Góc nhìn Putin và thực chất sự sụp đổ của Liên Xô

Góc nhìn Putin và thực chất sự sụp đổ của Liên Xô

Nhà lãnh đạo Nga Putin cho rằng, hậu quả từ sự sụp đổ của Liên bang Xô viết tồi tệ hơn nhiều so với những gì mọi người thấy trong những giấc mơ tồi tệ nhất của mình.

132 1 Goc Nhin Putin Va Thuc Chat Su Sup Do Cua Lien Xo

Giới lãnh đạo Nga lý giải về nguyên nhân Liên Xô tan rã

Sự sụp đổ của Liên bang Xô viết không có gì liên quan đến sự phát triển của chủ nghĩa dân tộc ở các nước vùng Baltic, nó diễn ra do chính sách kinh tế không hiệu quả, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã phát biểu như vậy về nguyên nhân vì sao Liên Xô tan rã”.

Tại diễn đàn “VTB Capital - Nước Nga vẫy gọi!”, nhà lãnh đạo Nga cho rằng, đối với các lý do cho sự sụp đổ của Liên Xô, ít có liên quan đến sự phát triển của chủ nghĩa dân tộc ở các nước Baltic, mà nguyên nhân chủ yếu là do chính sách kinh tế rất kém hiệu quả của Liên Xô.

Theo ông, sự suy sụp về kinh tế sau những sai lầm liên tiếp là nguyên nhân chính dẫn đến sự khủng hoảng trong lĩnh vực xã hội và đã kéo theo hậu quả trong lĩnh vực chính trị.

Đồng thời, Tổng thống Nga đã dẫn tấm gương về Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (Trung Quốc) như một ví dụ về sự phát triển hiệu quả. Theo ông, Trung Quốc đã “sử dụng tốt nhất khả năng quản lý của chính quyền trung ương và sự phát triển của nền kinh tế thị trường”.

Còn ở Liên Xô thì không có gì tương tự đã được thực hiện thành công và kết quả của các chính sách kinh tế không hiệu quả đã ảnh hưởng đến lĩnh vực chính trị. “Hậu quả từ sự sụp đổ của Liên bang Xô viết còn tồi tệ hơn nhiều so với những gì mọi người nghĩ và những gì mọi người có thể thấy ngay cả trong những giấc mơ tồi tệ nhất của mình” - Tổng thống Putin bổ sung.

Thế nhưng trước đây, cựu lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev đã cho rằng, chính trị mới là nguyên nhân chính dẫn đến sự sụp đổ của Nhà nước Xã hội Chủ nghĩa lớn nhất thế giới.

Theo ông, một trong những nguyên nhân chính là do giới lãnh đạo của Nga - nước cộng hòa lớn nhất trong Liên bang Xô viết, đứng đầu là cựu Tổng thống Boris Yeltsin, đã đi theo con đường chia tách. Chính xu hướng này đã dẫn đến sự tan rã của Liên Xô.

Ông cũng chia sẻ thêm rằng, ông đã cố gắng suy trì sự thống nhất của Liên bang Xô viết trong quá trình tiến hành cuộc “Cải tổ liên bang”.

"Niềm tin sâu sắc của tôi nằm ở con đường dẫn đến chủ quyền chính trị của các nước cộng hòa, đưa đến sự độc lập kinh tế, giữ gìn bản sắc của họ, cũng như phát triển văn hóa thông qua cải tổ liên bang, chuyển đổi thành một nhà nước liên bang dân chủ, thực chất, hiệu quả, mà các nước cộng hòa được ủy quyền”, ông Gorbachev nhớ lại.

Vào thời chiến tranh Lạnh, Liên Xô là thủ lĩnh của các nước Xã hội Chủ nghĩa trên thế giới

Ông Gorbachev cho rằng, nguyên nhân trực tiếp là do Hiệp ước Liên bang mới, dự định ký kết vào năm 1991 đã bị ngăn chặn bởi cuộc đảo chính tháng 8. Nếu hiệp ước này được ký kết, Liên bang Xô viết có lẽ đã không tan rã và hàng chục triệu người Nga đã không phải hối tiếc về sự sụp đổ của Liên Xô.

Quan điểm thực chất về sự sụp đổ của Liên Xô

Về vấn đề này, cũng đã có rất nhiều công trình nghiên cứu tầm cỡ quốc tế về những nguyên nhân khiến Liên bang Xô viết tan rã.

Một trong những quan điểm chính, mang tính khái quát cao đã cho rằng, những nguyên nhân khách quan chỉ là sự tác động, bổ trợ thúc đẩy nhanh quá trình tự tan rã của Liên Xô; còn 3 nguyên nhân nội tại (chủ quan) rất lớn, cũng là 3 sai lầm chết người của Liên Xô và khối Xã hội Chủ nghĩa mới chính là yếu tố quyết định dẫn đến sự sụp đổ của một trong những nhà nước liên bang vĩ đại nhất trong lịch sử loại người:

Nguyên nhân thứ nhất là: Giới lãnh đạo Liên Xô và các nước Xã hội Chủ nghĩa nói chung đã hiểu sai về học thuyết kinh tế-chính trị của Chủ nghĩa Mác-Lê Nin, áp dụng máy móc mô hình kinh tế “Tập trung, Quan liêu, Bao cấp”, khiến cả khối lâm vào khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng, đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn, từ đó đã dẫn đến khủng hoảng về chính trị-xã hội.

Nguyên nhân thứ hai là: Giới lãnh đạo Liên Xô và các nước Xã hội Chủ nghĩa Đông Âu đã không tuân thủ chặt chẽ các nguyên lý trong Triết học và Kinh tế-Chính trị Mác-Lê Nin, sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng nguyên lý phát triển của Đảng cộng sản vào công cuộc cải tổ, dẫn đến việc khởi xướng đường lối cải tổ chính trị trước khi tiến hành cải cách kinh tế.

Nguyên nhân thứ ba là: Giới lãnh đạo Liên Xô và các nước Xã hội Chủ nghĩa Đông Âu đã phủ nhận các nguyên lý của “Chủ nghĩa xã hội khoa học”, chệch hướng trên con đường xây dựng Chủ nghĩa Xã hội, xóa bỏ vai trò lãnh đạo độc tôn của Đảng Cộng sản Liên Xô, đi theo con đường “đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập”, dẫn đến sự mất định hướng về chính trị của đất nước, gây ra hỗn loạn trong đời sống xã hội.

Cả 3 nguyên nhân cơ bản như trên (trong đó còn rất nhiều vấn đề khác), chứ không chỉ đơn thuần là một trong những nguyên nhân riêng rẽ về kinh tế hay chính trị, mới là yếu tố cộng hưởng khiến cho Liên bang Xô viết tan rã, khối Xã hội Chủ nghĩa Đông Âu sụp đổ, trên thế giới chỉ còn lại một vài nước tiếp tục đi theo con đường  đi lên Chủ nghĩa Cộng sản.

Thiên Nam

 

Nguồn: Báo ĐẤT VIỆT


© 2024 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC



 

Bài liên quan