Nắng nóng gây nhiều vụ cháy rừng ở châu Âu và nhiều nơi trên thế giới - Ảnh: REUTERS
Nhà khoa học Mika Rantanen làm việc tại FMI cho biết: "Năm 2024 ghi nhận mùa hè có nhiệt độ trung bình cao nhất (tại Lapland), không chỉ trong các dữ liệu quan trắc trực tiếp từ cuối thế kỷ XIX, mà còn trong các phân tích gián tiếp dựa trên hình ảnh vòng trong thân cây gỗ, chuỗi dữ liệu kéo dài tới tận 2.000 năm".
Nghiên cứu chung, do FMI và Viện Khí tượng và Viện Tài nguyên thiên nhiên Phần Lan phối hợp thực hiện, được công bố trên tạp chí khoa học Nature của Mỹ, cho thấy tại Sodankyla - một thị trấn ở miền bắc Phần Lan, nhiệt độ trong mùa hè năm 2024 cao hơn khoảng 2,1 độ C so với mức trung bình thường thấy, do tác động của biến đổi khí hậu.
Nhiệt độ trung bình trong 4 tháng hè (từ tháng 6 - 8) năm 2024 đạt 15,9 độ C - cao hơn 0,4 độ C so với mức kỷ lục ghi nhận năm 1937. Một con số nhỏ bé trên giấy tờ, nhưng mang ý nghĩa vô cùng lớn đối với một khu vực vốn nổi tiếng lạnh giá.
Ông Rantanen cho biết: "Nếu không có biến đổi khí hậu, một mùa hè nóng bức như vậy chỉ xảy ra 1 lần trong khoảng 1.400 năm. Tuy nhiên với tình hình biến đổi khí hậu hiện tại, điều này có thể lặp lại sau mỗi 16 năm".
Chuyên gia này cảnh báo vùng phía bắc Fennoscandia, bao gồm Lapland và một phần nước Nga, đang dần "vượt khỏi giới hạn biến thiên tự nhiên" khi nhiệt độ không ngừng tăng. Hệ quả là các đợt sóng nhiệt xảy ra thường xuyên hơn, cháy rừng gia tăng và đẩy nhanh quá trình xanh hóa vùng lãnh nguyên, làm tổn thương nghiêm trọng hệ sinh thái mong manh của Bắc Cực và đời sống của các cộng đồng bản địa.
Đáng lo ngại hơn, nghiên cứu cũng nhấn mạnh rằng khu vực Bắc Cực đang nóng lên nhanh gấp 4 lần tốc độ trung bình toàn cầu kể từ năm 1979.
Ông Rantanen cảnh báo nếu xu hướng phát thải hiện tại không được kiểm soát, đến năm 2050, những mùa hè nóng như năm 2024 sẽ trở thành điều "bình thường mới", lặp lại trung bình mỗi 4 năm.
TTXVN
© 2025 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC