"Đây là một tình huống rất khó khăn. Tôi đã nói rằng tôi rất không hài lòng về cuộc điện đàm với Tổng thống Putin. Ông ấy muốn đi đến cùng, tiếp tục khiến nhiều người thiệt mạng, điều đó không tốt", Tổng thống Mỹ Donald Trump nói với các phóng viên trên chuyên cơ Không lực Một ngày 4/7.
Ông Trump đề cập tới khả năng sẵn sàng siết lệnh trừng phạt Nga sau 6 tháng trì hoãn, khi ông cố gắng thuyết phục Tổng thống Nga Vladimir Putin chấm dứt xung đột. "Chúng tôi thảo luận rất nhiều về lệnh trừng phạt. Ông ấy hiểu rằng điều đó sẽ xảy ra", Tổng thống Trump nói.
Tổng thống Mỹ Donald Trump trước khi lên chuyên cơ Không lực Một tại căn cứ liên hợp Andrews, bang Maryland ngày 4/7. Ảnh: AP
Ông cho hay đã có cuộc gọi "rất chiến lược" với Tổng thống Volodymyr Zelensky ngày 4/7, khi lo ngại gia tăng tại Ukraine vì Mỹ thông báo đình chỉ viện trợ một số loại vũ khí.
Ông Zelensky sau đó thông báo rằng hai lãnh đạo đã nhất trí về việc tăng cường khả năng phòng thủ của Ukraine. "Chúng tôi đã trao đổi về vấn đề phòng không và nhất trí sẽ hợp tác cùng nhau để tăng khả năng bảo vệ vùng trời", Tổng thống Ukraine viết trên mạng xã hội.
Ông Trump cùng ngày điện đàm với Thủ tướng Đức Friedrich Merz, thảo luận về phương án chuyển thêm đạn tên lửa Patriot cho Ukraine. "Thủ tướng Merz cảm thấy Ukraine cần được bảo vệ", ông Trump nói.
Tổng thống Mỹ từng bày tỏ quan điểm tiêu cực sau cuộc điện đàm với ông Putin ngày 3/7, thừa nhận chưa có tiến triển nào trong đàm phán về xung đột Nga - Ukraine.
Điện Kremlin cho biết Tổng thống Putin khẳng định Nga sẽ không từ bỏ mục tiêu trong xung đột với Ukraine, song sẵn sàng duy trì đàm phán. Nga khẳng định luôn chú ý mọi phát biểu của ông Trump sau khi Tổng thống Mỹ nói không hài lòng về cuộc điện đàm, thêm rằng nước này ưu tiên đạt mục tiêu trong chiến dịch đặc biệt bằng biện pháp chính trị và ngoại giao.
"Việc này chưa khả thi, do đó chúng tôi sẽ tiếp tục chiến dịch", phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov nói. "Tổng thống Putin nói với người đồng cấp Mỹ rằng Nga vẫn chờ các bên thống nhất để tiến hành vòng đàm phán trực tiếp thứ ba với Ukraine".
Nga và Ukraine đã tiến hành hai vòng đàm phán trực tiếp tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ sau khi ông Trump nhậm chức, song không đạt được tiến triển quan trọng nào trừ thỏa thuận trao đổi tù nhân quy mô lớn. Chưa có dấu hiệu cho thấy hai bên sắp tiến hành cuộc đối thoại trực tiếp thứ ba.
Mục tiêu mà Nga tuyên bố khi mở chiến dịch ở Ukraine là "phi quân sự hóa, phi phát xít hóa" Ukraine, bảo vệ cộng đồng nói tiếng Nga ở vùng Donbass, chống lại sự mở rộng của NATO về phía đông và bảo đảm trạng thái trung lập của Kiev.
Nguyễn Tiến (Theo AFP, AP, Reuters)
© 2025 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC