Quốc gia "bỏ Đài theo Trung": Gốc rễ đáng sợ của mâu thuẫn, chỉ chờ 1 mồi lửa để bùng phát

Bạo loạn tại Quần đảo Solomon chỉ là "phần nổi của tảng băng chìm" và có liên quan mật thiết tới quan hệ của quốc gia này đối với đảo Đài Loan và Trung Quốc.

1 Quoc Gia Bo Dai Theo Trung Goc Re Dang So Cua Mau Thuan Chi Cho 1 Moi Lua De Bung Phat

Bạo loạn đã đẩy thủ đô Honiara thuộc đảo Guadalcanal rơi vào biển lửa, các trường trung học địa phương bị cướp phá, những kẻ bạo loạn đã đốt phá một công ty gỗ và những người biểu tình đã phá hoại hàng chục doanh nghiệp do Trung Quốc làm chủ.

Quân đội Australia và cảnh sát liên bang vừa đổ bộ vào quần đảo Solomon sau khi có yêu cầu hỗ trợ từ Thủ tướng nước này, Manasseh Sogavare. Ông Sogavare vẫn đứng vững trước tình hình bất ổn ngày càng gia tăng, cáo buộc các đối thủ chính trị gieo rắc bất đồng quan điểm và xúi giục tâm lí bài trừ Trung Quốc trong khi làm ngơ các vấn đề kinh tế tiềm ẩn đằng sau cuộc khủng hoảng mới nhất của đất nước.

Điều gì gây ra cuộc xung đột?

Căng thẳng sắc tộc và căng thẳng khu vực giữa thủ đô Honiara và Malaita, tỉnh đông dân nhất của Solomon, cùng với tác động kinh tế của COVID-19 đã khiến mâu thuẫn bùng phát. Cứ 10 người dân Quần đảo Solomon thì có 7 người ở độ tuổi dưới 30. Việc làm chỉ có hạn và các ngành công nghiệp bao gồm khai thác gỗ và du lịch đã phải vật lộn để giành được chỗ đứng sau nhiều năm bất ổn dân sự.

Những người trẻ tuổi đang bày tỏ sự thất vọng của họ đối với một chính phủ mà họ tin rằng đã bị thâu tóm bởi các nhóm lợi ích nước ngoài và không thể đảm bảo được an sinh xã hội. Sự bất bình đẳng giữa tầng lớp chính trị và đa số người dân ngày càng rộng.

"Tình hình trở nên nhạy cảm hơn bao giờ hết. Khi có người được điều động, ngay cả vì mục đích hòa bình, mọi người sẽ lo lắng," một nhà nghiên cứu tại Viện Lowy và là cựu quan chức ngoại giao Australia tại Quần đảo Solomon, cho biết.

2 Quoc Gia Bo Dai Theo Trung Goc Re Dang So Cua Mau Thuan Chi Cho 1 Moi Lua De Bung Phat

Solomon vẫn đang đối đầu với hậu quả của "thời kỳ căng thẳng" từ năm 1998 đến năm 2003, khi các vụ giết người, tình trạng vô pháp luật, tống tiền tràn lan và chính sách không hiệu quả đã khiến lực lượng dân quân thuộc các bộ tộc gia tăng trên hai hòn đảo chính - đảo Guadalcanal và đảo Malaita. Căng thẳng dẫn đến xung đột văn hóa kéo dài và cuối cùng là sự can thiệp của Lực lượng Phòng vệ Australia vào năm 2003 thông qua RAMSI (Phái bộ Hỗ trợ Khu vực tới Quần đảo Solomon) kéo dài đến năm 2017.

Ông Sogavare đã bác bỏ những lo ngại mang tính địa phương. Thủ tướng tuyên bố căng thẳng là kết quả của việc đối thủ chính trị Suidani của ông đã kích động tâm lí bài Trung Quốc sau khi Quần đảo Solomon chuyển công nhận ngoại giao từ đảo Đài Loan sang Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa vào năm 2019.

"Đó là vấn đề duy nhất," ông Sogavare nói với ABC. "Họ muốn Quần đảo Solomon từ bỏ các mối quan hệ ngoại giao".

Vai trò của Trung Quốc và Đài Loan

Quần đảo Solomon trở thành một trong những quốc gia mới nhất chuyển quan hệ ngoại giao từ Đài Loan sang Bắc Kinh vào năm 2019. Quyết định, mà chính phủ của Sogavare cho rằng sẽ mang lại viện trợ kinh tế lớn hơn từ Trung Quốc để đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng, cũng làm dấy lên sự phẫn nộ trong cộng đồng sau các nghị sĩ.

3 Quoc Gia Bo Dai Theo Trung Goc Re Dang So Cua Mau Thuan Chi Cho 1 Moi Lua De Bung Phat

Trung Quốc coi Đài Loan là một lãnh thổ không thể tách rời. Để thiết lập quan hệ ngoại giao với Bắc Kinh, một quốc gia cần cắt đứt mọi quan hệ với Đài Bắc. Tất cả các chính phủ phương Tây khác đã có quan hệ ngoại giao với Bắc Kinh trong hơn 5 thập kỷ qua.

Nhưng ở Honiara, sự thay đổi đột ngột sau nhiều thập kỷ thiết lập quan hệ với đảo Đài Loan đã làm bùng phát mâu thuẫn lớn với Trung Quốc đại lục. Điều này dẫn đến các cuộc tấn công bạo lực nhằm vào các doanh nghiệp Trung Quốc trong tuần qua - dù một số doanh nghiệp không có bất kì liên hệ chính trị nào với Đài Loan hoặc Trung Quốc.

Suidani, Thủ hiến Malaita, cũng đã dùng yếu tố địa chính trị để đánh bóng tên tuổi của mình.

Vốn là một nhân vật ủng hộ đảo Đài Loan, ông Suidani đã đến Đài Bắc để điều trị chẩn đoán khối u não vào hồi tháng 6. Việc này vấp phải sự chỉ trích mạnh mẽ từ Đại sứ quán Trung Quốc ở Honiara.

Từ đó, ông Suidani nói ông sẽ từ chối mọi khoản đầu tư nào của Trung Quốc vào tỉnh có 200.000 dân của mình.

Anna Powles, một chuyên gia nghiên cứu về quốc phòng và an ninh Thái Bình Dương tại Đại học Massey ở New Zealand, cho biết: "Việc chuyển quan hệ ngoại giao từ Đài Loan sang Trung Quốc chỉ là giọt nước làm tràn ly. Thực ra phong trào ly khai đã có gốc rễ lâu đời ở Malaita".

Cho đến nay, sự can thiệp của quốc tế chỉ làm cho vấn đề trở nên tồi tệ hơn. Powles nói: "Washington đã trao gói viện trợ 25 triệu USD trực tiếp cho chính phủ Malaita, gây cản trở chính quyền trung ương và các quy trình mà họ thường thông qua. Việc này khiến tình hình cực kỳ mất ổn định."

Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị


© 2025 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC



 

Bài liên quan