Thay vào đó, Moscow cử ông Vladimir Medinski – cố vấn Tổng thống và là cựu Bộ trưởng Văn hóa – dẫn đầu phái đoàn Nga. Medinski từng gây tranh cãi vì bị coi là nhà tư tưởng cực đoan với nhiều quan điểm bóp méo lịch sử trong các sách giáo khoa chính thức. Các nhà sử học độc lập chỉ trích ông là công cụ tuyên truyền của Điện Kremlin.
Trong danh sách phái đoàn đàm phán do ông Putin phê duyệt, ngoài Medinski còn có Thứ trưởng Ngoại giao Mikhail Galusin, Tướng Igor Kostyukov (Bộ Tổng tham mưu), Thứ trưởng Quốc phòng Alexander Fomin và các chuyên gia đến từ Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng và Văn phòng Tổng thống Nga.
Ukraine chưa đưa ra phản ứng chính thức
Phía Ukraine vẫn chưa có phản ứng rõ ràng trước việc ông Putin không tham dự trực tiếp. Trước đó, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky từng tuyên bố sẵn sàng gặp trực tiếp người đồng cấp Nga để đàm phán hòa bình.
Nhiều nhà phân tích nhận định việc ông Putin vắng mặt có thể cho thấy Moscow chưa thực sự sẵn sàng cho một giải pháp chính trị toàn diện.
Mỹ cử phái đoàn cấp cao, Trump không tham dự
Tổng thống Mỹ Donald Trump – hiện đang có chuyến công du Trung Đông – cũng không tới Istanbul, mặc dù trước đó ông từng bày tỏ sẵn sàng tham gia nếu các bên có thiện chí đàm phán.
Thay vào đó, Washington đã cử Ngoại trưởng Marco Rubio cùng hai đặc phái viên Steve Witkoff và Keith Kellogg đại diện tham dự sau hội nghị NATO tại Belek (Thổ Nhĩ Kỳ).
Lịch sử đàm phán thất bại khiến kỳ vọng bị hạn chế
Các cuộc đàm phán trước đây giữa Nga và Ukraine, đặc biệt trong năm 2022 cũng tại Thổ Nhĩ Kỳ, đều không đạt được kết quả. Mỗi bên cáo buộc nhau thiếu thiện chí. Ukraine lo ngại Nga lợi dụng đàm phán để kéo dài thời gian và củng cố lực lượng, trong khi Nga chỉ trích Ukraine tiếp tục dựa vào viện trợ vũ khí từ phương Tây để kéo dài xung đột.
Giới quan sát cho rằng, sự vắng mặt của những nhân vật quyền lực nhất từ cả Nga và Mỹ đã khiến kỳ vọng về một bước đột phá trong vòng đàm phán lần này trở nên mong manh hơn bao giờ hết.
Phạm Hương - © Báo TIN TỨC VIỆT ĐỨC
© 2025 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC