Từ 3 điểm môn Sinh đến nghiên cứu sinh tiến sĩ tại viện nghiên cứu ung thư lớn nhất nước Đức

Từ 3 điểm môn Sinh đến nghiên cứu sinh tiến sĩ tại viện nghiên cứu ung thư lớn nhất nước Đức

Chỉ khoảng hơn một tháng ứng tuyển, Trinh nhận học bổng toàn phần cho 4 năm học tiến sĩ (khoảng 4 tỷ đồng) tại Trung tâm nghiên cứu ung thư Đức, liên kết với Đại học Heidelberg. Đây là 2 đơn vị hàng đầu của Đức về sinh học, y học và ung thư. Cô phải vượt qua vòng sơ tuyển với tỷ lệ chọi 1/200, đồng thời trải qua 2 vòng thi kiểm tra chất lượng đầu vào của trường đại học.

Đang là nghiên cứu sinh tiến sĩ ngành Ung thư nhưng hơn 10 năm trước, Kiều Trinh chỉ đạt 3 điểm môn Sinh khi thi Đại học.

1 Tu 3 Diem Mon Sinh Den Nghien Cuu Sinh Tien Si Tai Vien Nghien Cuu Ung Thu Lon Nhat Nuoc Duc

Kiều Trinh hiện là nghiên cứu sinh tiến sĩ ngành Ung thư tại Đức. Ảnh: NVCC.

Đinh Kiều Trinh sinh năm 1995 tại huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi. Cô hiện là nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Đại học Heidelberg (Đức) và Trung tâm nghiên cứu ung thư Đức (DKFZ). Nhưng ít ai biết, thời THPT, Trinh từng là học sinh mất gốc môn Sinh học - môn học gắn liền với lĩnh vực cô đang theo đuổi hiện tại.

“Thời điểm đó, tôi chỉ tập trung học 3 môn khối A là Toán, Lý, Hóa để thi ngành Kiểm toán. Đăng ký thêm khối B, tôi dự định để chống trượt, nhưng ai ngờ tôi lại gắn bó tới tận bây giờ - từ đại học, thạc sĩ, đến tiến sĩ", Kiều Trinh cho biết cô chỉ đạt 3 điểm thi đại học ở môn Sinh, đỗ ngành Sinh học của Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia TP.HCM) nhờ điểm Toán và Hóa rất cao.

Bước ngoặt từ phòng nghiên cứu ở trường đại học

Trinh cho hay năm nhất đại học, cô gặp nhiều khó khăn do vốn dĩ không thích ngành Sinh học, lại thêm mất gốc nên điểm số môn Sinh chỉ lẹt đẹt 5-6. Cô chán nản, đã có lúc tính đến chuyện thi lại đại học.

Mãi đến cuối năm 2, trong những lần được lên phòng lab (phòng thí nghiệm) để phụ việc cho anh chị sinh viên năm cuối, Trinh mới dần nhen nhóm niềm yêu thích với ngành học, với nghiên cứu và ấp ủ giấc mơ học thạc sĩ.

“Lúc ấy, tôi bắt đầu chăm chỉ hơn, tự học lại các kiến thức nền về Sinh học để có cái gốc vững chắc. Tôi cũng nhận ra nếu học thạc sĩ trong nước, chi phí sẽ rất lớn trong khi gia đình lại thuần nông. Tôi tăng tốc, nỗ lực, cố gắng nhiều hơn ở 2 năm cuối để giành học bổng thạc sĩ tại nước ngoài", Trinh chia sẻ.

2 Tu 3 Diem Mon Sinh Den Nghien Cuu Sinh Tien Si Tai Vien Nghien Cuu Ung Thu Lon Nhat Nuoc Duc

Kiều Trinh học thạc sĩ ngành Kỹ thuật y sinh tại Đại học Quốc gia Thanh Hoa (Đài Loan). Ảnh: NVCC.

Năm 2018, Trinh đỗ học bổng toàn phần và bắt đầu theo học thạc sĩ ngành Kỹ thuật y sinh tại Đại học Quốc gia Thanh Hoa (Đài Loan). Cô nói rằng đây dường như là cánh cửa mở ra một tương lai mới.

“Lần đầu tiên tôi được đi máy bay cũng là lúc đặt chân đến một nơi xa lạ. Thời gian ấy, tôi buộc phải đạt điểm rất cao, hầu hết là A+ (90/100 điểm) để có thể duy trì học bổng. Bắt đầu đi vào nghiên cứu chuyên sâu, tôi nhận ra bản thân còn quá nhiều thứ cần học hỏi và cải thiện", Trinh nói.

Sau thời gian thích nghi với môi trường, Trinh dần tiến bộ và bắt đầu có kết quả nhất định. Năm đề tài cô tham gia nghiên cứu đều đạt kết quả tốt và được đăng tại các tạp chí hàng đầu trong ngành (Q1) như Science Advances, PNAS, ACS applied materials & interfaces… Các đề tài của cô tập trung vào nghiên cứu thuốc điều trị ung thư gan.

Bên cạnh đó, Trinh cũng có cơ hội tham gia hội nghị khoa học tại Đài Loan và Canada (do dịch Covid-19 nên không thể tham dự).

Nghiên cứu về ung thư đường mật

Tốt nghiệp thạc sĩ với GPA 4.24/4.3, năm 2021, Trinh quyết định chuyển hướng, xin học bổng tiến sĩ tại châu Âu thay vì tiếp tục học tại Đài Loan bởi muốn bước ra vùng an toàn. Cô cũng lựa chọn một hướng nghiên cứu mới để thử thách bản thân.

