Chỉ 55,5% người lao động Việt có đủ thịt, cá trong bữa ăn: Công nhân loay hoay, chắt bóp chi tiêu lo cuộc sống

Theo kết quả khảo sát do Tổng LĐLĐVN thực hiện trong tháng 3-4/2025 với gần 3.000 người lao động, thì chỉ có 55,5% người lao động có đủ điều kiện ăn thịt, cá trong tất cả các bữa ăn chính (không kể bữa ăn ca tại doanh nghiệp).

Thực tế, để lo cho cuộc sống, con cái nhiều công nhân đã chật vật chắt bóp chi tiêu, thậm chí không dám về quê nhiều vì sợ tốn kém.

Công nhân chật vật, chắt bóp chi tiêu cuộc sống

Chiều muộn, khi vừa kết thúc ca làm, chị Tạ Thị Như Ý (38 tuổi, quê huyện Quốc Oai (cũ), Hà Nội) tất bật trở về phòng trọ lo cơm nước, sinh hoạt cho 3 con. Vợ chồng chị Ý là công nhân gắn bó với khu công nghiệp Bắc Thăng Long đến nay gần 20 năm.

Đó cũng là quãng thời gian chị gắn bó với căn nhà trọ ở xã Thiên Lộc nay (trước là xã Hải Bối), Hà Nội.

1 Chi 555 Nguoi Lao Dong Viet Co Du Thit Ca Trong Bua An Cong Nhan Loay Hoay Chat Bop Chi Tieu Lo Cuoc Song

Chị Tạ Thị Như Ý tất bật trở về phòng trọ sau giờ làm lo cơm nước, sinh hoạt cho 3 con. Ảnh: Gia Khiêm

Thực đơn cho cả 5 nhân khẩu trong gia đình hôm nay có phần cải thiện khi nấm được anh rể cho xào chung với thịt lợn. Chị bảo, cuộc sống công nhân khó khăn nhưng luôn cố gắng tích cóp, cải thiện bữa ăn đầy đủ chất dinh dưỡng cho cả gia đình để làm việc, học tập.

Chia sẻ với PV Dân Việt chị Ý cho biết, là người có thâm niên công nhân gần 20 năm nhưng lương đến nay khoảng 12-13 triệu/tháng. Chồng chị Ý thì việc ít hơn, khoảng 7-8 triệu đồng/tháng. Với mức thu nhập đó, cả gia đình sinh sống được tại Hà Nội cũng là bài toán khiến chị tính toán chi tiêu sao cho phù hợp.

“Riêng tiền nhà trọ của gia đình tôi mỗi tháng hơn 2 triệu cả điện nước, con lớn thì chuẩn bị vào lớp 10, các con học thêm tiếng Anh, ôn thi bên ngoài khá tốn kém. Với thu nhập hiện tại, cả gia đình cũng đủ chi tiêu, không dư dả là bao. Có lúc tôi cũng tính chuyện cho các con xa cha mẹ về quê học tập nhưng nghĩ lại thương, con cũng quen với trường lớp, bạn bè nên vợ chồng tôi gắng gượng lo cho các con”, chị Ý tâm sự.

Để tiết kiệm chi tiêu, thi thoảng cuối tuần được nghỉ chị Ý về quê cách nơi trọ khoảng 60km đong gạo, mua rau, thịt mang lên tích trữ ăn dần. Người chị gái, người thân thi thoảng phụ cho thêm con gà, ít trứng để gia đình cải thiện.

2 Chi 555 Nguoi Lao Dong Viet Co Du Thit Ca Trong Bua An Cong Nhan Loay Hoay Chat Bop Chi Tieu Lo Cuoc Song

Anh Lê Xuân Giáp bộc bạch: “Gắn bó 20 năm làm công nhân, tài sản lớn nhất của vợ chồng tôi là con cái".

Cùng xóm trọ với chị Ý, anh Lê Xuân Giáp (41 tuổi, quê Hà Tĩnh) cho biết, đã gắn bó với công ty mình đang làm đến nay cũng đã gần 20 năm. Cả hai vợ chồng anh làm công nhân rồi nên duyên và có 2 con trai.

Theo anh Giáp, công việc ít tăng ca hơn mọi năm nên thu nhập của của anh có giảm hơn một chút so với các năm trước. Trước đây thì tăng ca 40-50 tiếng, có tháng cao điểm tăng ca 80-90 tiếng, còn giờ thì ít hơn nên thu nhập không cao.“Tổng thu nhập của vợ chồng tôi có thâm niên nên cộng lại hơn 20 triệu/tháng. Với số tiền này sống tại thủ đô nên cũng phải tính toán chi tiêu sao cho hợp lý nhất. Nếu không tính toán chi tiêu cả gia đình tôi không đủ”, anh Giáp nói.

Có thời gian con trai học trường tư thục, mỗi tháng tiền học 3-4 triệu khiến vợ chồng anh Giáp không khỏi đau đầu, chưa kể con học thêm ngoại ngữ ở trung tâm. Sau một thời gian anh quyết định xin cho con vào trường công lập để đỡ gánh nặng cơm áo, gạo tiền. Có lúc vợ chồng anh tính chuyện đưa hai con về quê cho ông bà để đỡ chi phí học tập nhưng vì nhớ con nên lại thay đổi suy nghĩ. Thi thoảng bạn bè rủ liên hoan nhưng anh Giáp cũng hạn chế để tiết kiệm chi tiêu, lo cho con cái, cuộc sống gia đình. Nhà ở xa, vợ chồng anh Giáp cũng không dám về để tiết kiệm chi phí.

Anh bộc bạch: “Gắn bó 20 năm làm công nhân, tài sản lớn nhất của vợ chồng tôi là con cái. Cả hai vợ chồng không dư dả nhiều nên việc mua nhà Hà Nội là thứ gì đó rất xa xỉ. Làm công nhân nếu tiết kiệm, tích cóp cả đời may ra mua được mảnh đất và không có tiền xây trừ khi kinh tế hai bên gia đình khá giả, phụ thêm.

Vợ chồng tôi giờ chỉ mong công ty tạo điều kiện cho mình được làm việc, công việc đều, thu nhập được tăng hơn, sức khoẻ đảm bảo sẽ cố gắng làm lo con cái ăn học. Sau này vợ chồng cố gắng gom góp xây được cái nhà ở quê sau có chốn lui về”, anh Giáp tâm sự.

3 Chi 555 Nguoi Lao Dong Viet Co Du Thit Ca Trong Bua An Cong Nhan Loay Hoay Chat Bop Chi Tieu Lo Cuoc Song

Anh Nguyễn Văn Sáng (43 tuổi, quê tỉnh Hưng Yên) chia sẻ, đã gắn bó với công ty sản xuất nhựa ở khu công nghiệp đến nay hơn 20 năm. Ảnh: Gia Khiêm

Còn gia đình anh Nguyễn Văn Sáng (43 tuổi, quê tỉnh Hưng Yên) chia sẻ, đã gắn bó với công ty sản xuất nhựa ở khu công nghiệp đến nay hơn 20 năm.

Chỉ tay vào khu nhà trọ gia đình thuê mỗi tháng hơn 2 triệu cả điện nước, anh Sáng cho hay, đã gắn bó với nơi này cũng từng nấy thời gian làm công nhân. Nơi đây, vợ chồng anh sinh 2 con, con lớn năm nay chuẩn bị sang lớp 10, con trai thứ 2 học lớp 7.

“Cũng như bao gia đình công nhân khác, với thu nhập như hiện tại, nuôi con tôi cũng phải tính toán rất nhiều”, anh Sáng tâm sự.

Người lao động phải "thắt lưng buộc bụng", vay mượn để chi trả sinh hoạt phí 

Theo kết quả khảo sát do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thực hiện với gần 3.000 người lao động tại 10 tỉnh, thành phố vào tháng 3-4/2025 vừa qua cho thấy, có 54,9% người lao động nói rằng tiền lương, thu nhập của họ vừa đủ chi tiêu cơ bản của gia đình; 26,3% phải tằn tiện, chi tiêu kham khổ; 7,9% không đủ sống, phải làm thêm các công việc khác để có thêm thu nhập trang trải cuộc sống.

