Xiaomi đối mặt chỉ trích vì ép nhân viên làm việc tối thiểu 11,5 tiếng/ngày - Ảnh: REUTERS
Theo báo cáo của trang Jiu Pai News ngày 24-4, một người dùng trên nền tảng Maimai - mạng xã hội nghề nghiệp cho phép người dùng chia sẻ ẩn danh về công việc tại Trung Quốc - đã đăng bài viết cho biết Xiaomi yêu cầu tất cả nhân viên phải làm việc tối thiểu 11,5 tiếng mỗi ngày.
Như chia sẻ của nhân viên này, những ai có thời gian làm việc dưới 8 tiếng sẽ phải nộp bản giải trình, trong khi các nhân viên nằm trong nhóm có tổng thời gian làm việc thấp nhất sẽ bị quản lý trực tiếp gọi lên trao đổi, thậm chí là "khuyên nghỉ việc".
Hiện Xiaomi chưa đưa ra bình luận về vụ việc này.
Tăng ca để bù giờ làm việc vì nghỉ phép
Thông tin trên nhanh chóng thu hút sự chú ý và trở thành từ khóa dẫn đầu trên bảng tìm kiếm nóng của mạng xã hội Weibo vào ngày 24-4. Nhiều nhân viên Xiaomi sau đó cũng xác nhận tình trạng tương tự với Jiu Pai News.
Theo đó, một nhân viên làm việc tại chi nhánh Xiaomi ở Thượng Hải cho biết bộ phận của anh có yêu cầu làm việc trung bình 11,5 tiếng/ngày, với lịch trình bắt đầu từ 9h đến 20h30.
Trong khi đó, một nhân viên khác thuộc bộ phận smartphone của Xiaomi tiết lộ với Jiu Pai News rằng có nhóm phải làm việc 12,5 tiếng/ngày, nhóm thấp nhất cũng là 10,5 tiếng, thậm chí có nhóm lên đến 14-15 tiếng.
"Lãnh đạo chỉ chỉ đạo miệng, không để lại dấu vết nào", người này chia sẻ với Jiu Pai News.
Một nhân viên khác của Xiaomi tại Bắc Kinh kể lại anh từng bị yêu cầu viết bản tường trình, và bị cảnh báo nếu tiếp tục duy trì số giờ làm việc dưới 10,5 tiếng.
Trong khi đó, một nhân viên của Xiaomi ở Giang Tô cho biết dù đã đạt trung bình 12 tiếng/ngày nhưng anh vẫn bị quản lý gọi lên làm việc riêng vì "xếp hạng thấp".
Ngoài ra, người này chia sẻ rằng việc xin nghỉ phép cũng sẽ ảnh hưởng đến thời gian làm việc trung bình mỗi ngày. Chỉ cần nghỉ phép một ngày trong tháng, thời gian làm việc trung bình ngày sẽ không đạt 8 tiếng, khi đó họ buộc phải tăng ca để bù lại.
Theo Jiu Pai News, chính sách kiểm tra giờ làm việc tại Xiaomi đã được áp dụng trong khoảng 2 năm qua, nhiều nhân viên không rõ vì sao thời gian gần đây mới gây tranh cãi trên mạng xã hội.
Trung Quốc thúc đẩy cân bằng lao động
Thông tin trên xuất hiện trong bối cảnh Trung Quốc đang tăng cường nỗ lực kiểm soát tình trạng làm việc quá giờ trong giới doanh nghiệp.
Báo cáo công tác Chính phủ Trung Quốc năm 2025 đã yêu cầu xử lý toàn diện vấn đề "cạnh tranh nội bộ gây kiệt quệ", ý chỉ hiện tượng vắt kiệt sức lao động của nhân viên mà không đem lại sự phát triển thực chất.
Vào ngày 1-3, Ủy ban Cải cách và Phát triển quốc gia Trung Quốc (NDRC) đã công bố kế hoạch hành động nhằm giải quyết các vấn đề như văn hóa làm thêm giờ tại nước này.
Kế hoạch này yêu cầu doanh nghiệp tuân thủ nghiêm các quy định về thời giờ làm việc và triển khai chế độ nghỉ phép có lương cho nhân viên. Sau đó, nhiều doanh nghiệp bắt đầu điều chỉnh chính sách lao động theo hướng tích cực hơn.
Nền tảng mạng xã hội RedNote vừa tuyên bố sẽ chấm dứt chế độ làm việc tuần dài tuần ngắn - một hình thức làm việc luân phiên, trong đó nhân viên làm việc 5 ngày trong một tuần và 6 ngày ở tuần kế tiếp.
Tuy nhiên do có thể nhận lương làm thêm gấp đôi, nhiều nhân viên RedNote đã than phiền trên mạng xã hội rằng việc này sẽ ảnh hưởng đến thu nhập của họ, theo tờ Lianhe Zaobao (Singapore).
LIÊN AN
Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online
© 2025 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC