Thủ tướng Đức: Nga không thể kết thúc chiến sự tại Ukraine bằng "hòa bình lạnh lùng"

Thủ tướng Đức: Nga không thể kết thúc chiến sự tại Ukraine bằng "hòa bình lạnh lùng"

Thủ tướng Scholz nói, Putin phải hiểu rằng không thể kết thúc chiến tranh bằng cách thực hiện "một số kiểu hòa bình lạnh lùng". "Ví dụ như bằng cách biến tiền tuyến hiện tại thành "biên giới" mới giữa Nga và Ukraine".

Thủ tướng Đức nói ông có kế hoạch nối lại liên lạc với Tổng thống Nga "vào thời điểm thích hợp", và cảnh báo rằng Moscow không thể kết thúc chiến sự tại Ukraine bằng "hòa bình lạnh lùng".

Trong một cuộc phỏng vấn với báo Koelner Stadt-Anzeiger được công bố hôm 26/5, Thủ tướng Olaf Scholz nói: "Cuộc hội đàm gần đây nhất của tôi với ông Putin diễn ra cách đây đã lâu. Nhưng tôi dự định sẽ sớm lên kế hoạch hội đàm lần nữa với nhà lãnh đạo Nga trong thời gian thích hợp".

Động thái trên mở ra triển vọng nối lại liên lạc giữa hai cường quốc châu Âu sau khi mối quan hệ song phương gần như đổ vỡ hoàn toàn kể từ khi cuộc xung đột Ukraine bùng nổ hồi tháng 2/2022.

Tổng thống Putin và Thủ tướng Scholz từng tiến hành điện đàm vài lần sau thời điểm bước ngoặt này.

Trong cuộc điện đàm vào tháng 9/2022 và kéo dài 90 phút, Thủ tướng Scholz kêu gọi Tổng thống Putin đưa ra một giải pháp ngoại giao "dựa trên một thỏa thuận ngừng bắn".

Hai nhà lãnh đạo sau đó có cuộc điện đàm lần gần nhất là vào đầu tháng 12/2022, trong đó chú trọng thảo luận các vấn đề liên quan đến việc thực hiện thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine từ các cảng ở Biển Đen và việc dỡ bỏ hạn chế xuất khẩu thực phẩm và phân bón của Nga.

Trong cuộc điện đàm kéo dài 1 giờ đó, Thủ tướng Scholz cũng thúc giục Tổng thống Putin rút quân khỏi Ukraine, trong khi nhà lãnh đạo Nga cáo buộc phương Tây đang theo đuổi các chính sách "phá hoại".

1 Thu Tuong Duc Nga Khong The Ket Thuc Chien Su Tai Ukraine Bang Hoa Binh Lanh Lung

Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) và Thủ tướng Đức Olaf Scholz từng có cuộc điện đàm gần nhất là vào tháng 12/2022 (Ảnh: APA).

Kể từ đó, căng thẳng giữa Moscow và Berlin leo thang, đặc biệt là về quyết định của chính phủ Thủ tướng Scholz cho phép gửi xe tăng chiến đấu hạng nặng do Đức sản xuất tới Ukraine vào hồi tháng 1.

Trong cuộc phỏng vấn lần này, Thủ tướng Scholz cũng khẳng định mục tiêu của ông vẫn là "tích cực hỗ trợ Ukraine", nhưng "đồng thời ngăn chặn xung đột trực tiếp giữa NATO và Nga".

"Và chúng tôi không bao giờ hành động một mình, mà phải phối hợp chặt chẽ với các bạn bè và đồng minh", ông nhấn mạnh.

Khi được hỏi về triển vọng ngăn chặn xung đột thông qua đàm phán, Thủ tướng Scholz nói, Tổng thống Putin phải hiểu rằng không thể kết thúc chiến tranh bằng cách thực hiện "một số kiểu hòa bình lạnh lùng". "Ví dụ như bằng cách biến tiền tuyến hiện tại thành "biên giới" mới giữa Nga và Ukraine", ông nói.

Cũng theo nhà lãnh đạo Đức: "Thay vào đó, các bên cần nỗ lực đạt được một nền hòa bình công bằng, và điều kiện tiên quyết cho điều đó là Nga rút quân".

Theo Alarabiya

Nguồn: Báo điện tử Dân trí


© 2024 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC



 

Bài liên quan