Châu Á 'mướt mồ hôi' vì nắng nóng

Châu Á 'mướt mồ hôi' vì nắng nóng

Khắp châu Á đang trải qua "tháng 4 nóng nhất lịch sử" với nhiệt độ phá kỷ lục khắp châu lục từ Ấn Độ, Trung Quốc đến khu vực Đông Nam Á về nắng nóng.

1 Chau A Muot Mo Hoi Vi Nang Nong

Bụi mù mịt giữa nắng nóng ở thành phố Prayagraj của Ấn Độ vào ngày 18-4 - Ảnh: AFP

Nhiều người tự hỏi điều gì đang xảy ra và làm sao để hạ nhiệt? Không chỉ bất thường, các chuyên gia lo ngại đợt nắng nóng này sẽ còn nghiêm trọng hơn trong thời gian tới.

Những kỷ lục nhiệt độ nắng nóng

Nhiệt kế tại hàng trăm khu vực khắp Trung Quốc nhảy số ở mức báo động khi hơn 100 điểm thuộc 12 tỉnh phá kỷ lục nhiệt độ của tháng 4, trong đó thành phố Vân Hòa của tỉnh Chiết Giang lên đến 38,2oC vào ngày 17-4. Mùa hè đang khởi động đáng lo ngại vì thời gian nóng nhất trong năm tại Trung Quốc thường là tháng 6 và 7.

Ở Nam Á, nhiệt độ dao động từ 43oC ở Bangladesh cho đến 44,6oC ở Ấn Độ, trong khi Đông Nam Á cũng vật lộn với cái nóng đến 44oC ở Myanmar và 41,6oC ở Lào. Thái Lan thường nóng nhất vào tháng 4 và tháng 5, tuy nhiên nhiều nơi đã sớm phá kỷ lục và thị trấn Tak ở miền bắc đã ghi nhận mức nhiệt cao nhất trước nay ở nước này với 45,4oC vào ngày 17-4.

Theo các nhà khí tượng học, nhiệt độ có thể lên tới 50oC dưới trời nắng. Chính quyền Thái Lan đã đưa ra các cảnh báo sức khỏe và khuyến cáo người dân ở trong nhà để tránh sốc nhiệt. Còn tại Campuchia, thông báo ngày 10-4 của Bộ Y tế hướng dẫn người dân uống nhiều nước, tránh thức uống có cồn, không ăn mặn, ngọt, mặc quần áo chống nắng, tránh ra ngoài vào buổi trưa, theo Asia News.

"Tình hình sẽ ngày càng tệ hơn" - sử gia thời tiết Maximiliano Herrera nhận định, cho rằng châu Á đang trải qua đợt nắng nóng tháng 4 nghiêm trọng nhất trong lịch sử. Điều đáng lo ngại là nắng nóng sẽ gây ra thiệt hại lớn không chỉ xét về quy mô mà còn về mức độ.

Các nghiên cứu cho thấy châu Á là khu vực đặc biệt dễ tổn thương do nắng nóng, không chỉ làm giảm sản lượng kinh tế và các hoạt động ngoài trời mà còn tác động đến xã hội như đóng cửa trường học.

Cuối tuần trước, 13 người đã bỏ mạng khi tham dự một sự kiện ở bang Maharashtra (Ấn Độ) với cả triệu người ngồi dưới trời nắng hàng giờ. Nhưng nhiều người chỉ có hai lựa chọn: hoặc lao ra nắng hoặc đói. "Tôi có thể làm gì được? Nếu tôi không làm việc thì chúng tôi không có gì để ăn" - anh Rahman Ali, 42 tuổi, sống ở ngoại ô New Delhi của Ấn Độ, nói về công việc nhặt rác để nuôi hai con nhỏ.

2 Chau A Muot Mo Hoi Vi Nang Nong

Nguồn: Axios, Washington Post - Dữ liệu: Trần Phương - Đồ họa: T.ĐẠT

Tìm cách "giải nhiệt"

Nếu nhiệt độ toàn cầu tăng thêm 2oC so với mức tiền công nghiệp, các đợt nắng nóng vốn chỉ xảy ra khoảng 2 lần mỗi thế kỷ sẽ tăng tần suất cứ 5 năm một lần, nhà khoa học Arpita Mondal tham gia nghiên cứu của IPCC cho biết. "Đây là dấu hiệu của những điều sắp xảy ra", bà Mondal nói.