Chỉ khoảng hơn một tháng ứng tuyển, Trinh nhận học bổng toàn phần cho 4 năm học tiến sĩ (khoảng 4 tỷ đồng) tại Trung tâm nghiên cứu ung thư Đức, liên kết với Đại học Heidelberg. Đây là 2 đơn vị hàng đầu của Đức về sinh học, y học và ung thư.

Cô cho hay để bước vào vòng phỏng vấn học bổng của DKFZ, cô phải vượt qua vòng sơ tuyển với tỷ lệ chọi 1/200, đồng thời trải qua 2 vòng thi kiểm tra chất lượng đầu vào của trường đại học.

Kiều Trinh là nghiên cứu sinh tiến sĩ đầu tiên tại phòng thí nghiệm, được thành lập bởi TS Michael Dill (bác sĩ cấp cao khoa tiêu hóa - nhiễm trùng - ngộ độc, Phó giám đốc y khoa viêm xơ đường mật tại Bệnh viện Đại học Heidelberg).

Do vậy, thời gian đầu, cô phải học cách vận hành phòng thí nghiệm, chuẩn bị các nghiên cứu gốc và làm việc độc lập, đồng thời thích nghi với văn hóa làm việc và các kỹ thuật mới - khác so với bậc học thạc sĩ.

Tại đây, Trinh nghiên cứu sâu về ung thư đường mật, sử dụng những kĩ thuật hiện đại nhất để tìm ra chức năng quan trọng của một protein trong việc điều chỉnh vi môi trường khối u và hệ miễn dịch, qua đó có thể kết hợp điều trị với những liệu pháp miễn dịch để hạn chế khối u phát triển và tăng khả năng sống sót.

3 Tu 3 Diem Mon Sinh Den Nghien Cuu Sinh Tien Si Tai Vien Nghien Cuu Ung Thu Lon Nhat Nuoc Duc

4 Tu 3 Diem Mon Sinh Den Nghien Cuu Sinh Tien Si Tai Vien Nghien Cuu Ung Thu Lon Nhat Nuoc Duc

Nhiều công đoạn nghiên cứu, Trinh phải mất hàng tháng để tìm ra đáp án. Ảnh: NVCC.

Hiện tại, Trinh đã đi được 2/3 chặng đường, đang ở bước đối chứng và loại bỏ chức năng của protein nhằm tìm ra sự thay đổi của hệ miễn dịch của khối u khi môi trường thay đổi. Cuối cùng là tìm ra cơ chế sau khi thấy được sự khác biệt giữa nhóm đối chứng và nhóm loại bỏ hoàn toàn chức năng của protein trong việc điều chỉnh hệ miễn dịch trong vi môi trường khối u.

Nữ sinh nhận định làm khoa học không hề dễ dàng, nhất là khi nghiên cứu của cô mới hoàn toàn. Nhiều công đoạn, cô phải mất hàng tháng để tìm ra đáp án. May mắn, Trinh nhận được sự hỗ trợ và chỉ bảo nhiều từ TS Michael Dill.

“TS Michael Dill thường xuyên gợi ý cho tôi sách và các bài báo trên tạp chí khoa học. Việc họp báo cáo tiến độ cũng diễn ra thường xuyên. Vì vậy, việc nghiên cứu cũng suôn sẻ hơn, kiên trì tìm cách giải quyết thì sẽ có kết quả", Trinh nói.

Cô cho biết ngoài làm việc với giảng viên hướng dẫn, đề tài nghiên cứu của cô phải báo cáo trước hội đồng 3 lần. Hiện, cô đã hoàn tất báo cáo lần 2 và nhận về phản hồi tích cực từ hội đồng.

“Bài báo cáo rất logic, các hình ảnh biểu đồ rất chuyên nghiệp. Bài thuyết trình rõ ràng, quá trình nghiên cứu thấy được sự khác biệt so với lần họp đầu tiên, rất tiến bộ, có nhiều kết quả triển vọng hơn. Nghiên cứu sinh sẵn sàng tiếp thu cái mới và học hỏi”, trích nhận xét từ hội đồng về tiến trình nghiên cứu của Kiều Trinh.

Trong quá trình nghiên cứu tại Đức, Trinh cho hay bản thân cũng cảm thấy tiếc vì chưa tham gia chương trình thực tập nào do nghiên cứu thực hiện thí nghiệm trên chuột và nuôi tế bào dưới dạng organoids. Nếu tham gia thực tập, cô buộc phải tạm dừng nghiên cứu. Thay vào đó, cô có cơ hội hướng dẫn 2 thạc sĩ khác trong vòng 2 và 4 tháng, đồng thời tham gia cộng tác ở một số phòng thí nghiệm khác.

Năm đầu học tiến sĩ, Trinh cũng ứng tuyển chương trình EB-2.NIW của Mỹ (chương trình nhập cư dành cho người có tài năng hoặc chuyên môn vượt trội) và được chấp thuận.

Tuy nhiên, do còn học ở Đức, cô chưa thể qua Mỹ nhận thẻ. Trinh dự định tốt nghiệp xong sẽ ở lại Đức làm việc một năm. Sau đó, cô sẽ qua Mỹ để lấy thẻ xanh, đồng thời tìm kiếm cơ hội nghiên cứu sau tiến sĩ tại các đại học lớn như Harvard, Stanford.

Ngọc Bích


© 2024 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC



 

Bài liên quan