2023, Hàn Quốc sẽ được dự những cuộc họp của cơ quan này. 

Các nước khác cũng trúng cử ngày 6-6 gồm Algeria (184/192), Guyana (191/192) và Sierra Leone (188/192). Hàn Quốc là ứng viên duy nhất đại diện cho châu Á - Thái Bình Dương trong đợt này. 

Nhiệm kỳ của Hàn Quốc sẽ có 1 năm chứng kiến 3 nước Đông Bắc Á cùng có ghế trong Hội đồng Bảo an, gồm Trung Quốc (thành viên thường trực), Hàn Quốc và Nhật Bản. Nhiệm kỳ của Nhật Bản sẽ kết thúc vào cuối năm 2024.

Lần đầu xứ kim chi làm ủy viên không thường trực là vào năm 1996, theo dữ liệu của Liên Hiệp Quốc. Lần thứ hai là năm 2013. Seoul sẽ giữ ghế chủ tịch luân phiên của Hội đồng Bảo an vào tháng 6-2024.

3 Tin Tuc The Gioi 7 6 My Sap Co Cau Tra Loi Vu Vo Dap Ukraine Cong Ty Trung Quoc Bi Trung Phat

Niềm vui của phái đoàn đại diện Hàn Quốc tại Liên Hiệp Quốc sau khi có kết quả - Ảnh: YONHAP

* Hàng chục công ty Trung Quốc bị Mỹ trừng phạt

Ngày 6-6, cùng ngày Iran công bố tên lửa đạn đạo siêu vượt âm đầu tiên, Mỹ đã áp lệnh trừng phạt với hơn một chục cá nhân và công ty ở Trung Quốc. Danh sách trừng phạt gồm ông Davoud Damghani, tùy viên quân sự Iran tại đại sứ quán nước này ở Bắc Kinh.

Bộ Tài chính Mỹ cáo buộc ông Damghani giữ vai trò điều phối, tìm kiếm máy móc từ các công ty Trung Quốc. Số thiết bị này được dùng cho chương trình tên lửa của Iran. Bộ Ngoại giao Iran và Trung Quốc cùng các công ty bị trừng phạt chưa bình luận.

* Căng thẳng ở Kosovo có lối thoát

Ngày 6-6, giới chức Kosovo thông báo đang tính khả năng tổ chức bầu cử lại ở 4 thành phố có đông người Serb. Tuy nhiên, Kosovo cần nhận được một số cam kết từ các bên, trong đó có Serbia, nước vẫn xem Kosovo là một phần lãnh thổ.

Bạo lực bùng phát khi chính quyền Kosovo bổ nhiệm các thị trưởng gốc Albania ở các thành phố có đông người Serbia. Tỉ lệ cử tri đi bầu chỉ là 3,5%. Vụ việc khiến người Serb tức giận, dẫn tới việc NATO đưa quân hỗ trợ Kosovo lập lại trật tự.

Kosovo có diện tích gần 11.000km2. Năm 2008, vùng lãnh thổ này tuyên bố độc lập khỏi Serbia nhưng Belgrade không công nhận. Khoảng 100 nước thành viên Liên Hiệp Quốc cũng không thừa nhận Kosovo. 

Thành phố xe đạp4 Tin Tuc The Gioi 7 6 My Sap Co Cau Tra Loi Vu Vo Dap Ukraine Cong Ty Trung Quoc Bi Trung Phat

Ảnh của Anadolu Agency/Getty Images

Những chiếc xe đạp đã xếp lại với nhau thành một chiếc xe đạp khổng lồ tại thành phố Bogotá ở Colombia. Với khoảng 8 triệu dân, thành phố Bogotá có quãng đường dành cho xe đạp bao phủ hơn 360km. Gần 84.000 người sử dụng mạng lưới xe đạp của Bogotá mỗi ngày để tiết kiệm chi phí và giảm ô nhiễm.

Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online


© 2024 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC



 

Bài liên quan