Vậy làm sao để đối phó? Nhiều thành phố của Ấn Độ đã xây dựng các kế hoạch như báo động hệ thống y tế và người dân trước các đợt nắng nóng, chia sẻ thông tin, sử dụng các vật liệu chống nắng lợp nhà...

Năm 2019, Ấn Độ là quốc gia đầu tiên trên thế giới áp dụng Kế hoạch hành động giải nhiệt và đã được một số nước láng giềng như Pakistan học theo. Không chỉ hỗ trợ về y tế, nông nghiệp, kế hoạch còn thúc đẩy "giải nhiệt" trong việc xây dựng nhà ở như ứng dụng kỹ thuật giải nhiệt thụ động, thiên nhiên, sử dụng vật liệu chống nhiệt như rơm.

Theo Viện McKinsey, mấu chốt của chống biến đổi khí hậu là chính sách của chính phủ. Chẳng hạn tại châu Á, hiệu ứng đảo nhiệt đô thị khiến nhiệt độ ở nhiều thành phố lớn cao hơn đến 7oC so với các vùng lân cận. Để đối phó, Singapore gần đây áp dụng giải pháp Thành phố trong tự nhiên, trồng 1 triệu cây xanh và lập nhiều mảng xanh, công viên.

"Mặc dù châu Á chịu rủi ro khí hậu tự nhiên cao hơn so với các khu vực khác trên thế giới, nhưng nơi này cũng ở vị thế dẫn đầu việc ứng phó với những thách thức đó và nắm bắt các cơ hội có thể phát sinh. Tư duy thích ứng và thiết kế giảm thiểu có thể được ứng dụng vào cơ sở hạ tầng và các khu đô thị vẫn đang được xây dựng ở nhiều nơi tại châu Á", Viện McKinsey nhận định.

Bắc Bộ và Trung Bộ nắng nóng kéo dài vài ngày tới

Bản tin chiều 19-4 của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia dự báo 1-2 ngày tới, Tây Bắc Bộ và khu vực từ Thanh Hóa đến Phú Yên có nắng nóng và nắng nóng gay gắt, có nơi đặc biệt gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến 36 - 39oC, có nơi trên 40oC, có thể kéo dài đến ngày 23-4, từ ngày 24-4 nắng nóng dịu dần. Phía Đông Bắc Bộ từ ngày 21-4 dự báo có nắng nóng, ngày 22-4 có nắng nóng diện rộng, từ ngày 23-4 nắng nóng giảm dần.

Do ảnh hưởng của nắng nóng và nắng nóng gay gắt kết hợp với độ ẩm trong không khí giảm thấp và gió tây nam gây hiệu ứng phơn, nên có nguy cơ xảy ra cháy nổ và hỏa hoạn ở khu vực dân cư do nhu cầu sử dụng điện tăng cao, và nguy cơ xảy ra cháy rừng. Ngoài ra nắng nóng còn có thể gây tình trạng mất nước, kiệt sức, đột quỵ do sốc nhiệt đối với cơ thể người khi tiếp xúc lâu với nền nhiệt độ cao.

Thiệt hại lớn vì nắng nóng

Theo Ngân hàng Thế giới, đến năm 2030, thiệt hại về lao động do nhiệt độ cao có thể tương đương 4,5% GDP của Ấn Độ (khoảng 150 đến 250 tỉ USD), trong khi Pakistan và Bangladesh mất 5% GDP. Năm 2020, nghiên cứu của Viện toàn cầu McKinsey ước tính đến năm 2050 châu Á sẽ mất từ 2.800 đến 4.700 tỉ USD do biến đổi khí hậu.

"Khi châu Á tìm cách phát triển kinh tế và giữ vị trí là nguồn tăng trưởng chính của thế giới, khí hậu là một thách thức nghiêm trọng mà khu vực này sẽ cần phải giải quyết", nghiên cứu khuyến cáo.

Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online


© 2024 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC



 

Bài liên quan