4 Chi 555 Nguoi Lao Dong Viet Co Du Thit Ca Trong Bua An Cong Nhan Loay Hoay Chat Bop Chi Tieu Lo Cuoc Song

Khu xóm trọ công nhân nơi anh Nguyễn Văn Sáng sinh sống. Ảnh: Gia Khiêm

Trong bối cảnh thu nhập chưa đáp ứng được nhu cầu chi tiêu của gia đình, dẫn đến tình trạng người lao động phải “thắt lưng buộc bụng”, tiết kiệm để đảm bảo cuộc sống. Nhiều trường hợp người lao động phải vay mượn để chi trả cho các nhu cầu phát sinh đột suất. Cụ thể, kết quả khảo sát cho thấy có 12,5% người lao động thường xuyên (hàng háng) phải vay mượn tiền để ổn định cuộc sống; 29,9% người lao động thỉnh thoảng (3 - 4 tháng/lần) phải vay mượn tiền.

Về dinh dưỡng, chỉ có 55,5% người lao động có đủ điều kiện ăn thịt, cá trong tất cả các bữa ăn chính (không kể bữa ăn ca tại doanh nghiệp). Như vậy, còn một bộ phận không nhỏ chưa có mức dinh dưỡng ổn định và đầy đủ, từ đó ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất, hiệu quả và năng suất lao động. Đồng thời, cũng làm giảm chất lượng cuộc sống của họ và gia đình.

Thông qua kết quả khảo sát, Tổng Liên đoàn cũng ghi nhận tiền lương thấp là nguyên nhân chính ảnh hưởng đến quyết định lập gia đình của công nhân lao động, khi có tới 72,6% tổng số người chưa lập gia đình phản hồi như vậy. Người lao động cảm thấy mức thu nhập hiện tại không đủ để đảm bảo cuộc sống ổn định khi bắt đầu lập gia đình, đặc biệt là trong bối cảnh chi phí sinh hoạt và nuôi dưỡng con cái ngày càng tăng.

Mức lương không chỉ ảnh hưởng đến khả năng chi tiêu hàng ngày, mà còn tác động đến việc mua nhà, tiết kiệm cho tương lai, và đảm bảo các nhu cầu cơ bản cho một gia đình mới.

Đáng chú ý, có tới 72,5% người lao động đã lập gia đình cho biết tiền lương, thu nhập hiện tại ảnh hưởng đến quyết định sinh thêm con của họ. Mức thu nhập ở mức đủ sống khiến các cặp vợ chồng lo lắng về khả năng tài chính để nuôi dạy con cái. Trong khi chi phí nuôi con, đặc biệt là chi phí giáo dục và chăm sóc sức khỏe ngày càng đắt đỏ, nên họ đang trì hoãn sinh con để đảm bảo chất lượng cuộc sống cho bản thân và gia đình.

Về chi phí giáo dục, có hơn 53,3% người lao động cho biết tiền lương chỉ đáp ứng một phần (trên 50%) nhu cầu chi cho giáo dục con cái. Như vậy, với đa số người lao động, chi phí giáo dục là một gánh nặng tài chính và họ phải phụ thuộc vào các nguồn hỗ trợ như vay mượn, tiết kiệm, hoặc từ gia đình để đủ trang trải.

Đặc biệt, có 6,9% người lao động cho biết tiền lương của họ không đáp ứng được nhu cầu chi cho giáo dục con cái. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nhận định, đây là một con số đáng lo ngại, có thể dẫn đến việc con cái họ không được tiếp cận với giáo dục chất lượng, ảnh hưởng đến khả năng phát triển, và cơ hội nghề nghiệp của thế hệ tương lai.

Thu nhập thấp cũng khiến đại đa số người lao động không có khả năng tài chính để chủ động chăm sóc sức khỏe toàn điện, đặc biệt khi gặp các vấn đề y tế nghiêm trọng, hoặc cần điều trị dài hạn.

Khảo sát cho thấy có đến 44,1% người lao động cho biết thu nhập của họ chỉ đảm bảo nhu cầu chăm sóc sức khỏe và khám chữa bệnh ở mức cơ bản; 38% chỉ đủ tiền để mua một số loại thuốc cơ bản; 5,6% hoàn toàn không đủ mua thuốc và khám chữa bệnh. 

Nguồn: Dân Việt


© 2025 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC



 

Bài liên quan