Sự diệt vong của trí thức Trung Hoa dưới thời Mao Trạch Đông
Lịch sử từng chứng kiến một thời kỳ đen tối dưới chế độ Mao Trạch Đông. Nhân danh cách mạng, ông ta đã ra tay tàn sát toàn bộ giới trí thức Trung Hoa. Mao Trạch Đông tuyên bố trí thức là “lão cửu thối tha”, thậm chí còn không bằng một cục phân.
Dưới khẩu hiệu “bạo lực cách mạng”, hàng triệu giáo sư, bác sĩ, kỹ sư, nhà văn, nhà sử học bị sỉ nhục, bị đưa đi cải tạo hoặc chết trong các trại lao động.
Các trường đại học đóng cửa.
Thư viện bị thiêu hủy.
Cả một nền văn minh rạng rỡ bị tàn phá, chỉ vì người đứng đầu sợ những người hiểu biết sẽ phơi bày sự thật phũ phàng đằng sau lớp sơn hào nhoáng của lý tưởng cộng sản: một chế độ chuyên quyền vận hành bằng nỗi sợ hãi và sự mê tín chính trị.
Hình ảnh minh họa cho sự đàn áp trí thức dưới thời Mao Trạch Đông.
Chiến dịch bài trí thức tinh vi của Donald Trump
Nửa thế kỷ sau, ở một quốc gia được xem là biểu tượng của dân chủ phương Tây, lịch sử ấy dường như đang tái diễn – dưới một hình thức mới, tinh vi hơn, nhưng bản chất vẫn không thay đổi.
Donald Trump, với chiến dịch bài trí thức được ngụy trang bằng ngôn từ mị dân, đã dần biến tầng lớp tinh hoa trí tuệ của nước Mỹ thành mục tiêu bị khinh miệt, tấn công và loại trừ khỏi đời sống chính trị và văn hóa.
Hình ảnh khẩu hiệu tranh cử của Donald Trump.
Không dùng đến bạo lực vật lý hay trại cải tạo, Trump sử dụng truyền thông, các khẩu hiệu mị dân như “elite”, “deep state”, “fake news” để tấn công giới học thuật, gọi họ là những kẻ sống xa rời thực tế.
Truyền thông độc lập bị ông ta gọi là “kẻ thù của nhân dân”, các chuyên gia y tế là “những kẻ hù dọa vì lợi ích cá nhân”.
Ông ta khơi dậy tâm lý khinh rẻ trí thức, cổ súy cho một văn hóa “ghét người thông minh”, biến sự vô tri thành biểu tượng của sự chân thành, và dối trá trở thành một kỹ năng chính trị.
Sinh viên, giáo sư và nhân viên phản đối các biện pháp của Tổng thống Trump tại Đại học California, Berkeley. . Phil Pasquini/Shutterstock
Sự tương đồng đáng sợ
Mục tiêu của cả Mao và Trump không hề khác nhau. Chỉ có phương pháp khác nhau. Mao Trạch Đông tấn công trực diện, còn Trump thao túng cảm xúc đại chúng.
Cả hai đều hiểu rằng chỉ khi nào người dân nghi ngờ trí thức, thù địch với trí thức và quay lưng với sự thật, thì quyền lực độc đoán mới thực sự an toàn.
Bài học từ Trung Quốc vẫn còn nguyên giá trị thời sự. Khi một chế độ tiêu diệt giới trí thức, nó không chỉ tiêu diệt một tầng lớp xã hội mà còn phá hủy khả năng tự phản tỉnh của cả một dân tộc. Đó là sự đứt gãy giữa quá khứ và tương lai.
Khi người dân mất đi người dẫn đường, họ phải mò mẫm trong bóng tối bằng cảm tính, bản năng đám đông và những lời hứa rỗng tuếch của kẻ lãnh đạo chuyên sống bằng sự giận dữ. Trump không cần viết lại hiến pháp. Ông ta chỉ cần viết lại định nghĩa của từ “thật”.
Và ông ta đã làm được điều đó không phải vì ông ta giỏi, mà vì có một bộ phận dân chúng đã bị nuôi dưỡng quá lâu trong sự lười biếng tư duy, ngại phản biện và thèm khát những lời lẽ đơn giản hóa đến mức vô lý.
Sự diệt vong thầm lặng
Đến khi người ta vỗ tay cho những kẻ dám “nói thẳng”, dù lời nói đó là dối trá. Khi người ta tôn thờ bản năng hơn lý trí. Khi người ta tin một tỷ phú chống lại “giới tinh hoa”, trong khi chính ông ta là hiện thân của đặc quyền… thì sự diệt vong của nền văn minh không đến từ chiến tranh, mà từ những tiếng reo hò. Cái chết của tri thức không ồn ào.
Nó đến như một cơn ngạt thở chậm rãi. Khi trường đại học bị cắt giảm ngân sách vì “giảng viên quá cấp tiến”. Khi giáo sư bị đe dọa vì dạy lịch sử nô lệ. Khi nhà khoa học bị nghi ngờ vì nói lên sự thật về biến đổi khí hậu.
Và khi người dân bắt đầu tin rằng “nghe theo chuyên gia là dại”, thì đó chính là lúc bóng tối đã thắng một nửa trận chiến.
Từ Mao Trạch Đông đến Donald Trump, từ Hồng vệ binh đến đội quân MAGA, từ đốt sách đến chặn sách, lịch sử chỉ thay áo, chưa hề đổi màu.
Trong lòng những chế độ thù ghét sự thật, trí thức luôn là kẻ thù nguy hiểm nhất – bởi trí thức không cầm súng, nhưng cầm lẽ phải. Và đó mới là điều khiến bạo quyền run rẩy.
Phạm Hương - © Báo TIN TỨC VIỆT ĐỨC
© 2025 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC