Từ cô bé rửa bát ở quán phở thành tiến sĩ Vật lý nổi tiếng trời Tây

Từ một cô bé 12 tuổi phải đi làm thuê và từng chịu cảnh đói rét vì thiếu ăn thiếu mặc, chính H’Linh cũng không ngờ sau này, mình có thể trở thành một tiến sĩ Vật lý, giảng dạy tại ngôi trường đại học lớn nhất khu vực Mỹ Latinh.

1 Tu Co Be Rua Bat O Quan Pho Thanh Tien Si Vat Ly Noi Tieng Troi Tay

Tiến sĩ H’Linh Hmok đang công tác tại Đại học Quốc gia Tự trị Mexico. Ảnh: NVCC.

Xuất phát điểm không quyết định tương lai của mỗi người

Tháng 10/2006, H’Linh đặt chân tới Cuba theo học chuyên ngành Vật lý tại Đại học La Habana - ngôi trường duy nhất đào tạo chương trình cử nhân Vật lý ở đất nước này khi ấy.

“Sinh viên theo học ngành cử nhân Vật lý ở đây đều rất giỏi. Nhiều bạn đã giành giải cao trong các cuộc thi quốc gia và quốc tế về vật lý, hoặc là con của các tiến sĩ trong ngành Vật lý, trong khi tôi vẫn đang chật vật với việc làm quen với tiếng Tây Ban Nha”, H’Linh Hmok nhớ lại.

Vừa học ngôn ngữ, vừa học chuyên ngành tuy vất vả, nhưng cũng nhờ môi trường cạnh tranh, cô gái Việt dần nâng cao năng lực, bắt đầu tham gia nghiên cứu và viết các bài báo khoa học.

Năm 2012, H’Linh tốt nghiệp với tấm bằng loại giỏi. Từ luận văn đại học, cô đã sở hữu 2 bài báo được đăng trên các tạp chí trong nước và quốc tế. Sau đó, cô tiếp tục nhận học bổng toàn phần từ Hội đồng Quốc gia về Khoa học và Công nghệ của Mexico để học thạc sĩ và tiến sĩ tại Trung tâm Nghiên cứu Khoa học và Giáo dục Đại học Ensenada (CICESE) và Trung tâm Khoa học Nano và Công nghệ Nano thuộc Đại học Quốc gia Tự trị Mexico (CNYN-UNAM).

H’Linh đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ tại Mexico từ tháng 5/2019. Hiện tại, cô làm nghiên cứu sau tiến sĩ và là giảng viên tại Đại học Quốc gia Tự trị Mexico, với học hàm gần tương đương phó giáo sư.

Vì bố mất liên quan đến sự độc hại của chì, một phần quan trọng trong các nghiên cứu của mình sau này, TS H’Linh Hmok tập trung vào việc nghiên cứu và phát triển các vật liệu ferroics và multiferroics không chứa chì.

Đây là hướng nghiên cứu nhằm giảm thiểu tác động độc hại của kim loại này đối với sức khỏe con người và môi trường, đặc biệt trong các lĩnh vực như thiết bị điện tử và cảm biến thông minh.

Sau gần 20 năm học tập và làm việc tại nước ngoài, TS H’Linh Hmok chia sẻ “dù đi xa đến đâu, cội nguồn vẫn là nơi tôi luôn hướng về”. Vì vậy, mong muốn của cô gái Tây Nguyên là sớm được trở về Việt Nam, dùng kiến thức, trải nghiệm của mình để lan tỏa giá trị cho cộng đồng.

“Tôi mong rằng qua câu chuyện của mình, tôi có thể truyền cảm hứng cho các bạn trẻ đang đối mặt với hoàn cảnh khó khăn. Hãy tin rằng giáo dục chính là chìa khóa mở ra cánh cửa thay đổi số phận.

Xuất phát điểm không quyết định tương lai của mỗi người. Dù bắt đầu từ đâu, bạn vẫn có thể vươn tới những điều lớn lao, miễn chủ động tìm kiếm cơ hội, dấn thân và kiên trì bước đi. Mỗi bước nhỏ hôm nay chính là nền tảng cho một tương lai rạng ngời và tốt đẹp hơn”, TS H’Linh Hmok chia sẻ.

Theo: ZNEWS.VN


© 2025 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC



 

Bài liên quan